Nam Sudan đột biến năng suất nhờ thuốc trừ sâu sinh học

Là khu vực có GDP thấp bậc nhất thế giới, kinh tế Nam Sudan phụ thuộc chặt chẽ vào phát triển nông nghiệp và xuất khẩu dầu mỏ cũng như các loại quặng.

 Nông dân ở Yambio thu hoạch bắp ngô khi kết thúc thử nghiệm.

Nông dân ở Yambio thu hoạch bắp ngô khi kết thúc thử nghiệm.

Đầu tháng 9/2020, Tiến sĩ Ivan Rwomushana, nhà khoa học cấp cao về Quản lý các loài xâm lấn có trụ sở tại Trung tâm Nông nghiệp & Sinh học Quốc tế (CABI) ở Nairobi, Kenya thông báo với Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) về thành công trong việc triển khai thuốc trừ sâu sinh học tại Nam Sudan.

Qua thử nghiệm trên 500 nông hộ nhỏ tại khu vực này, năng suất thu hoạch bình quân toàn khu vực tăng 63%, đạt mức 609 USD một hecta nhờ việc sử dụng Fawligen, một sản phẩm được bào chế từ baculovirus.

Baculovirus từ lâu đã được biết đến như là một virus gây bệnh cho côn trùng, gây ức chế quá trình phát triển của vi khuẩn và sâu bệnh dựa trên khả năng bất hoạt.

Đây là loại virus phổ biến được dùng trong thuốc trừ sâu sinh học, thường tồn tại dưới dạng nấm hoặc chế phẩm vi sinh. Cây trồng được phun nấm có chứa baculovirus sẽ gây bệnh cho sâu nhưng không làm chúng chết ngay mà đổ bệnh sau vài ngày. Một số loại có thể khiến con đực mất khả năng giao phối.

Tại nhiều nước, thuốc trừ sâu sinh học đã chứng minh được hiệu quả khi phun phòng và an toàn hơn gấp nhiều lần so với thuốc trừ sâu hóa học truyền thống.

Tuy nhiên, tại Nam Sudan, một quốc gia mới bắt đầu tự trị vào năm 2005 và tuyên bố độc lập vào 2011, mọi chuyện không hề đơn giản. GDP nước này năm 2019, theo công bố của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) chỉ khoảng 4 tỷ USD, xếp thứ 156 thế giới. Chính phủ nước này gặp nhiều vấn đề như cơ sở hạ tầng gần như không có gì, tỷ lệ tử vong khi sinh đẻ và tỷ lệ mù chữ cao nhất nhì thế giới. Ngay cả việc phòng chống sâu bệnh vào mùa thu, giai đoạn phát triển mạnh nhất trong năm, Nam Sudan cũng cần trợ giúp từ quốc tế.

Từ đầu năm 2020, Bộ Nông nghiệp và An ninh lương thực Nam Sudan đã hợp tác chặt chẽ với FAO cùng các tổ chức khoa học để giúp nông dân trong nước có một vụ bội thu. Rút kinh nghiệm từ việc thử nghiệm thuốc Fawligen ở Kenya, Tiến sĩ Rwomushana chủ trương hỗ trợ sản phẩm song song với đào tạo kỹ thuật đến tận đồng ruộng cho người dân trong suốt quá trình thử nghiệm.

Trong giai đoạn đầu của dự án, 50 nông dân ở các vùng Yambio, Bor và Thủ đô Juba sẽ được chia nhỏ thành từ 10 đến 20 nhóm. Mỗi nhóm sẽ có một nông dân đóng vai trò trưởng nhóm được đào tạo kỹ thuật, trước khi hỗ trợ những nông dân khác sử dụng trên trang trại của chính họ.

Ngoài những thửa ruộng tại nhà của nông dân, các nhà khoa học của CABI còn có một mảnh ruộng riêng để làm mẫu. Do gặp những rào cản nhất định về ngôn ngữ và khoa học, nông dân tại các khu vực này sẽ trực tiếp đến thửa ruộng mẫu để xem lại, mỗi khi triển khai một đợt phun thuốc mới.

Cán bộ khuyến nông Nam Sudan tìm thấy ấu trùng sâu trên cây.

Quá trình phát triển của cây trồng và dữ liệu về năng suất trên các mảnh ruộng được thu thập hàng tuần.

