Nam Việt bỏ lại 'sau lưng' những ngày 'u ám'

Lĩnh vực khoáng sản coi như 'gãy', và Nam Việt phải bắt đầu quay lại phục hồi ngành cá tra.

Ông Doãn Tới, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nam Việt (NAVICO) nhớ lại những thất bại đã qua.

Giai đoạn 2006 – 2007, Nam Việt giữ vị trí quán quân ngành thủy sản Việt Nam. Năm 2006, chiếm 20% thị phần ngành cá, kim ngạch xuất khẩu của công ty đạt 165 triệu USD.

Đây cũng là đơn vị thủy sản đầu tiên của Việt Nam xâm nhập thị trường Nga.

Ông Doãn Tới, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nam Việt (NAVICO).

Ông Doãn Tới, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nam Việt (NAVICO).

Trên đà chiến thắng, để bảo toàn lực lượng, ông Tới quyết định chia trứng ra nhiều giỏ. “Giỏ” thứ nhất là thủy sản, nhánh kinh doanh đưa tên tuổi công ty vươn xa. “Giỏ” thứ hai, thành lập một ngân hàng.“Giỏ” thứ ba, đầu tư dự án Cromit.

Thất bại vì "không nhìn được ra thế giới"

Nhưng tham vọng sở hữu một ngân hàng không thành hiện thực khi các thủ tục cấp phép thành lập ngân hàng mới bị siết lại.

Dốc nguồn lực tài chính, đầu năm 2009, ông Tới khởi công dự án Cromit có số vốn đầu tư gần 1.500 tỷ đồng. Với công suất thiết kế 200.000 tấn ferocrom/năm, giá thành sản xuất dưới 1 USD, giá bán 1,3 – 1,4 USD/pound.

Ông Tới tính toán, có thể mỗi năm dự án lãi hàng trăm tỷ đồng.

Tuy nhiên, do “ngấm đòn” khủng hoảng tài chính toàn cầu, năm 2008 các nền kinh tế lớn và Việt Nam đều bị ảnh hưởng. Lạm phát trong nước hai chữ số, lãi suất cho vay có lúc tăng lên 25%, tỉ giá tăng vọt.

Riêng với ngành thủy sản, số lượng đơn hàng ít đi, nguyên liệu khủng hoảng thừa, các nhà máy chế biến hoạt động cầm chừng.

Tháng 8/2008, Nam Việt lại đón thêm tin xấu khi thị trường Nga, thị trường quan trọng nhất với Nam Việt khi đó, đóng cửa với sản phẩm cá tra.

Cuối năm 2008, Nam Việt vẫn dẫn đầu ngành cá với kim ngạch xuất khẩu 188 triệu USD. Tuy nhiên, lợi nhuận công ty chỉ bằng 25% so với niên độ tài chính trước đó.

Trong khi đó, các đối thủ phía sau đã nhấn ga, phả hơi nóng vào gáy Nam Việt khi kim ngạch xuất khẩu tăng lên nhanh chóng.

Đơn cử, thủy sản Hùng Vương xuất khẩu được 170 triệu USD, thủy sản Minh Phú 160 triệu USD và Vĩnh Hoàn 102 triệu USD.

Trong khi thủy sản “bấp bênh”, thì cũng là lúc các “giỏ” khác cũng trở nên mong manh. Do khủng hoảng kinh tế đã dẫn đến sản xuất toàn thế giới bị thu hẹp, giá nguyên liệu rơi “thẳng đứng”, trong đó có quặng ferocrom. Dù đã xuất khẩu 80 triệu USD, làm tới đâu bán tới đó, nhưng càng làm càng lỗ.

Năm 2009, Nam Việt báo lỗ 178 tỷ đồng. Năm 2011, đã buộc phải dừng việc khai thác quặng ferocrom, và chịu lỗ 300 tỷ đồng.

Một trong các sai lầm lớn nhất cuộc đời tôi là không nhìn được ra thế giới”, ông Tới thẳng thắn nói. Và sau nhiều thăng trầm, chủ tịch Nam Việt tin tưởng sẽ đưa công ty trở lại. “Giờ đây Nam Việt sẽ chỉ làm cá,” ông Tới khẳng định.

“Nam Việt sẽ chỉ làm cá”

Với nội lực vững vàng, thế mạnh cạnh tranh xuất phát từ lợi thế sở hữu chuỗi giá trị sản xuất khép kín giúp giảm giá thành sản phẩm, Nam Việt đang nắm bắt tốt cơ hội để vươn lên mạnh mẽ.

Ðiểm mạnh của Nam Việt, đồng thời cũng là chủ trương phát triển xuyên suốt của công ty chính là chuỗi giá trị sản xuất khép kín giúp giảm giá thành sản phẩm.

Tính đến nay, Nam Việt cơ bản khép kín được chuỗi giá trị cá tra khi sở hữu trại ươm cá giống, hơn 300 ha vùng nuôi, nhà máy thức ăn chăn nuôi Navifeed và 4 nhà máy sản xuất.

Với mục tiêu hoàn thành chuỗi giá trị khép kín bền vững, Nam Việt đã rót 540 tỷ đồng thành lập Công ty TNHH Nuôi trồng thủy sản Nam Việt Bình Phú để thực hiện dự án Bình Phú, quy mô gần 600 ha nuôi trồng.

Ðây là khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nuôi trồng thủy sản với tổng vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng, được chia thành 2 khu, bao gồm: Khu sản xuất giống cá tra 3 cấp với diện tích 150 ha, vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng; và Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nuôi trồng thủy sản, nuôi cá tra thương phẩm với diện tích nuôi 450 ha, vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng.

Dự án được xây dựng trong năm 2019 - 2020, sản phẩm đầu ra sẽ được xuất khẩu 100% với ước tính khoảng 200.000 tấn cá tra nguyên liệu/năm. Ðiểm nổi bật của dự án là quy mô lớn, tập trung, ứng dụng công nghệ cao và sản phẩm đã có đầu ra.

Thông qua dự án, Nam Việt sẽ tự chủ 100% nguồn con giống để phát triển nuôi cá thương phẩm, nâng cao sản lượng sản xuất từ con giống đến thành phẩm fillet xuất khẩu và hạ thấp chi phí sản xuất.

Theo ông Tới, vấn đề cốt lõi của ngành chế biến cá tra là sự thiếu hụt về con giống, dẫn đến thiếu hụt cá tra nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu, qua đó khiến giá cá tra tăng 66% trong 3 năm qua. Việc khép kín quy trình sản xuất để hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm là việc cần thiết.

Và trong báo cáo tài chính năm 2019, Nam Việt ghi nhận 1.379 tỷ đồng doanh thu và 704 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 9% và 17% so với kết quả năm 2018.

Tính đến hết năm 2019, tổng tài sản của Nam Việt đã tăng 21% so với đầu năm, lên mức 4.134 tỷ đồng chủ yếu từ hàng tồn kho và chi phí xây dựng cơ bản dở dang. Tiền gửi ngân hàng ngắn hạn cũng tăng 134 tỷ đồng so với đầu kỳ lên 585 tỷ đồng.

Ngoài ra, Nam Việt còn tích lũy được 1.117 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Nguyễn Việt

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/doanh-nghiep-vuot-khung-hoang-nam-viet-da-bo-lai-sau-lung-nhung-ngay-u-am-167644.html