Nam sinh nhảy lầu tự tử: Học sinh bao giờ mới hết khổ vì thành tích?

Mong muốn con phải giỏi giang đã khiến nhiều phụ huynh 'ép' con học. Nhà trường muốn giữ vững danh hiệu cũng 'gò' học sinh theo những guồng quay của thành tích, điểm số. Kết quả, việc học với nhiều trẻ không còn là niềm vui khám phá tri thức mà trở thành một nỗi ám ảnh.

Thành tích, điểm số, kỳ vọng quá lớn của thầy cô, cha mẹ đang khiến học sinh chịu áp lực từ nhiều phía. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn.

Dòng tin tức về việc em học sinh lớp 10 ở TPHCM vừa gieo mình từ tầng 4 xuống sân trường khiến nhiều người xót xa, vừa giận lại vừa thương. Cái chết của em như một nhát dao cứa vào lòng người lớn. Em để lại bức thư tuyệt mệnh, nói rằng quá áp lực vì học tập, vì điểm số và xin lỗi ba mẹ, để chọn cách ra đi.

Đáng tiếc, trường hợp của em chỉ là một trong số rất nhiều vụ tự tử vì áp lực học tập xảy ra thời gian qua. Áp lực này do đâu: Chương trình học quá nặng, trẻ phải tham gia quá nhiều cuộc thi, hay trẻ chán nản về bản thân, vì không đạt được kết quả như kỳ vọng của bố mẹ?

Theo TS Nguyễn Khánh Trung (Tổ chức Giáo dục Emile Việt), những cái chết của học sinh là lời cảnh tỉnh cho người ở lại. Đi nhiều, nghiên cứu giáo dục của nhiều nước, ông nhận thấy các nước phát triển không có nguyên nhân tự tử vì áp lực học tập như ở Việt Nam.

TS Nguyễn Khánh Trung.

“Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc trẻ có suy nghĩ và lựa chọn hành động tiêu cực, trong đó có nguyên nhân từ phía trường học, giáo dục gia đình và những bất ổn tâm sinh lý lứa tuổi.

Ở các nước phát triển không có nguyên nhân từ phía trường học, còn ở Việt Nam, không ít trường hợp học sinh tự tử vì áp lực học hành, vì thành tích điểm số.

Văn hóa thành tích đã tồn tại từ rất lâu, ăn sâu vào mỗi người giáo viên, người làm giáo dục và tác động cả vào phụ huynh, khiến học sinh phải chịu quá nhiều áp lực từ nhiều phía”- ông Trung chia sẻ.

Cũng theo chuyên gia giáo dục này, nhóm nghiên cứu của ông từng có cơ hội tiếp xúc với nhiều học sinh trên khắp cả nước và chỉ qua một vài câu hỏi là các em bắt đầu bộc bạch, nói hết gan ruột, vì ở nhà không thể nói chuyện được với cha mẹ.

“Các em nói những việc mà mình nghe cũng chảy nước mắt, thấy sao khổ quá, học sinh bây giờ khổ quá. Có em nói rất thích thể thao, thích vận động, nhưng bố mẹ chỉ coi đó là môn giải trí, chứ không phải là một nghề nghiệp nghiêm túc. Bố mẹ muốn em phải trở thành bác sĩ, như người nọ người kia.

Người lớn chúng ta luôn đòi hỏi nhiều ở học sinh, gây ra áp lực, khiến chúng nghĩ quẩn, bỏ nhà ra đi. Có những em còn đánh bạn… để giải tỏa áp lực tâm lý”- TS Trung tâm sự.

Ông đưa ra lời khuyên với các bậc cha mẹ, thầy cô: Bản chất của con người là khác biệt nhau, mỗi em học sinh có một khuynh hướng riêng, cách học riêng. Chuyện so sánh con mình với hàng xóm là không đúng và không công bằng.

Nhưng giáo viên, phụ huynh không hiểu được điều đó mà vẫn dạy trẻ theo lối áp đặt suy nghĩ. Áp đặt lâu ngày làm cho đứa trẻ đánh mất ý thức của mình, trở thành một người khác. Các em sống cho cha mẹ, như cha mẹ mong muốn, thầy cô mong muốn. Sống lâu ngày như thế, đến một lúc sẽ không làm chủ được suy nghĩ của bản thân, dễ nảy sinh ý nghĩ tiêu cực. Đã đến lúc người lớn hãy cho những đứa trẻ cơ hội được sống cho mình.

Đặng Chung

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/giao-duc/nam-sinh-nhay-lau-tu-tu-hoc-sinh-bao-gio-moi-het-kho-vi-thanh-tich-601213.ldo