Nam thanh niên Hàn Quốc bất mãn với phong trào nữ quyền

Cuộc đấu tranh vì nữ quyền ở Hàn Quốc đang vấp phải làn sóng phản đối từ những nam thanh niên cho rằng họ là nạn nhân của phong trào.

Ngay trên con đường ở Seoul nơi 10.000 phụ nữ Hàn Quốc tập hợp vào tháng 10/2018 để yêu cầu chấm dứt nạn quay lén và bạo lực tình dục, lãnh đạo của một nhóm hoạt động mới đang phát biểu trước nhóm nhỏ các nam thanh niên giận dữ.

"Chúng tôi là một nhóm hoạt động vì công lý, chống thù ghét và đấu tranh cho bình đẳng giới thực sự", Moon Sung Ho dùng micro phát biểu trước đám đông vài chục thanh niên vẫy biểu ngữ.

Người biểu tình yêu cầu xét xử công bằng đối với những người đàn ông bị buộc tội tấn công tình dục tại một cuộc biểu tình chống nữ quyền ở Seoul, tháng 11/2018. Ảnh: CNN.

Người biểu tình yêu cầu xét xử công bằng đối với những người đàn ông bị buộc tội tấn công tình dục tại một cuộc biểu tình chống nữ quyền ở Seoul, tháng 11/2018. Ảnh: CNN.

Khi các vấn đề về nữ quyền nổi lên ngày càng nhiều tại quốc gia có tính gia trưởng sâu sắc như Hàn Quốc, nhiều nam thanh niên ngày càng bất mãn vì cho rằng họ bị bỏ lại phía sau. Moon, người lãnh đạo Dang Dang We, một nhóm "đấu tranh giành công lý cho đàn ông", là một trong số đó.

Moon lập ra Dang Dang We vào năm ngoái sau khi một chủ doanh nghiệp 39 tuổi bị kết án sáu tháng tù vì bóp mông của một người phụ nữ trong một nhà hàng Hàn Quốc. Vụ án này đã gây làn sóng phẫn nộ vì cho rằng một người đàn ông có thể bị kết án mà không có bằng chứng nào ngoài lời buộc tội của nạn nhân.

Trong khi một số người chỉ trích thẩm phán, Moon, 29 tuổi, đã tìm ra một thủ phạm khác: phong trào nữ quyền. Vào đầu tháng 9, Moon và nhóm của anh đã có một cuộc thảo luận ở Quốc hội, cơ quan lập pháp hàng đầu của Hàn Quốc để vạch trần những gì họ cho là tác hại của phong trào này.

"Chủ nghĩa nữ quyền không còn đấu tranh cho vấn đề bình đẳng giới. Phong trào này là sự phân biệt giới tính. Thái độ của họ là bạo lực và thù ghét", Moon Sung Ho nói và nhận được tràng pháo tay nhiệt liệt của đám đông 40 người, hầu hết là thanh niên.

"Tôi không ủng hộ phong trào #MeToo"

Theo CNN, chủ nghĩa nữ quyền chính thống và các ý kiến ủng hộ nữ quyền đã nổi lên sau vụ giết hại dã man một phụ nữ trẻ gần ga tàu điện ngầm vào năm 2016 ở khu Gangnam, vùng ngoại ô giàu có của Seoul. Thủ phạm đã cố tình nhắm vào một nạn nhân nữ.

Cái chết của người phụ nữ này đã làm dấy lên các hoạt động xem xét lại thái độ đối với phụ nữ ở Hàn Quốc. Các hoạt động này sau đó được mở rộng và thêm vào các chiến dịch chống quấy rối tình dục như phong trào #MeToo và các cuộc biểu tình chống nạn quay lén #mylifeisnotyourporn (tạm dịch: cuộc đời tôi không phải phim sex của anh).

Những người tham gia phong trào nữ quyền đã được chính phủ Hàn Quốc và Tổng thống Moon Jae In, người đã tuyên bố sẽ "trở thành một tổng thống ủng hộ nữ quyền", hỗ trợ.

Người biểu tình Hàn Quốc cầm biểu ngữ trong một cuộc biểu tình kỉ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ, một phần của phong trào #MeToo tại Seoul vào ngày 8/3/2018. Ảnh: CNN.

