Nạn đói tồi tệ trong lịch sử Nhật Bản và sự tái xuất của ramen

Giai đoạn từ 1944 đến 1947 là những năm đói kém tồi tệ nhất trong lịch sử hiện đại của Nhật Bản.

Dân Nhật nhận lương thực từ Mỹ trong lúc khó khăn. Ảnh: History.

Mặc dù bom lửa và các cuộc tấn công hạt nhân của Mỹ là kết tinh của sự đau khổ từ việc là bại tướng trong chiến tranh, hai năm của nạn đói và suy dinh dưỡng kéo dài sau thời điểm đầu hàng là một kỷ nguyên đầy khó khăn, đen tối dai dẳng luôn hiện diện trong ý thức người dân, như lời nhắc nhở về những cơ cực gắn liền với giai đoạn đó.

Bất chấp kết cục sụp đổ đầy biến động về quyền lực chính trị, qua sự đầu hàng của chính phủ đế quốc cùng luận điệu dân chủ hóa mạnh mẽ từ người Mỹ, đối với hầu hết người dân Nhật thì tình trạng thiếu lương thực, quần áo ấm và nơi ăn chốn ở tử tế là những vấn đề nổi cộm nhất khi đứng ở bên thua cuộc.

Có một thực tế, đó là nguồn cung lương thực và sự sẵn có của hàng hóa cơ bản không cải thiện được cuộc sống của hầu hết người Nhật trong ít nhất hai năm sau thời điểm đầu hàng, hàm ý rằng chiến tranh và sự chiếm đóng của nước ngoài đã được chuyển hóa thành một giai đoạn đau khổ kéo dài cho đến thời điểm chính quyền sụp đổ, như được minh chứng qua các sự kiện sau năm 1945.

Tình hình còn trở nên tồi tệ hơn trong hai năm đầu sau chiếm đóng do sản lượng lương thực toàn cầu bị thiếu hụt, cùng sự giám sát kém cỏi của cả chính quyền Nhật Bản và Mỹ lên hệ thống chia khẩu phần lương thực.

Việc gần như mọi người dân Nhật đều trải qua nạn đói lan rộng trong khoảng thời gian từ 1944 đến 1947 đã tạo ra một bối cảnh vô cùng đau xót, dẫn đến việc sự tái xuất của mì ramen đã tạo ra tác động sâu sắc lên những người dân còn bám trụ ở thành phố sau chiến tranh.

Ramen cùng các loại thực phẩm “cải thiện sức bền” khác ở chợ đen là những lựa chọn được hoan nghênh thay thế cho việc phải ngày này qua ngày khác ăn khoai lang và củ cải trắng. Cùng với há cảo (gyōza), mì xào (yakisoba), bánh xèo với hành lá (okonomiyaki) và các loại đồ ăn khác làm từ lúa mì nhập khẩu từ Mỹ, Chūka soba là một đặc sản của thị trường chợ đen cung cấp năng lượng vô cùng cần thiết cho những thực khách nào có khả năng chi trả.

Các loại thực phẩm nóng sốt và nhiều dầu mỡ ở chợ đen được gọi chung là đồ ăn “cải thiện sức bền”, do quy trình chế biến ra chúng dùng nhiều đến tỏi, dầu và bột mì. Những chuyến hàng nhập khẩu khẩn thiết lúa mì của Hoa Kỳ để chế biến các loại thực phẩm “cải thiện sức bền” này giúp giảm bớt tình trạng khan hiếm gạo ở Nhật Bản, vốn đã nhen nhóm vào năm trước khi chiến tranh kết thúc.

Tình hình lương thực vốn đã xấu đi từ hai năm trước khi người Mỹ đến Nhật Bản vào năm 1945, và sự khan hiếm ở các thành phố đã đạt đến mức khủng hoảng. Sản xuất lương thực trong nước ước tính giảm khoảng 26% trong khoảng thời gian từ 1943 đến 1945, phần lớn do động thái của chính phủ quyết định chuyển các nguồn lực từ nông nghiệp sang các ngành công nghiệp chiến tranh, và cũng do nước Nhật mất đi khả năng tiếp cận lương thực từ các thuộc địa.

Việc phụ thuộc vào các mặt hàng thay thế như khoai lang, đậu nành, bí mùa đông (bí kabocha), củ cải trắng và sau này là lúa mì, thì cần thiết cho nhu cầu sinh tồn cơ bản trong những năm 1940, đặc biệt vào giữa thập kỷ, khi mà lượng phân bón, công cụ thiết bị và vật nuôi hoặc được huy động cho mục đích quân sự, hoặc bị tàn phá trong chiến tranh.

