Nắn dòng 'vàng đen', bảo đảm đầu vào an ninh năng lượng

Ngày 2/12/2019, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 29/CT-TTg (Chỉ thị 29) về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh than và cung cấp than cho sản xuất điện. Việc Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 29 được đánh giá là hết sức kịp thời, để tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động sản xuất, kinh doanh than, đồng thời tháo gỡ những nút thắt 'nóng' liên quan đến khối lượng, chủng loại than cung cấp cho một số nhà máy nhiệt điện than.

Nhiều công nghệ hiện đại trong khai thác than đã được áp dụng

Nhiều công nghệ hiện đại trong khai thác than đã được áp dụng

Chỉ thị 29 có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành và sẽ thay thế Chỉ thị số Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 26/8/2015 (Chỉ thị 21) của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh than.

Nắn dòng “vàng đen”

Than đá các loại vốn được mệnh danh là "vàng đen" và trên thực tế chưa bao giờ mất đi ý nghĩa của danh từ này. Cũng chính bởi điều này mà chỉ trong vòng 4 năm trở lại đây, Thủ tướng Chính phủ đã liên tiếp ban hành hai chỉ thị về công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất kinh doanh than. Điều này càng trở nên quan trọng trong khi những năm sắp đến, các dự án nhiệt điện vẫn sẽ đóng vai trò hết sức quan trọng trong hệ thống điện của đất nước cũng như bảo đảm an ninh năng lượng.

Trên thực tế, năm 2015 việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 21 là rất kịp thời. Sau bốn năm thực hiện Chỉ thị số 21, theo các cơ quan chức năng, tình trạng khai thác, vận chuyển và kinh doanh than trái phép đã giảm, việc tiêu thụ than bất hợp pháp đã được hạn chế, góp phần cho ngành công nghiệp than phát triển bền vững, đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước.

Đáng chú ý, việc cung cấp than cho sản xuất điện được Chính phủ, các bộ, ngành chỉ đạo kịp thời, tích cực và đã đạt được những tiến bộ nhất định, góp phần tích cực trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên bên cạnh các mặt tích cực nêu trên, việc khai thác và kinh doanh than trái phép vẫn còn diễn ra và tiềm ẩn nguy cơ tái diễn. Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng ở trung ương và địa phương, đặc biệt là giữa các địa phương có hoạt động sản xuất, kinh doanh than chưa thật sự chặt chẽ; cá biệt có hành vi tiếp tay, bao che của một số tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh than; việc xử lý những vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh than còn chưa nghiêm.

Đặc biệt thời gian gần đây, việc huy động sản lượng phát điện của các nhà máy nhiệt điện than để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ngày càng tăng, nên nhu cầu than cho sản xuất điện hiện nay tăng cao so với trước đây, trong khi khả năng sản xuất than trong nước là hữu hạn và không thể gia tăng đột biến sản lượng than khai thác trong thời gian ngắn, dẫn đến phải nhập khẩu than để đáp ứng nhu cầu trong nước.

Theo nhận định của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, nhu cầu than trong năm 2019 đã đạt mức cao nhất từ trước đến nay.

Trong khi đó, sự phối hợp giữa chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện than với các doanh nghiệp cung cấp than còn chưa chặt chẽ, kịp thời dẫn đến khối lượng, chủng loại than cung cấp cho một số nhà máy nhiệt điện than còn chưa được đáp ứng kịp thời theo yêu cầu của nhà máy. Tại nhiều cuộc giao ban của Bộ Công Thương, vấn đề cung cấp than cho các dự án điện luôn được nêu lên và lãnh đạo Bộ Công Thương cũng đã quyết liệt chỉ đạo với tinh thần, cái gì làm được thì phải kiên quyết làm với tinh thần chủ động.

Tình hình thực tế khá “nóng” dẫn đến yêu cầu thực tế phải xem xét Chỉ thị 21 để cập nhật tình hình hướng tới mục tiêu xa hơn là “nắn” được dòng vàng đen để không chỉ bảo đảm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh than mà còn đáp ứng đủ, ổn định dài hạn than cho các nhà máy nhiệt điện than phục vụ thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng của đất nước trong thời gian tới.

Vấn đề cập nhật Chỉ thị 21 để đồng bộ, hiệu quả, gắn với tình hình mới đã được đặt ra tại cuộc họp ngày 1/4/2019 tại trụ sở Văn phòng Chính phủ về vấn đề cung cấp than cho sản xuất điện và các hộ tiêu thụ khác do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì. Tai cuộc họp, sau khi nghe ý kiến lãnh đạo các bộ, địa phương và các tập đoàn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ nếu cần thiết nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Chỉ thị 21.

