Nam Trung bộ và Tây Nguyên: Vụ Hè Thu cho năng suất và sản lượng cao

Ngày 27/9, tại Quảng Ngãi, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị sơ kết sản xuất trồng trọt vụ Hè Thu, vụ mùa năm 2018; triển khai kế hoạch sản xuất Đông Xuân 2018 - 2019 vùng duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên.

Người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao - Ảnh: VGP/Lưu Hương

Người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao - Ảnh: VGP/Lưu Hương

Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, tình hình sản xuất trồng trọt vụ Hè Thu năm 2018 cơ bản thuận lợi, sản xuất trồng trọt được mùa, nhiều loại cây trồng có năng suất và sản lượng cao. Đặc biệt là cây lúa, các cây công nghiệp như cà phê, điều... xuất khẩu tăng.

Theo đó, vụ Hè Thu 2018, diện tích lúa toàn vùng gần 231.000 ha, giảm hơn 4.800 ha, năng suất ước đạt 59,7 tạ/ha, tăng 0,8 tạ/ha. Diện tích lúa mùa toàn vùng trên 221.000 ha, giảm gần 17.000 ha, năng suất ước đạt 49,74 tạ/ha, tăng 0,74 tạ/ha.

Để ứng phó với thời tiết khô hạn, các địa phương đã sử dụng các giống trung và lúa ngắn ngày, giảm thiểu lượng nước tưới mang lại hiệu quả cao.

Bên cạnh đó, các tỉnh cũng đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng trên đất lúa. Năm 2018 toàn vùng chuyển đổi được 15.240 ha. Nhiều mô hình chuyển đổi cây trồng trên đất lúa có hiệu quả kinh tế cao như: Tỏi- ớt- đậu phộng- ngô- lúa;... Mô hình chuyển đổi cây trồng kết hợp ứng dụng canh tác nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu cho hiệu quả cao là mô hình trồng lạc, trồng đậu đen, trồng cỏ nước tưới phun mưa theo mini-pan.

Kết quả các mô hình cho thấy, lãi thuần đạt cao hơn sản xuất theo cách truyền thống (đối chứng). Bên cạnh đó, việc áp dụng mô hình canh tác này còn tiết kiệm nước. Đây là vấn đề rất có ý nghĩa trong điều kiện tài nguyên nước đang ngày càng thiếu hụt như hiện nay tại địa phương.

Vùng duyên hải Nam Trung bộ đã bước đầu hình thành một số vùng sản xuất cây ăn quả tập trung như thanh long tại Bình Thuận; nho, táo tại Ninh Thuận; xoài tại Khánh Hòa. Diện tích Thanh Long tỉnh Bình Thuận là 27.758 ha, diện tích cho thu hoạch 26.283 ha, năng suất 20,1 tấn/ha/năm, sản lượng 540.252 tấn/năm, là một trong những cây trồng xuất khẩu chủ lực của cả nước.

Một số cây ăn quả có giá trị kinh tế tốt ở Tây Nguyên với như: Bơ 7.892 ha, sầu riêng 11.838 ha đang được nông dân tiếp tục mở rộng diện tích, đặc biệt là trồng xen trong các vườn cà phê, hồ tiêu; bước đầu cho năng suất, chất lượng và hiệu quả cao.

Để vụ Đông Xuân 2018 sản xuất thuận lợi, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh yêu cầu Cục Trồng trọt phối hợp với Cục Thủy lợi tính lại nguồn nước, giống sao cho thuận lợi, cơ cấu giống, chuyển đổi cây trồng…

Các địa phương tính toán lượng nước có phương án chuyển đổi cây trồng sang cây trồng ngắn hạn ở những vùng có nguy cơ thiếu nước để tăng hiệu quả sản xuất. Linh động lịch thời vụ, tùy vùng miền để tránh thiên tai, mưa lũ ảnh hưởng đến mùa vụ. Cần tuyên truyền cho nông dân sử dụng hạt giống chất lượng, tránh trường hợp sử dụng lúa ăn làm giống. Tăng cường công tác phòng bệnh cho cây trồng, đặc biệt là lùn sọc đen trên cây lúa, bệnh chổi rồng trên cây mì gây thiệt hại lớn về năng suất.

Lưu Hương

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/kinh-te/nam-trung-bo-va-tay-nguyen-vu-he-thu-cho-nang-suat-va-san-luong-cao/347853.vgp