Nam Trà My: Nghiêng phòng học, cô trò điểm trường Tắk Pổ mượn nhà dân học tạm

Phòng học điểm trường Tắk Pổ (trường Tiểu học Trà Tập, Nam Trà My, Quảng Nam) bị tốc mái, sập la –phông, phên gỗ xiêu vẹo, có nguy cơ đổ sập. Giáo viên phải mượn nhà dân để dạy học và sinh hoạt.

Lớp học mẫu giáo ở điểm trường Tắk Pổ được tổ chức ở nhà dân do trường học bị nghiêng

Lớp học mẫu giáo ở điểm trường Tắk Pổ được tổ chức ở nhà dân do trường học bị nghiêng

Sau cơn bão số 9, cô giáo Nguyễn Thị Việt Thảo và Nguyễn Thị Bích Nguyên phải mượn tạm 2 nhà dân để tổ chức dạy – học. “Bão số 9 đã đẩy ngôi trường nghiêng khỏi vị trí ban đầu khiến phòng học bị xiên vẹo, phần hiên có nguy cơ bị đổ sập, tốc mái, la – phông sập. HS nghỉ học tránh bão gần 1 tuần nên để đảm bảo tiến độ chương trình, chúng tôi phải mượn nhà dân để tổ chức dạy – học” – cô Thảo thông tin.

Hai phòng học của điểm trường Tắk Pổ được chống đỡ bằng cây gỗ để tránh bị đổ sập do bị nghiêng sau bão số 9 (Ảnh: Nguyễn Thảo)

La - phông và tấm chống nóng rơi vãi khắp nơi

Phòng học ngổn ngang sau bão số 9

Điểm trường Tắk Pổ bị nghiêng và có nguy cơ đổ sập sau bão số 9

Hai nhà dân trong thôn được mượn để làm phòng học cho 14 HS lớp ghép lớp 1 – 2 và 22 HS mẫu giáo. Cô Thảo chia sẻ: “Người dân đi nương rẫy cả ngày, tối mới về nhà nên không ảnh hưởng nhiều đến các hoạt động dạy – học của cô và trò. Bàn ghế, bảng… được chuyển từ điểm trường sang. Tuy nhiên, không gian lớp học không được rộng, ánh sáng cũng không được đảm bảo”.

Lớp học 2 buổi/ngày ở được tổ chức ở nhà dân hơn một tuần nay

Hiện phòng học ở điểm trường Tắk Pổ đã được chống đỡ tạm trong khi chờ thời tiết nắng ráo để sửa chữa. Những ngày này, ở Tắk Pổ thời tiết rất xấu, gió lớn nên thợ không tháo dỡ nhà để lắp ghép lại được.

Phòng học thiếu ánh sáng

Không gian lớp học nhỏ, thiếu ánh sáng, rất khó tổ chức các hoạt động vui chơi cho trẻ mầm non

Hai cô giáo phải ở nhờ nhà một người dân khác vì phòng ở của GV cũng bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 9. “Đêm nào mưa to gió lớn thì chúng em lo đến mất ngủ, chỉ sợ trường đổ sập. Khi nào trời tạnh, không mưa gió thì chúng em về trường nấu cơm. Còn trời mưa gió thì nhờ bếp của dân để nấu ăn. Họ bảo cô giáo có mì tôm ăn không, lấy mì tôm của bố chế mà ăn, từ thiện mới cấp cho bố” – cô giáo Nguyễn Thị Việt Thảo kể.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thoi-su/nam-tra-my-nghieng-phong-hoc-co-tro-diem-truong-tak-po-muon-nha-dan-hoc-tam-B9lja8hGR.html