Nam sinh Ngoại Thương chia sẻ bí quyết đạt thành tích học tập ấn tượng và câu chuyện làm trái ngành

Nhiều kỳ đạt học bổng khuyến khích học tập đến từ nhà trường và các doanh nghiệp, giành giải cao trong các cuộc thi nghiên cứu khoa học, GPA 3.89/4.0 (9.23/10.0) là những thành tích mà Nguyễn Văn Hiệp đã đạt được trong suốt hơn 3 năm học tập tại Trường Đại học Ngoại thương. Bên cạnh việc học, Hiệp cũng tích cực tham gia các hoạt động trong và ngoài trường.

Nguyễn Văn Hiệp (21 tuổi, đến từ Bắc Ninh) là sinh viên năm 4 ngành Kinh tế quốc tế của Trường Đại học Ngoại thương. Hiện tại, Hiệp thực tập tại Khối Ngân hàng Số của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MBBank).

Nguyễn Văn Hiệp (21 tuổi, đến từ Bắc Ninh) là sinh viên năm 4 ngành Kinh tế quốc tế của Trường Đại học Ngoại thương.

Dành nhiều thời gian cho công việc và học tập

Để đạt được những thành tích ấn tượng trong quá trình học đại học, Hiệp luôn cố gắng cân bằng học tập - công việc cũng như tận dụng mọi khoảng thời gian cho việc học. “Mỗi người chỉ có 24 tiếng một ngày. Và mình nghĩ, để đạt được kết quả tốt trong bất kỳ việc gì, chúng ta phải dành nhiều thời gian cho công việc đó, và việc học không phải ngoại lệ. Khi học tập trên trường đại học, điều quan trọng nhất là mục tiêu và kế hoạch đặt ra cho tương lai. Cụ thể, các bạn đặt ra kế hoạch học tập thì đích đến của các bạn là gì? Giả sử đối với bản thân mình, ngành học Kinh tế quốc tế đã và đang giúp đỡ mình rất nhiều trong công việc. Chính vì vậy, mình luôn cố gắng chú tâm vào việc học và cũng có nhiều cảm hứng trong việc học hơn”, Nguyễn Văn Hiệp chia sẻ quan điểm về việc học.

Hiệp (đứng bên trái) tham dự lễ trao học bổng của NHTMCP Quân Đội MB Bank.

Cũng giống như những bạn sinh viên khác, khó khăn trong học tập không phải ngoại lệ đối với chàng trai đến từ Bắc Ninh. Vào thời kỳ năm 2, năm 3 đại học, khi chưa tìm được một hướng đi rõ ràng, Hiệp từng cảm thấy nản và luôn đặt câu hỏi: “Liệu các kiến thức mà nhà trường trang bị có thực sự giúp ích cho công việc của mình trong tương lai?”. Dưới góc nhìn của cá nhân Hiệp, các ngành kinh tế nói chung có kiến thức khá rộng và kiến thức cũng thường không hướng đến một công việc cụ thể trong tương lai. Điều này giúp các bạn sinh viên khối ngành kinh tế có thể thử sức ở nhiều ngành nghề khác nhau, nhưng cũng là nguyên nhân chính khiến các bạn thiếu đi một định hướng rõ ràng trong tương lai. Đã từng tốn khá nhiều thời gian để giải quyết vấn đề này, nam sinh Ngoại thương rút ra một số hướng giải quyết và chia sẻ tới những bạn sinh viên cũng gặp tình trạng tương tự.

Hiệp (đứng thứ nhất bên trái) vừa hoàn thành Báo cáo Thực tập tại NHTMCP Quân Đội MB Bank.

Trước tiên, các bạn cần thực sự hiểu bản thân thích gì, muốn gì, cũng như có những điểm mạnh, điểm yếu gì vì chắc chắn không ai hiểu chúng ta hơn chính bản thân mình. Thứ hai, việc nắm bắt được xu hướng hiện tại của nền kinh tế và thị trường lao động cũng vô cùng quan trọng vì điều này sẽ giúp các bạn sinh viên lựa chọn được công việc có nhiều cơ hội phát triển trong tương lai. Thứ ba, khi muốn tìm hiểu sâu về một ngành nghề nào đó, bản thân các bạn sinh viên có thể tận dụng mối quan hệ xung quanh mình như thầy/ cô, anh/ chị, bạn bè,... để có thêm góc nhìn đa chiều về ngành nghề đó. “Tuy nhiên, hai yếu tố đầu tiên vẫn là tiên quyết giúp các bạn mường tượng, lựa chọn được đường đi phù hợp”, Hiệp nhấn mạnh thêm.

