Nam Thái Bình Dương - tâm điểm cạnh tranh mới của các cường quốc

Khu vực Nam Thái Bình Dương - với những quốc đảo nhỏ bé như Solomon hay Nauru và Kiribati... nằm trải rộng trên diện tích 40 triệu km2 giữa Mỹ và châu Á - đang nổi lên như một đấu trường cạnh tranh mới của các cường quốc.

Từ những cái ôm mới lạ...

Ngày 29/5, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã bắt đầu hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa quốc gia Đông Á này với các nhà lãnh đạo của các đảo Thái Bình Dương. Trước hội nghị, Tổng thống Yoon đã hội đàm song phương với một số nhà lãnh đạo Thái Bình Dương đến thăm Hàn Quốc vào cuối tuần qua, trong đó có Tổng thống Kiribati, Taneti Maamau và Thủ tướng Papua New Guinea, James Marape.

Quang cảnh Hội nghị thượng đỉnh Hàn Quốc - Các đảo Thái Bình Dương diễn ra tại Seoul hôm 29/5. Ảnh: Korea Post

Quang cảnh Hội nghị thượng đỉnh Hàn Quốc - Các đảo Thái Bình Dương diễn ra tại Seoul hôm 29/5. Ảnh: Korea Post

“Tổng thống đã thảo luận về việc mở rộng hợp tác đối ứng trong phát triển, hàng hải và nghề cá cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng y tế và ứng phó với biến đổi khí hậu trong các cuộc họp song phương với từng hòn đảo ở Thái Bình Dương”, một thông báo của văn phòng ông Yoon Suk Yeol cho biết.

Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles cũng sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh Hàn Quốc - các đảo Thái Bình Dương, văn phòng của ông Marles cho biết, đồng thời khẳng định thêm rằng điều này sẽ thể hiện sự hợp tác giữa 18 thành viên của Diễn đàn các đảo Thái Bình Dương với Hàn Quốc vì một khu vực an toàn.

“Australia hoan nghênh mối quan tâm của Hàn Quốc trong việc làm sâu sắc thêm mối quan hệ với Thái Bình Dương và mong muốn xây dựng trên nền tảng các giá trị chung của chúng ta để thúc đẩy lợi ích chung đối với một Thái Bình Dương thịnh vượng và kiên cường” ông Richard Marles nói trong một tuyên bố.

Tổng thống Yoon Suk Yeol đã đưa ra chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của chính phủ ông vào năm ngoái, trong đó cam kết thúc đẩy một khu vực "tự do, hòa bình và thịnh vượng" được xây dựng trên trật tự dựa trên luật lệ quốc tế. Hàn Quốc, qua đó có thể xem như “người chơi” mới nhất tham dự vào một khu vực đã trở thành tâm điểm của sự cạnh tranh địa chính trị gay gắt của các nước lớn trong những năm gần đây.

Bộ trưởng Ngoại giao Solomon Jeremiah Manele và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ký thông cáo chung thiết lập quan hệ ngoại giao, năm 2019. Ảnh: Global Times

Trong khi Seoul mới bắt đầu nỗ lực tăng cường ảnh hưởng của mình thì các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và Australia - quốc gia lớn nhất trong khu vực Nam Thái Bình Dương, đã có những bước đi sớm hơn nhiều.

Sân khấu của các siêu cường

Tại thủ đô Nuku'alofa của Tonga hồi đầu tháng này, quốc kỳ Mỹ đã được kéo lên trong buổi lễ khai trương Đại sứ quán Mỹ - một tiền đồn ngoại giao mới của nước này tại các đảo Nam Thái Bình Dương. Quyền Ngoại trưởng Tonga, Samiu Vaipulu, gọi sự kiện này là "lịch sử" và "được chờ đợi từ lâu".

Về phần mình, Washington cho biết việc mở đại sứ quán tại Tonga là biểu tượng của sự đổi mới quan hệ và nhấn mạnh cam kết đối với quan hệ song phương và quan hệ đối tác ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Mỹ cũng có kế hoạch thành lập đại sứ quán ở Vanuatu và Kiribati trong bối cảnh các quốc đảo nơi đây đang trở thành tâm điểm của đấu trường cạnh tranh chiến lược giữa Bắc Kinh và Washington.