Kể từ đó, nhiều chính trị gia, ngôi sao Kpop và những người đàn ông khác đã bị truy tố tội danh lạm dụng tình dục. Với mỗi bản án được đưa ra, sự bất an giữa những người đàn ông, đặc biệt là những người đàn ông trẻ tuổi, ngày càng lớn hơn.

"Tôi không ủng hộ phong trào #MeToo", Park, một sinh viên 20 tuổi chuyên ngành kinh doanh không muốn tiết lộ tên thật, nói với CNN. Park kịch liệt phản đối quan điểm cho rằng phụ nữ trẻ ngày nay bị thiệt thòi trong xã hội. "Tôi đồng ý rằng phụ nữ ở độ tuổi 40 và 50 đã phải chịu đựng. Tuy nhiên, tôi không tin rằng phụ nữ ở độ tuổi 20 và 30 đang bị phân biệt đối xử".

Kim, một sinh viên 20 tuổi sắp tốt nghiệp đại học, cũng có cùng quan điểm. Kim nói rằng anh ta ngồi tách biệt với phụ nữ tại các quán bar để tránh bị buộc tội quấy rối tình dục. Kim từng ủng hộ nữ quyền, nhưng bây giờ anh ấy tin rằng đây là phong trào giành quyền lực tối cao cho phụ nữ nhằm hạ bệ đàn ông.

"Khi một người phụ nữ phải mặc quần áo hở hang, hành động này được xem là bạo lực giới và đối xử với phụ nữ như một đối tượng của ham muốn tình dục. Tuy nhiên, cùng là những người lên tiếng chỉ trích hành động đó sẽ xem một bức ảnh tương tự về đàn ông một cách thích thú. Những người ủng hộ nữ quyền có tiêu chuẩn kép", Kim nói.

CNN dẫn lại một cuộc thăm dò 1.000 người trưởng thành của Realmeter năm ngoái cho thấy 76% nam giới ở độ tuổi 20 và 66% nam giới ở độ tuổi 30 phản đối nữ quyền, trong khi gần 60% số người được hỏi ở độ tuổi 20 cho rằng vấn đề giới tính là ngọn nguồn xung đột nghiêm trọng nhất ở Hàn Quốc.

Phụ nữ Hàn Quốc biểu tình chống nạn quay lén để bảo vệ quyền riêng tư và an toàn của họ. Ảnh: AFP.

Điều khiến Park và Kim giận dữ nhất là chính sách bắt buộc nam giới ở độ tuổi nhất định phải phục vụ trong quân đội của Hàn Quốc. Đồng thời, họ nghĩ rằng phụ nữ đang nhận được sự ủng hộ từ các chương trình mới của chính phủ giúp họ tham gia vào các ngành vốn do nam giới thống trị.

Phản đối lệnh nhập ngũ bắt buộc

Từ Chiến tranh Triều Tiên, trong 62 năm qua, đàn ông Hàn Quốc bắt buộc phải nhập ngũ. Những người đàn ông khỏe mạnh từ 18 đến 35 tuổi phải phục vụ từ 21 đến 24 tháng trong quân đội.

Không giống như cha của họ, giới trẻ ngày nay không tin vào bổn phận truyền thống của nam giới này. Park nó với CNN: “Thật không công bằng khi chỉ có một giới tính phải nhập ngũ trong độ tuổi 20 trở đi. Thay vào đó, chúng ta nên theo đuổi ước mơ của mình."

Các cuộc khảo sát được thực hiện vào năm ngoái bởi bà Ma Kyung Hee, một nhà nghiên cứu chính sách giới tại Viện Phát triển Phụ nữ Hàn Quốc cho thấy nhiều chàng trai trẻ có cùng quan điểm trên.

Khảo sát của bà Ma trên 3.000 người đàn ông Hàn Quốc trưởng thành cho thấy 72% nam giới ở độ tuổi 20 nghĩ rằng việc nhập ngũ bắt buộc chỉ dành cho nam giới là một hình thức phân biệt giới tính và gần 65% tin rằng phụ nữ cũng nên bị bắt buộc nhập ngũ.

Gần 83% tin rằng tốt nhất nên tránh nghĩa vụ quân sự nếu có thể, và 68% tin rằng việc nhập ngũ là một sự lãng phí thời gian.

