Sắp xếp, bảo đảm chất lượng đào tạo của các trường sư phạm

Đội ngũ giáo viên là yếu tố quyết định chất lượng, hiệu quả đổi mới giáo dục. Tuy nhiên, những năm qua, hệ thống các cơ sở đào tạo giáo viên bộc lộ nhiều hạn chế, cần có sự điều chỉnh, cơ cấu lại nhằm bảo đảm đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng tốt nhu cầu đổi mới giáo dục.

Cả nước hiện có 113 cơ sở đào tạo giáo viên (trường sư phạm) gồm: 14 trường đại học sư phạm, 48 trường đại học đa ngành có đào tạo sư phạm, 30 trường cao đẳng sư phạm, 19 trường cao đẳng đa ngành có đào tạo sư phạm và hai trường trung cấp sư phạm. Theo các chuyên gia giáo dục, trong quá trình hoạt động những năm qua, hệ thống các trường sư phạm đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Trong đó, một thời gian dài, việc nâng cấp và mở mới dẫn đến hệ thống các trường sư phạm phân bố dàn trải, nguồn lực bị phân tán; nhiều trường quy mô nhỏ, chất lượng thấp, khó phát triển. Một số trường sư phạm có các khoa đào tạo thực hiện nhiệm vụ trùng với nhiệm vụ chủ chốt của trường khác như Trường đại học Sư phạm Hà Nội có khoa nghệ thuật, khoa giáo dục thể chất trong khi đã có Trường đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương, Trường đại học Sư phạm thể dục thể thao Hà Nội. Đáng chú ý, trên cùng địa bàn có nhiều trường sư phạm cùng đào tạo một ngành gây nên sự chồng chéo. Điển hình trên địa bàn Hà Nội có tới tám trường đại học, cao đẳng và trung cấp tuyển sinh, đào tạo ngành giáo viên mầm non. Việc mở ngành đào tạo của nhiều trường dựa vào năng lực, kinh nghiệm sẵn có dẫn đến tình trạng một số ngành đào tạo cần để phục vụ cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ít được quan tâm như sư phạm công nghệ, sư phạm tự nhiên. Hoạt động đào tạo giáo viên của nhiều trường vẫn chủ yếu chạy theo số lượng, chưa quan tâm đúng mức đến chất lượng và nhu cầu nguồn nhân lực cũng như bám sát quy hoạch đội ngũ của ngành giáo dục, của các địa phương. Phần lớn các trường sư phạm mới tập trung vào nhiệm vụ đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn, chưa chú trọng vào nghiên cứu. Tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ còn thấp, năng lực nghiên cứu khoa học yếu, nhất là ở các trường có quy mô đào tạo nhỏ, đơn ngành. Phần lớn đội ngũ GS, PGS tập trung ở Trường đại học Sư phạm Hà Nội và Trường đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh. Đối với các trường cao đẳng sư phạm, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ mới chỉ đạt trung bình 4,82%. Việc chưa hình thành được hệ thống kết nối giữa các trường sư phạm với nhau và giữa các trường với các cấp quản lý giáo dục địa phương, các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông dẫn đến nhiều sinh viên tốt nghiệp sư phạm ra trường không có việc làm, hoặc làm không đúng ngành nghề, trong khi lại xảy ra tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ ở nhiều nơi.

Đáng chú ý, trong bối cảnh thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, giáo viên phải chuyển từ cách dạy truyền thụ tri thức sang tổ chức cho học sinh chiếm lĩnh tri thức, phát huy sở trường, năng lực, vận dụng vào thực tiễn. Tuy nhiên, phương pháp đào tạo của các trường sư phạm vẫn còn lạc hậu, chưa theo kịp đổi mới. TS Hồ Cảnh Hạnh, Trường cao đẳng Sư phạm Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, hiện nay tình trạng đào tạo giáo viên theo kiểu “trăm hoa đua nở”, không có cơ quan điều tiết kế hoạch là vấn đề đáng lo ngại. Trong khi quy định sinh viên sư phạm không phải đóng học phí thì thực tế lại có cơ sở giáo dục ngoài công lập cũng đào tạo giáo viên có thu học phí dẫn đến sinh viên sư phạm ra trường khó tìm kiếm việc làm do cung vượt cầu.

GS, TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, chất lượng đào tạo của các trường sư phạm hiện nay không đồng nhất, tác động không tích cực đến sự phát triển giáo dục. Vì vậy, cần thiết phải quy hoạch lại các trường sư phạm theo hướng các trường đại học có chất lượng cao, có uy tín sẽ được chọn thành trường trọng điểm, các trường khác sẽ được chuyển đổi hoạt động để trở thành phân hiệu hay vệ tinh của các trường trọng điểm. Chương trình đào tạo của các trường sư phạm cần được chuẩn hóa và đồng bộ trong toàn hệ thống để bảo đảm chất lượng được đồng nhất. Thực tế cho thấy, nhu cầu tuyển mới đội ngũ giáo viên, theo dự báo những năm tới không quá cấp bách cho nên có thể xây dựng các trường sư phạm trọng điểm theo các vùng gồm: khu vực phía bắc ba cơ sở, miền trung hai cơ sở, miền nam hai cơ sở, Tây Nguyên một cơ sở. Các trường sư phạm khác trở thành phân hiệu, cơ sở thực hành, bồi dưỡng của các cơ sở đào tạo giáo viên trọng điểm…

Theo Bộ GD và ĐT, để phát triển hợp lý và nâng cao chất lượng các trường sư phạm, cần cơ cấu, sắp xếp lại các đơn vị. Bộ GD và ĐT đang xây dựng “Đề án tổ chức, sắp xếp lại các trường sư phạm và thành lập một số trường sư phạm trọng điểm”. Đối với các cơ sở đào tạo giáo viên có chất lượng cao, uy tín sẽ được chọn làm trung tâm đào tạo, các cơ sở khác sẽ chuyển đổi hoạt động để trở thành phân hiệu hay vệ tinh của các trường trung tâm. Xây dựng, ban hành và áp dụng các bộ quy chuẩn đối với loại hình cơ sở đào tạo giáo viên để rà soát, chuẩn hóa các điều kiện bảo đảm chất lượng. Triển khai trên diện rộng đánh giá chất lượng để làm cơ sở phân hạng chất lượng và quy hoạch các trường sư phạm nhằm bảo đảm chất lượng toàn bộ hệ thống. Bộ GD và ĐT cũng tăng cường công tác dự báo nhu cầu nhân lực, khảo sát nhu cầu xã hội trong từng giai đoạn để các trường xây dựng phương án tuyển sinh, đào tạo hợp lý theo hướng đào tạo gắn với nhu cầu sử dụng về số lượng, cơ cấu giáo viên các môn học, cấp bậc học từng năm của từng địa phương…

Theo Nhân Dân

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/xa-hoi/nam-sinh-vien-quay-len-ban-nu-dang-tam-1140941.html