Hiệp (đứng thứ hai từ trái sang) và các giảng viên Chương trình vệ tinh trong kinh tế và kinh doanh Trường Đại học Ngoại thương.

Tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa

Bên cạnh việc học trên lớp, Hiệp còn là một thành viên hoạt động tích cực của câu lạc bộ Kinh tế toàn cầu (GEC) - câu lạc bộ được bảo trợ chuyên môn bởi khoa Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Ngoại thương. Khi hoạt động trong câu lạc bộ, điều Hiệp nhận được nhiều nhất đó chính là trải nghiệm và các mối quan hệ. “Mình được giao lưu, học hỏi không chỉ với các em, các bạn mà còn với rất nhiều anh/chị, thậm chí là các anh/chị đã ra trường, trước mình từ 5 đến 7 khóa. Đó là một điều thuận lợi, bởi biết đâu sau này, trong quá trình tìm việc hoặc phát triển sự nghiệp, đó sẽ là những người hỗ trợ, đồng hành cùng mình”, Hiệp chia sẻ.

Hiệp phát biểu trong một Hội thảo tổ chức bởi CLB Kinh tế toàn cầu GEC - FTU.

Từng giữ vị trí Phó Chủ tịch và Chủ tịch câu lạc bộ GEC trong hai nhiệm kỳ, Hiệp cho biết nhiều sinh viên khi tham gia câu lạc bộ thường gặp phải tình trạng quá tải và mất định hướng. Để giải quyết vấn đề này, theo kinh nghiệm của Hiệp, các bạn cần có những đánh giá cụ thể. Thứ nhất, các bạn cần tự đánh giá lại bản thân có thực sự phù hợp với văn hóa, cách hoạt động của tổ chức, câu lạc bộ hay không. Thứ hai, các bạn cần định hình ra kế hoạch sẽ tiếp tục phát triển như thế nào nếu cảm thấy tổ chức vẫn còn phù hợp với bản thân cũng như định hướng của bản thân trong tương lai. Thứ ba, và cũng là điều quan trọng nhất, trong suốt quá trình hoạt động, các bạn nên giữ tinh thần cầu tiến, liên tục học hỏi từ các anh/chị, các bạn.

Mạnh dạn rẽ hướng sang ngành “Khoa học dữ liệu”

Ngành học của Hiệp tại Trường Đại học Ngoại thương là Kinh tế quốc tế nhưng cậu lại theo đuổi nghề nghiệp ở lĩnh vực Khoa học dữ liệu. Hiện tại, Hiệp đang thực tập tại Khối Ngân hàng Số của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MBBank). Chia sẻ về quyết định rẽ hướng này, Hiệp cho biết: “Khoa học dữ liệu hội tụ khá nhiều điểm phù hợp với bản thân mình. Thứ nhất, mình là một học sinh chuyên Toán, yêu thích con số và thích tìm hiểu mọi thứ. Thứ hai, khoa học dữ liệu hiện là một ngành rất nổi và sẽ còn tiếp tục phát triển trong tương lai. Chính vì vậy, khi theo đuổi ngành này, mình sẽ có nhiều cơ hội thăng tiến cũng như ra nước ngoài để tiếp tục học tập và làm việc”.

Hiệp (đứng thứ nhất từ trái sang) luôn mong muốn bản thân trở thành người có ích cho xã hội.

Công việc hiện tại cũng như ngành khoa học dữ liệu đã giúp Hiệp hoàn thiện và phát triển bản thân hơn rất nhiều. Trước kia, Hiệp thường được mọi người đánh giá “nhanh - ẩu - đoảng”. Tuy nhiên, khi học và làm việc trong ngành, phải tiếp xúc với các con số, Hiệp đã rèn được tính cẩn thận. Bởi chỉ cần thay đổi một số thôi, kết quả của một báo cáo hoặc một thuật toán có thể bị thay đổi hoàn toàn.

Mặc dù được mọi người ở công ty hỗ trợ rất nhiệt tình nhưng xuất phát điểm là một người chuyển ngành, Hiệp cũng gặp phải không ít khó khăn, đặc biệt là những kiến thức về khoa học dữ liệu. Và để có thể theo được với nghề, tự học là một kỹ năng vô cùng quan trọng đối với Hiệp. Hiệp chia sẻ: “Mình phải tự tìm hiểu mọi thứ bắt đầu từ con số 0. Không chỉ vậy, đây là ngành liên quan đến công nghệ mà công nghệ hiện nay được cập nhật theo từng ngày. Chính vì vậy, tự học chính là kỹ năng giúp mình sinh tồn khi chuyển ngành”.