Họ không chỉ lo lắng về việc mất hai năm tự do. Họ cũng lo lắng về việc bỏ lỡ cơ hội việc làm. "Nếu tôi không thể sử dụng thời gian đó để tự cải thiện bản thân, tôi sẽ không tụt hậu so với phụ nữ trong thị trường việc làm chứ?" Kim hỏi.

Cạnh tranh việc làm khốc liệt

Trong 10 năm qua, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Hàn Quốc đã tăng từ 6,9% lên 9,9%. Nếu tính cả thanh niên đang làm việc bán thời gian, cũng như những người không ở trong tù, đang đi học hoặc nhập ngũ, tỷ lệ này tăng vọt lên 21,8%, theo CNN.

Cạnh tranh việc làm rất gay gắt. Nhờ các chính sách của chính phủ đưa nhiều phụ nữ hơn vào lực lượng lao động, cạnh tranh nay càng khốc liệt hơn. Vào tháng 11/2017, Bộ Bình đẳng giới đã tiết lộ kế hoạch 5 năm nhằm mở rộng đại diện nữ trong các bộ, doanh nghiệp chính phủ và trường công. Tháng 2/2018, kế hoạch này được đề xuất sẽ được mở rộng cho công ty tư nhân để khuyến khích các tập đoàn lớn thuê thêm phụ nữ và thay đổi văn hóa doanh nghiệp chỉ tập trung vào nam giới.

Tuy nhiên, một số người đàn ông nói rằng các biện pháp này đang mang lại cho phụ nữ một lợi thế không công bằng.

"Tôi lo lắng liệu tôi có bị thiệt thòi trong việc tìm kiếm việc làm hay không", Kim nói. "Trước đây, đó có thể là một vị trí mà tôi có thể dễ dàng giành được bằng hiểu biết của mình, nhưng do hạn ngạch giới tính, sẽ không công bằng nếu tôi không có được vị trí này".

Bà Ma Kyung Hee phát hiện ra rằng những người đàn ông biết về nữ quyền qua mạng có khả năng chống phong trào nữ quyền cao hơn những người biết về phong trào này ngoài đời thật. Bà cũng rất ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng nhóm đàn ông có thu nhập cao và có trình độ học vấn cao hơn cũng có khả năng giữ quan điểm chống phong trào nữ quyền như các nhóm có thu nhập thấp và trình độ học vấn thấp hơn.

Những chính trị gia phản đối nữ quyền

Chỉ hai năm trước, những người đàn ông ở độ tuổi 20 ủng hộ Tổng thống Moon áp đảo. Bây giờ, tỉ lệ này ít hơn 30%, trong khi 63,5% phụ nữ ủng hộ ông Moon, theo cuộc thăm dò của Realmeter tháng 12. Những người đàn ông này giờ đây chuyển sang ủng hộ những chính trị gia thể hiện quan điểm của họ.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In, người đã tuyên bố ông sẽ là Tổng thống ủng hộ nữ quyền. Ảnh: Business Insider.

Một trong số những chính trị gia đó là Lee Jun Seok, một thành viên của đảng Bareun Mirae. Ông Lee đã công khai cáo buộc phong trào nữ quyền đã giành lấy đặc quyền một cách bất công với đàn ông. Theo một cuộc thăm dò của Gallup hồi đầu năm nay, những người đàn ông ở độ tuổi 20 và 30 là những người ủng hộ lớn nhất của đảng Bareun Mirae.

Bà Ma tin rằng cuộc xung đột sẽ không được giải quyết khi Hàn Quốc vẫn áp dụng nhập ngũ bắt buộc. "Chúng ta phải dừng việc ép buộc đàn ông," bà Ma nói. "Xã hội phải giúp đàn ông tìm sự nam tính bằng một phương thức khác thay vì chống nữ quyền".

Ngược lại, Park và Kim cảm thấy bất lực khi thay đổi một xã hội mà họ nghĩ là "đặt phụ nữ lên hàng ưu tiên".

"Chúng tôi giống như những bao cát tập đấm bốc", Kim nói. Anh chỉ ra cách các chàng trai trẻ ngày nay đang vật lộn để mua nhà riêng hoặc thậm chí trả tiền cho các buổi hẹn hò.

Như Trần
Theo CNN

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/nam-thanh-nien-han-quoc-bat-man-voi-phong-trao-nu-quyen-post993216.html