Vừa nâng tầm quản lý, vừa tháo gỡ “nút thắt”

Việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 29 được đánh giá là hết sức kịp thời. Kịp thời ở đây được hiểu theo hai khía cạnh. Thứ nhất, tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động sản xuất, kinh doanh than khi mà loại khoáng sản này phân bố tại nhiều địa phương trên cả nước. Thứ hai, là tháo gỡ những nút thắt “nóng” liên quan đến khối lượng, chủng loại than cung cấp cho một số nhà máy nhiệt điện than còn chưa được đáp ứng kịp thời theo yêu cầu của nhà máy khi mà khả năng sản xuất than trong nước là hữu hạn và không thể gia tăng đột biến sản lượng than khai thác trong thời gian ngắn, dẫn đến phải nhập khẩu than.

Chủ đầu tư các dự án nhiệt điện từ nay được giao nhiều trách nhiệm và quyền chủ động trong việc bảo đảm nguồn than cho dự án

Với tinh thần nút thắt “nóng” này cần phải được tập trung tháo gỡ, điểm mới quan trọng của Chỉ thị 29 so với Chỉ thị 21 là mạnh dạn giao trách nhiệm cùng các quyền chủ động cần thiết cho chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện than. Theo đó, chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện than từ nay chịu trách nhiệm thu xếp nguồn than hợp pháp để cung cấp trong suốt thời gian tồn tại của nhà máy; thường xuyên rà soát, tính toán nhu cầu sử dụng than (than sản xuất trong nước, than nhập khẩu, than pha trộn) cho sản xuất để xây dựng và thực hiện kế hoạch bảo đảm cung cấp đủ, ổn định than cho hoạt động của nhà máy.

“Chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện than chủ động đàm phán, ký hợp đồng mua bán than dài hạn, trung hạn, ngắn hạn với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Đông Bắc, các doanh nghiệp cung cấp khác và thực hiện nghiêm theo hợp đồng đã ký; phối hợp với các doanh nghiệp cung cấp than xây dựng kế hoạch cấp than theo tháng, quý phù hợp với diễn biến của thời tiết và kế hoạch sản xuất điện để bảo đảm cung cấp đủ, ổn định than cho nhà máy”- Thủ tướng Chính phủ chỉ thị.

Bên cạnh đó đó với than nhập khẩu, than pha trộn, chủ đầu tư nhà máy được trực tiếp nhập khẩu hoặc mua than qua đầu mối là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Đông Bắc hoặc qua doanh nghiệp khác, bảo đảm nguồn than hợp pháp theo quy định, giá than cạnh tranh và hiệu quả.

Đặc biệt các chủ đầu tư nhiệt điện than còn được giao chủ động nghiên cứu, sử dụng than pha trộn, than nhập khẩu cho sản xuất điện để vận hành nhà máy an toàn, hiệu quả và bảo đảm môi trường theo quy định.

Liên quan đến việc tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước với hoạt động sản xuất kinh doanh than, cũng trong Chỉ thị 29, nhiều bộ ngành địa phương được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu vào cuộc, mà cụ thể là Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường,Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tư pháp và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Đặc biệt Thủ tướng cũng chỉ thị những giải pháp quản lý riêng cho tỉnh Quảng Ninh. Theo đó, chủ trì cùng với các đơn vị được phép khai thác than trên địa bàn phối hợp với các tỉnh, thành phố có liên quan đến hoạt động sản xuất và kinh doanh than rà soát, điều chỉnh, bổ sung Quy chế phối hợp trong công tác quản lý, trao đổi thông tin cho phù hợp tình hình thực tế hiện nay để kiểm tra và kịp thời xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về khai thác, kinh doanh than.

Bộ Công Thương trong vai trò quản lý nhà nước về công nghiệp khai thác mỏ và chế biến khoáng sản được Thủ tướng chỉ thị tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan chỉ đạo và hướng dẫn các đơn vị thực hiện các đề án, dự án theo đúng quy định của pháp luật chuyên ngành. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan theo dõi việc thực thi pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh than; tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong quá trình thực hiện Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

“Bộ Công Thương tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan nhằm phát triển ngành than theo cơ chế thị trường, đồng thời tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh than. Tổ chức thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện sản xuất, kinh doanh than và công tác bảo đảm an toàn lao động trong hoạt động sản xuất than; kiểm tra các điểm khai thác, vận chuyển, chế biến, các bãi tập kết, mua bán than nhằm phát hiện và xử lý kịp thời tình trạng sản xuất, kinh doanh than trái phép và vi phạm về kỹ thuật an toàn trong sản xuất than”- Chỉ thị 29 nêu rõ.

Với những nội dung mang tính tổng kết thực tiễn sâu sắc, hy vọng Chỉ thị 29 sẽ là “cây gậy” pháp lý quan trọng trong quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh than và đáp ứng đủ, ổn định dài hạn than cho các nhà máy nhiệt điện than phục vụ thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng của đất nước trong thời gian tới.

Quang Lộc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nan-dong-vang-den-bao-dam-dau-vao-an-ninh-nang-luong-129466.html