“Sống có ích cho xã hội là mục tiêu sống của mình”

Hiệp luôn muốn trở thành người có ích cho xã hội. Khi được hỏi về mục tiêu trong cuộc sống, Hiệp đã trả lời: “Sống có ích cho xã hội là một trong những mục tiêu sống của mình”. Theo Hiệp, khi nói sống có ích cho xã hội, mọi người sẽ cảm thấy cao cả hoặc quá xa vời. Nhưng thực chất, làm tốt những công việc của cá nhân thôi cũng đã thể hiện mình đóng góp cho xã hội rồi. “Học tập, phát triển bản thân thật tốt chính là những việc làm có ích cho xã hội. Bởi khi có nền tảng kiến thức, chất lượng chuyên môn vững chắc, chúng ta sẽ có những cơ hội việc làm tốt, tạo ra giá trị cho xã hội”, Hiệp chia sẻ.

Đồng thời, đối với những bạn trẻ, việc dành thời gian, tâm huyết tham gia các hoạt động vì cộng đồng, theo Hiệp, cũng chính là một cách đóng góp vô cùng tích cực cho xã hội. Thời điểm hiện tại có rất nhiều dự án cộng đồng để các bạn sinh viên có thể tham gia. Một ví dụ điển hình đó là “Nuôi em” - một dự án kết nối các mạnh thường quân với các em nhỏ vùng cao, đã được chính Rapper Đen Vâu lan tỏa thông qua MV “Nấu ăn cho em” và nhận được hưởng ứng rất tích cực của cộng đồng trong thời gian qua.

Hiệp và các bạn sinh viên tham gia sự kiện do CLB Kinh tế Toàn cầu GEC - FTU tổ chức.

Khi được hỏi về dự định tương lai, Hiệp chia sẻ: “Hiện tại, có hai nhiệm vụ quan trọng mà bản thân mình muốn dành sự ưu tiên đó là báo cáo thực tập giữa khóa và khóa luận tốt nghiệp để kết thúc chặng đường đại học và có thời gian chuẩn bị cho các dự định trong tương lai”. Khi hoàn thành xong việc học ở trường, Hiệp muốn tập trung phát triển con đường sự nghiệp. Tiếp theo, Hiệp muốn hoàn thành dự định chưa được thực hiện hồi đại học là tham gia một dự án thiện nguyện giúp đỡ các em nhỏ ở vùng cao. Cuối cùng, Hiệp hy vọng sẽ có cơ hội được trải nghiệm nền giáo dục ở nước ngoài để nâng cao trình độ chuyên môn cũng như làm giàu vốn sống, trải nghiệm của bản thân - đây cũng là tâm nguyện của cậu ngay từ khi bước chân vào đại học.

Một số thành tích Nguyễn Văn Hiệp đã đạt được trong quá trình học tập và rèn luyện:

- GPA: 3.89/4.0 (9.23/10.0);

- Học bổng Khuyến khích học tập xuất sắc Trường Đại học Ngoại thương;

- Học bổng Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội MBBank - Đồng hành cùng sinh viên năm 2022;

- Học bổng Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Vietcombank dành cho sinh viên có thành tích học tập xuất sắc;

- Sinh viên tiêu biểu Chương trình Vệ tinh Khoa học dữ liệu trong kinh tế và Kinh doanh của Trường Đại học Ngoại thương;

- Giải nhất cuộc thi “Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp khoa Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Ngoại thương năm học 2022 - 2023”;

- Giải nhất cuộc thi “Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Trường Đại học Ngoại thương năm học 2022 - 2023”;

- Đồng tác giả bài viết "Vai trò của tham nhũng trong mối quan hệ giữa nợ công và tăng trưởng kinh tế", Tạp chí Quản lý và Kinh tế Quốc tế;

- Top 14 cuộc thi "Hành trình chinh phục tri thức 2022" tổ chức bởi Khoa Lý luận chính trị - Trường Đại học Ngoại thương;

- Top 8 cuộc thi "Phân tích dữ liệu và Dự báo thị trường tài chính Nestquant Tournament" tổ chức bởi Đại học Bách khoa Hà Nội;

- Top 20 cuộc thi “Thách thức Ngoại thương”;

- Đoàn viên đóng góp tích cực của Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Trường Đại học Ngoại thương;

- Phó Chủ tịch câu lạc bộ Kinh tế toàn cầu (GEC) nhiệm kỳ 2021 - 2022;

- Chủ tịch câu lạc bộ Kinh tế toàn cầu (GEC) nhiệm kỳ 2022 - 2023.

Châm Nguyễn

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/nam-sinh-ngoai-thuong-chia-se-bi-quyet-dat-thanh-tich-hoc-tap-an-tuong-va-cau-chuyen-lam-trai-nganh-post1560904.tpo