Nạn buôn người ở Việt Nam ngày càng tinh vi

VOV.VN - Mua bán người ở Việt Nam ngày càng tinh vi, có nhiều hình thức buôn bán người mới như buôn bán trẻ sơ sinh, bào thai...

Hoạt động mua bán người ở nước ta diễn ra ngày càng phức tạp, tinh vi với nhiều loại tội phạm mới, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội. Những năm qua, được sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, Việt Nam đã dần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, triển khai mạnh mẽ công tác đấu tranh phòng chống tội phạm mua bán người, giúp nhiều nạn nhân được trở về với cộng đồng. Phóng viên VOV phỏng vấn bà Vũ Thị Thu Phương- đại diện Dự án Liên minh các tổ chức Liên Hợp Quốc về phòng chống tội phạm buôn bán người tại Việt Nam (UNIAP) về công tác này.

PV: Bà có nhận xét gì về tình trạng mua bán người ở Việt Nam?

Bà Vũ Thị Thu Phương: Việt Nam là một nước nguồn của tình trạng mua bán người. Phụ nữ, trẻ em, nam giới ở Việt Nam bị bán xuyên biên giới sang các nước khác. Phụ nữ bị bán chủ yếu vì mục đích mại dâm, làm vợ; trẻ em thì chủ yếu là bị bóc lột sức lao động, ăn xin; còn nam giới thì bị bóc lột sức lao động. Ở Việt Nam, buôn bán người diễn ra ở cả nội địa và xuyên biên giới. Mua bán người ở Việt Nam ngày càng tinh vi và nhiều thủ đoạn, có nhiều hình thức buôn bán người mới xảy ra như buôn bán trẻ sơ sinh, buôn bán bào thai, nội tạng và một hình thức buôn bán mới nhất gần đây là đẻ thuê.

Bà Vũ Thị Thu Phương

PV: Thưa bà, những năm qua, Văn phòng UNIAP đã trợ giúp gì cho các cơ quan chức năng Việt Nam nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng chống buôn bán người?

Bà Vũ Thị Thu Phương: Năm 2004, Bộ trưởng 6 nước Tiểu vùng sông Mê Kông ký biên bản ghi nhớ về sáng kiến phối hợp phòng chống buôn bán người, gọi tắt là tiến trình Comic, chỉ định UNIAP là Ban thư ký của tiến trình này. UNIAP đóng vai trò hỗ trợ kỹ thuật cho tiến trình Comic ở các nước cũng như khu vực. UNIAP tập trung nâng cao năng lực cho các cơ quan ban ngành trong nước thông qua các lớp tập huấn, hội thảo, hoặc thông qua tham quan học tập kinh nghiệm ở các nước bạn. Bên cạnh đó, UNIAP cũng hỗ trợ hợp tác song phương và đa phương thông qua việc ký kết các văn kiện hợp tác song phương với các nước láng giềng và tham gia các diễn đàn khu vực.

PV: Qua thực tiễn công việc, bà có thể cho biết là hệ thống pháp luật của Việt Nam đã đáp ứng được các yêu cầu của hoạt động phòng chống buôn bán người chưa?

Bà Vũ Thị Thu Phương: Việc ra đời Luật phòng chống mua bán người tháng 3-2011 cũng như việc Chính phủ Việt Nam phê chuẩn Công ước chống các loại tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia của Liên hợp quốc, đã thể hiện quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong nỗ lực phòng chống tội phạm mua bán người.

Bên cạnh đó, các Nghị định, Thông tư về hỗ trợ nạn nhân cũng đã được ban hành, nhằm mang lại một khung hỗ trợ pháp lý hiệu quả nhất, toàn diện nhất cho nạn nhân của tội phạm mua bán người, từ truy tố xét xử cho tới bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân. Thế nhưng, do những điều kiện khách quan nên Luật Phòng chống buôn bán người của Việt Nam vẫn chưa tương thích với luật pháp quốc tế. Ví dụ, chúng ta chưa có định nghĩa về “mua bán người” mà chỉ có qui định những hành vi cấm, được thể hiện ở điều 119 và 120 Bộ Luật hình sự. Nếu so sánh với định nghĩa quốc tế về mua bán người thì vẫn còn những kẽ hở, dẫn tới bỏ lọt người lọt tội. Hiện nay UNIAP đang phối hợp với Bộ Tư pháp sửa đổi bổ sung lại các điều này cho phù hợp với qui định của luật pháp quốc tế.

PV: Bà có thể chia sẻ những khó khăn trở ngại khi triển khai công tác này ở Việt Nam?

Bà Vũ Thị Thu Phương: Những năm qua, cùng với Chính phủ Việt Nam, chúng tôi đã triển khai rất nhiều hoạt động trên cả 4 lĩnh vực gồm: phòng ngừa, truy tố xét xử, hỗ trợ nạn nhân và hỗ trợ xây dựng chính sách.

Lực lượng chức năng Việt Nam và Trung Quốc thực hiện bàn giao nạn nhân mua bán người qua biên giới (Ảnh: Tư liệu của BĐBP)

Trong những năm tới đây thì công tác truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi vẫn tiếp tục được chúng tôi xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phòng chống mua bán người. Truyền thông nâng cao nhận thức không chỉ tập trung vào những đối tượng có nguy cơ cao, đó là những người có mong ước được đi di cư, hay muốn đi tìm cơ hội việc làm trong nước cũng như ngoài lãnh thổ Việt Nam mà còn nhắm tới đội ngũ cán bộ lãnh đạo địa phương. Bởi chỉ khi họ có nhận thức, có hiểu biết về tội phạm mua bán người thì khi đó công tác phòng chống mua bán người mới có sự chỉ đạo sát sao, hiệu quả. Việc truyền thông thay đổi hành vi cũng rất là quan trọng. Chỉ khi người ta nhận biết được đây là hành vi di cư an toàn thì mới đảm bảo rằng là việc di cư khỏi địa phương để tìm việc làm an toàn và đạt hiệu quả tốt.

Chúng tôi cũng rất coi trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và giáo dục ý thức thực thi pháp luật. Bởi vì qua thực tế, chúng tôi thấy rằng sự hiểu biết của đại bộ phận người dân về pháp luật nói chung và pháp luật về phòng chống mua bán người nói riêng còn rất hạn chế. Chỉ khi người dân hiểu được mua bán người là một loại tội phạm nghiêm trọng, sẽ bị pháp luật trừng trị nghiêm khắc thì các đối tượng sẽ e ngại khi quyết định thực hiện hành vi phạm tội này.

PV: Xin cảm ơn bà./.

Nguồn VOV: http://vov.vn/phap-luat/nan-buon-nguoi-o-viet-nam-ngay-cang-tinh-vi/274304.vov