Okumura Ayao, một học giả về ẩm thực Nhật Bản, mô tả những ký ức của ông (ông sinh năm 1937) về tình trạng thiếu lương thực vào giai đoạn cuối cuộc chiến như sau:

“Từ năm 1944 trở đi, ngay cả ở nông thôn, sân thể thao của các trường học trong vùng cũng được chuyển thành ruộng khoai lang. Chúng tôi đã ăn mọi bộ phận của cây khoai lang, từ phần lá cho đến ngọn củ. Chúng tôi cũng ăn mọi bộ phận, kể cả hạt và vỏ, của cây bí kabocha mà chúng tôi tự trồng. Nếu muốn bổ sung protein, chúng tôi ăn bọ cánh cứng, ấu trùng bọ cánh cứng và các loại côn trùng khác mà chúng tôi tìm thấy ở những rễ cây hái được, sau đó chúng tôi rang hoặc nghiền chúng ra. Thực phẩm đã trở nên khan hiếm ngay cả ở vùng quê.

Năm đó, ‘các khoản tiếp tế nhất định mang tính lịch sử’(certain history provisions) (hisshō shokuryō) đã trở thành cụm từ được nói đến nhiều nhất trên toàn quốc để chỉ nguồn cung lương thực luôn biến động và vơi cạn. Ishiguro, Bộ trưởng Nông nghiệp thời bấy giờ, đã kêu gọi người dân từ bỏ việc coi gạo là lương thực chính của Nhật Bản, mà thay vào đó nên ăn mọi loại thực phẩm có được, kể cả lá cây và các bộ phận của thực vật vốn từng được xem là không ăn được…

Khi Tokyo chìm trong biển lửa của chiến tranh cũng là thời điểm dành cho ‘lương thực cho trận chiến cuối cùng’ [kessen shoku]. Nhà chức trách đã chỉ đạo chúng tôi, thậm chí còn rốt ráo hơn nữa, tận dụng tối đa các nguồn tài nguyên. Do vậy, những loại thực phẩm như hạt sồi, chồi cây, rễ cây, cỏ dại mọc ven đường, ốc và sa giông đều được tận dụng hết mức có thể để sinh tồn”.

Những dòng ký ức của Okumura nói lên hoàn cảnh mà hầu hết người dân Nhật đã phải kinh qua trong năm cuối cùng của cuộc chiến.

Tệ hơn nữa, số lượng người dân cần được tiếp tế lương thực ngày càng tăng do quá trình phi thực dân hóa của đế quốc Nhật, vốn đã tạo ra một làn sóng khổng lồ khoảng tám triệu người trở về từ nhiều vùng khác nhau trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Số lượng người tăng thêm này đã đẩy nhu cầu lương thực từ 6,552 triệu tấn gạo trong năm tài chính 1946 lên 7,946 triệu tấn vào năm 1947. Đây là một thời điểm không thể tồi tệ hơn, khi đó cũng là lúc Nhật Bản không còn thu nhận được nguồn lương thực từ các thuộc địa. Vụ mùa lúa gạo thất bát vào các năm 1944, 1945 do thời tiết và chiến tranh đã làm trầm trọng thêm tình hình vốn đã tàn khốc, dẫn đến thảm cảnh suy dinh dưỡng và nạn đói trên diện rộng.

Vì lượng lương thực được chia khẩu phần là không đủ cho nhu cầu sinh tồn cơ bản, do đó các thực phẩm mua từ chợ đen đã trở thành mặt hàng thiết yếu đối với dân số phi nông nghiệp. Việc phải chọn hoặc là chết đói hoặc là thực hiện hành vi phi pháp không phải là một lựa chọn dễ dàng.

Yamaguchi Yoshitada - một thẩm phán, người sau này được báo giới đặt biệt danh “Socrates của Nhật” - đã cự tuyệt ăn các loại thực phẩm mua từ chợ đen, dẫn đến việc ông đã qua đời vì suy dinh dưỡng vào tháng 11 năm 1947. Do vậy, sự bất khả của việc chỉ sống dựa vào lượng thực phẩm được chia khẩu phần đã được phơi bày trước các nhà chức trách theo một cách vô cùng thảm khốc.

George Solt / Book Hunter - NXB Tổng hợp TP.HCM

Nguồn Znews: https://znews.vn/nan-doi-toi-te-trong-lich-su-nhat-ban-va-su-tai-xuat-cua-ramen-post1457438.html