Thủ tướng Fiji Sitiveni Rabuka trao Huân chương Đồng hành của nước này cho Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hồi tháng 5. Ảnh: Fiji Times

Dĩ nhiên, giống như Mỹ, Trung Quốc cũng đang hướng đến vùng biển này nhằm mở rộng ảnh hưởng và lợi ích quốc tế của mình. Từ giữa những năm 2000, Bắc Kinh bắt đầu đẩy mạnh những hoạt động ngoại giao và đầu tư tới Nam Thái Bình Dương thông qua nguồn vốn tư nhân cũng như của các doanh nghiệp nhà nước. Và, đấy là một chính sách xuyên suốt, được thực hiện liên tục cho tới nay.

Tháng 8 năm ngoái, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã có chuyến công du 8 ngày tới các quốc đảo Nam Thái Bình Dương. Trong chuyến đi này, ông Vương tìm cách hoàn tất thỏa thuận an ninh với Quần đảo Solomon, ghé thăm Fiji, Kiribati, Samoa, Tonga, Vanuatu, Papua New Guinea và Đông Timor, đồng thời tổ chức cuộc gặp với các ngoại trưởng của khu vực tại thủ đô Suva (Fiji).

Phát biểu với các nhà lãnh đạo khu vực, ông Vương đề xuất Trung Quốc và các nước Thái Bình Dương cùng nhau xây dựng kế hoạch “không gian trên biển” để phát triển nền kinh tế biển. Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Vương Nghị cũng đề xuất các thỏa thuận an ninh mới, gồm cả an ninh mạng, với các quốc đảo này nhằm phản ánh “sáng kiến an ninh toàn cầu” của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Những hoạt động ngoại giao của Trung Quốc đối với Nam Thái Bình Dương hứa hẹn mang lại cho Bắc Kinh dấu ấn lớn hơn tại khu vực, tăng cường quyền lực mềm ở vùng tiền đồn xa xôi này. Nhưng, điều đó đồng thời làm nóng thêm cuộc đua cạnh tranh ảnh hưởng với các cường quốc liên quan tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Một trong số đó là Ấn Độ, nước cũng đang nỗ lực tăng cường hiện diện rõ ràng và mạnh mẽ đối với khu vực này. Tuần trước, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tham gia đồng chủ trì Hội nghị thượng đỉnh hợp tác quần đảo Ấn Độ - Thái Bình Dương (FIPIC) lần thứ 3 tại Papua New Guinea. Tại hội nghị này, ông Modi công bố một kế hoạch 12 bước để thúc đẩy quan hệ đối tác của Ấn Độ với các quốc đảo Thái Bình Dương, trong đó đã cam kết hỗ trợ nhiều hơn về thương mại và phát triển.

"Kế hoạch này sẽ đáp ứng nguyện vọng phát triển của người dân trong khu vực và củng cố tầm nhìn chung về một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, cởi mở và thịnh vượng", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Arindam Bagchi nói, đồng thời thông báo về việc mở một bệnh viện chuyên khoa khu vực 100 giường mới ở Fiji và thành lập Trung tâm đào tạo công nghệ thông tin và an ninh mạng khu vực ở Papua New Guinea.

Trong khi đó, Australia, quốc gia lớn nhất trong khu vực Nam Thái Bình Dương, cũng là một thành viên trong bộ tứ kim cương QUAD (gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia), cũng tăng cường các hoạt động ngoại giao để khẳng định vai trò “thủ lĩnh” tại đây. Tháng 4 vừa qua, Ngoại trưởng Australia Penny Wong đã tới thăm New Caledonia và có bài phát biểu đáng chú ý trước quốc hội nước này. Bà Wong nhấn mạnh mong muốn Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương (gồm 18 thành viên, trong đó có Australia) sẽ là trung tâm đoàn kết và bảo vệ lợi ích chung của khu vực trong bối cảnh Nam Thái Bình Dương đối mặt với những thách thức lớn từ biến đổi khí hậu, phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 và đặc biệt là cuộc cạnh tranh địa chiến lược ngày càng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc.