Mỗi đợt kiểm tra, ba hoặc bốn mảnh ruộng trong tổng số 315 địa điểm triển khai dự án sẽ được cán bộ CABI tới tận nơi đo đạc, ghi nhận số liệu. Do thuốc Fawligen được phun phòng trước chừng một tháng, năng suất và tốc độ những ngày đầu vào vụ chưa cao.

Tuy nhiên, giáp tới ngày thu hoạch, các nhà khoa học CABI bất ngờ khi năng suất kên tới 810kg một hecta, tăng 63% so với những thửa ruộng không được phun thuốc. So với chi phí 72 USD cho 6 lần phun Fawligen, doanh thu 609 USD một hecta đạt được đủ để khiến nông dân Nam Sudan hài lòng.

"Thuốc trừ sâu là biện pháp chính để kiểm soát các đợt sâu bệnh vào mùa thu ở châu Phi. Trước đây, người dân chưa tìm hiểu kỹ, nên cho rằng thuốc trừ sâu hóa học có tác dụng triệt để hơn. Tuy nhiên, thuốc trừ sâu sinh học cho hiệu quả lâu dài.

Ngoài việc có thể dùng nông sản sớm gấp nhiều lần, trong khoảng từ 2 đến 3 ngày (so với 14 đến 21 ngày theo cách truyền thống), cây trồng còn được "tiêm" những loại kháng sinh tự nhiên từ nấm, giúp kháng sâu bệnh hiệu quả. Nó cũng giúp nhiều loại thiên địch và chính con người tránh khỏi rủi ro sức khỏe", Tiến sĩ Rwomushana cho biết.

Trong số 500 nông hộ tham gia dự án thử nghiệm, có tới 63% người tin thuốc Fawligen kháng sâu bệnh hiệu quả hơn so với thuốc trừ sâu truyền thống. 95% số người nói sẵn sàng trả tiền để mua thuốc, nếu chúng có sẵn tại các cơ sở thu mua nông sản gần họ.

Thành công bước đầu giúp lãnh đạo CABI tiếp tục triển khai giai đoạn hai của dự án vào năm sau, khi được các nhà tài trợ rót thêm kinh phí. Tiến sĩ Rwomushana bày tỏ: "Tại Nam Sudan nói riêng và các nước châu Phi nói chung, thuốc trừ sâu sinh học vẫn chưa được biết nhiều. Nông dân thường dễ dàng tiếp cận với thuốc trừ sâu hóa học và coi đó là lựa chọn duy nhất.

Bên cạnh chứng minh tính hiệu quả, chúng tôi còn phải nâng cao ý thức người dân, thông qua các biện pháp quản lý vụ mùa. Hy vọng, từ bây giờ, chúng tôi sẽ kiểm soát tốt sâu bệnh vào mùa thu và giảm dần sự lệ thuộc của người dân vào thuốc trừ sâu hóa học".

Tại Nam Sudan, cây lương thực chính là ngô, nhờ khả năng chống chọi với nắng nóng và hạn hán tốt. Đó cũng là hướng đi cuối cùng mà các nhà khoa học của CABI ấp ủ tại đất nước này: tìm ra những loại thuốc đặc trị cho cây ngô, thay vì sử dụng thuốc phổ rộng như trong thử nghiệm. Một hướng phát triển nữa là triển khai hệ thống máy bay không người lái để phun thuốc trừ sâu trên diện rộng, giúp tăng hơn nữa năng suất.

"Chúng tôi đặt kỳ vọng giúp Nam Sudan giảm thiệt hại từ 20 đến 55% sâu bệnh trong vòng hai đến ba năm nữa, đồng thời đảm bảo an ninh lương thực cho quốc gia này. Thuốc trừ sâu sinh học là hướng đi duy nhất lúc này, bởi các loại thuốc hóa học đã bị cấm sản xuất ở nhiều nước", Tiến sĩ Rwomushana nhấn mạnh.

Ông cùng các cộng sự đang xúc tiến việc đăng ký các loại thuốc trừ sâu sinh học lên Chính phủ Nam Sudan, dựa theo hướng dẫn từ Cộng đồng Đông Phi đưa ra hồi tháng 9/2019.

TUẤN ĐỨC

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/nam-sudan-dot-bien-nang-suat-nho-thuoc-tru-sau-sinh-hoc-d272834.html