Nam sinh trường huyện đạt thủ khoa khối A và bí quyết 'không cần học quá nhiều'

Đó là em Phan Văn Đạt – học sinh lớp 12A1 – Trường THPT Con Cuông, một huyện miền núi của xứ Nghệ.

Từng thất bại khi thi vào trường Phan

Tối hôm qua (26/8), Đạt và mẹ đã có một đêm hồi hộp khó ngủ và cả hai đã phải thức đến 2h30 phút để “ngóng” điểm thi. Nhận được kết quả với Vật lý: 10, Toán: 9,6 và Hóa học 9,5 điểm, Đạt không bất ngờ nhưng không dấu được vui mừng. Càng vui hơn khi biết rằng, Đạt là học sinh duy nhất trong cả tỉnh và là 1/10 học sinh của cả nước đạt điểm 10 môn Vật lý. Đạt cũng là thí sinh có điểm khối A cao nhất với 29,1 điểm.

Niềm vui của Phan Văn Đạt trong ngày biết kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Ảnh: NVCC

Niềm vui của Phan Văn Đạt trong ngày biết kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Ảnh: NVCC

Trước khi tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, Đạt đã được tuyển thẳng vào ngành IT1 – Trường Đại học Bách khoa, một trong những ngành học khó nhất của trường. Đây cũng là NV1 của Đạt tại Kỳ thi năm nay. Tuy nhiên, dù đã biết được kết quả trúng tuyển vào đại học nhưng Đạt vẫn quyết tâm làm hết khả năng với mong muốn được “khẳng định” mình. Và kết quả đã thành hiện thực.

Nhận được kết quả này, chị Nguyễn Thị Mỹ Bình – mẹ của Đạt cũng thực sự hạnh phúc bởi vừa làm giáo viên, vừa là người dõi theo quá trình học tập của con trong suốt 12 năm phổ thông, chị biết đây là thành quả của sau nhiều năm cố gắng, nỗ lực không ngừng nghỉ.

Kết quả cũng được đi lên từ “thất bại” bởi ít ai biết rằng, năm lớp 9, dù đạt giải Nhất môn Toán và Vật lý toàn tỉnh nhưng Đạt lại thi trượt vào Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Nói thêm về điều này, mẹ của Đạt cho biết: Đạt thi vào lớp chuyên Toán, có điểm chuyên khá cao nhưng điểm nền lại thấp vì điểm Văn chỉ được 6,5 điểm. Sau khi có kết quả cháu cũng buồn nhưng gia đinh đã động viên và cháu yên tâm ở lại trường huyện để học.

Bố và mẹ Đạt đều làm nghề giáo. Ảnh: NVCC

Mẹ của Đạt kể, Đạt thông minh, nhanh nhẹn từ nhỏ và có năng khiếu đặc biệt với những con số. 3 tuổi Đạt đã có thể nhớ hết số điện thoại và gọi điện cho người thân trong gia đình. Sau này, trong suốt những năm phổ thông, Đạt đều học giỏi và tại Kỳ thi Học sinh giỏi tỉnh lớp 9 và lớp 11, Đạt đều đạt giải Nhất ở cả môn Vật lý và Toán học.

Quá trình đi thi tốt nghiệp THPT, Đạt làm bài tự tin và sau khi có đáp án em cũng đã dự đoán được điểm thi của mình. Riêng với môn Lý, thi xong chấm được 10 điểm, Đạt còn nói vui với mẹ: “Đề Lý năm nay khó, nếu con được điểm 10 chắc cũng cao đấy mẹ nhỉ”.

Bí quyết học giỏi

Nói thêm về kết quả đã đạt được, Đạt cho biết: Vật lý là môn em yêu thích nhất, cũng là môn em đặt kỳ vọng lớn ở kỳ thi lần này. Lúc thi xong, em đối chiếu đáp án và thấy mình làm đúng toàn bộ bài thi, nhưng vẫn lo lắng trong quá trình tô đáp án có nhầm lẫn sai sót. Khi biết kết quả chính thức, em rất mừng vì mình đã đạt được mục tiêu.

Chia sẻ về phương pháp học tập, Phan Văn Đạt cho biết: Em học thêm Toán, Lý, Hóa với các thầy cô trong trường. Phần còn lại chủ yếu là em tự học. May mắn cho em là có mẹ là giáo viên dạy Hóa nên gặp khó khăn, luôn có mẹ hỗ trợ.

Bí quyết học tập của Đạt là học một cách khoa học và không tạo áp lực cho bản thân. Ảnh: NVCC

Với đặc thù ở một huyện miền núi nên điều kiện học tập của Đạt cũng không thuận lợi hơn các vùng khác. Vì thế, trong thời điểm “tăng tốc” nhưng lại bị gián đoạn bởi dịch Covid – 19, Đạt lựa chọn hình thức học thêm qua mạng với việc đăng ký một khóa học trực tuyến.

Bước sang học kỳ 2 năm lớp 12, em đã hoàn thành chương trình kiến thức của cả 3 môn và dành thời gian ôn tập, hệ thống kiến thức.

Đạt cùng giáo viên Vật lý tại Trường THPT Con Cuông. Ảnh: NVCC

Nói thêm về kinh nghiệm học tập, Đạt chia sẻ: “Để nắm vững kiến thức, ngoài thời gian học với các thầy cô, thì việc tự học, tự tư duy rất quan trọng. Bởi vì có nhiều dạng bài tập, chuyên đề thầy cô chỉ cung cấp kiến thức nền tảng, còn cách làm bài mình phải tự mày mò. Từ đó, khi gặp dạng bài tập tương tự, mình đã có kỹ năng và cách giải bài cho ra kết quả chính xác, nhanh nhất, tiết kiệm thời gian.

Ngoài ra, để học tốt không có nghĩa là phải học nhiều mà cần phải sắp xếp thời gian học tập hợp lý, để vừa hiệu quả, vừa không quá ảnh hưởng đến sức khỏe. Thời gian ôn tập, mỗi buổi Đạt chỉ tập trung học 1 môn, chứ không học nhiều cùng một lúc. Đến giai đoạn nước rút, khi đã nắm vững toàn bộ chương trình học, Đạt chỉ luyện đề và mỗi ngày Đạt luyện từ 3, 4 đề của cả 3 môn Toán, Lý, Hóa theo thời gian quy định. Theo Đạt: Đó là cách để rèn luyện kỹ năng làm bài và quen với áp lực thời gian. Em ít khi học quá 12h đêm và thường dậy sớm.

Với kết quả đã đạt được, Đạt chắc chắn sẽ nhập học Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Nam sinh này cũng tin rằng, ở chặng đường mới, sẽ vẫn tiếp tục nỗ lực, cố gắng để không phụ lòng tin của bố mẹ, gia đình và các thầy giáo, cô giáo.

Mỹ Hà

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/nam-sinh-truong-huyen-dat-thu-khoa-khoi-a-va-bi-quyet-khong-can-hoc-qua-nhieu-273314.html