Cuộc đua sẽ còn sôi động

Những nỗ lực tăng cường ảnh hưởng của các cường quốc bên ngoài cũng như “anh cả” Australia hứa hẹn sẽ còn tiếp tục sôi động trong thời gian tới. Bởi, khu vực Nam Thái Bình Dương ngày càng cho thấy tầm quan trong bàn cờ địa chính trị thế giới.

Vị trí địa lý của những quốc đảo nhỏ bé ở đây là rất lớn, nhất là về mặt quốc phòng. Chẳng hạn như với Mỹ, nơi đây có thể trở thành những vùng đệm chiến lược để ứng phó với những tình huống quân sự bất ngờ tại châu Á. Với nhiều đảo và bãi đá ngầm phù hợp cho việc xây dựng sân bay và cảng nước sâu, Nam Thái Bình Dương cung cấp một địa điểm lý tưởng để xây dựng các căn cứ hải quân quan trọng cho Mỹ.

Từ những năm cuối thế kỷ trước, Mỹ đã ký kết Hiệp ước liên kết tự do với Cộng hòa quần đảo Marshall, Liên bang Micronesia và Cộng hòa Palau. Các quốc đảo này đều nằm ở khu vực trung tâm của Thái Bình Dương, do đó có thể kết nối quần đảo Hawaii và đảo Guam, 2 trung tâm tác chiến tiền duyên của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Theo hiệp ước, 3 nước kể trên trở thành các quốc gia liên kết tự do của Mỹ, không duy trì quân đội của riêng mình mà thay vào đó, được Mỹ chịu trách nhiệm bảo vệ an ninh. Mỹ viện trợ kinh tế và được hưởng quyền phủ quyết quốc phòng và quyền từ chối chiến lược trong quản trị chủ quyền của các nước này. Với những “đãi ngộ” đó, Mỹ trở thành nước duy nhất không những có thể thiết lập và sử dụng các cơ sở quân sự tại các quốc gia liên kết tự do, mà còn có quyền từ chối nước thứ ba thực hiện các hoạt động quân sự ở đây.

Lễ khai trương Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Nuku'alofa của Tonga. Ảnh: NBC

Những ưu thế Mỹ có được tại Nam Thái Bình Dương là điều mà các cường quốc khác đều khao khát. Cạnh tranh vì thế sẽ còn diễn ra sôi động. Thời gian qua, nhiều thỏa thuận cũng được Trung Quốc ký kết với các quốc đảo Thái Bình Dương khác để Bắc Kinh có thể xây dựng các cơ sở thương mại, quân sự tại đây, nhằm cho phép lực lượng vũ trang Trung Quốc “bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển quốc gia” tại khu vực này.

Ngoài các yếu tố về địa chính trị và quân sự, Nam Thái Bình Dương hiện đang nổi lên như một khu vực khai khoáng mới, đầy tiềm năng nhờ nguồn tài nguyên dồi dào dưới đáy biển sâu. Các nhà khoa học cho biết, ở độ sâu hàng nghìn mét nước nơi đây có hàng tỷ nốt sần đa kim chứa các kim loại quý và đất hiếm đủ đáp ứng nhu cầu năng lượng tái tạo cho thế giới trong ít nhất nửa thế kỷ nữa.

Do đó, bản thân các quốc đảo ở Nam Thái Bình Dương cũng ngày càng ý thức được giá trị của mình nên đang có những chiến lược ngoại giao mới, năng động hơn. Có nước đã ngả hẳn về một số cường quốc, có nước chọn con đường tạo dựng thế cân bằng với các đối tác lớn... nhưng nhìn chung, tất cả đều biết rằng, đây là thời điểm họ có thể ra giá cho các cường quốc và cất lên tiếng nói mạnh mẽ hơn trên diễn đàn quốc tế.

Nguyễn Khánh (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/nam-thai-binh-duong-tam-diem-canh-tranh-moi-cua-cac-cuong-quoc-i695405/