Nắn dòng vốn FDI vào dự án hạ tầng giao thông lớn

Sẽ cần thêm những đòn bẩy chính sách để có thể khơi mở dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các dự án hạ tầng giao thông lớn như đường cao tốc Bắc - Nam, Sân bay Long Thành...

Cú hích cảng biển

Sau 4 tháng kể từ khi đón chuyến tàu đầu tiên vào làm hàng (tháng 5/2018), Dự án Cảng cửa ngõ quốc tế quốc tế Hải Phòng (Hợp phần B) - xây dựng bến container số 1, số 2 có tổng mức đầu tư khoảng 321 triệu USD đã bắt đầu thu hút ngày càng nhiều hãng tàu quốc tế lớn vào khai thác.

Đây là sản phẩm của Công ty TNHH Cảng container quốc tế Hải Phòng (HICT) - liên doanh giữa Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, Công ty TNHH Mitsui O.S.K Lines (Nhật Bản), Công ty Wan Hai Lines (Đài Loan, Trung Quốc) và Tập đoàn Itochu (Nhật Bản).

Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng là cảng nước sâu đầu tiên của Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, có khả năng tiếp nhận tàu container sức chở 14.000 TEU, tàu tổng hợp có trọng tải đến 160.000 DWT làm hàng. Từ cảng liên doanh này, hàng hóa xuất nhập khẩu của khu vực phía Bắc có thể chuyển thẳng tới các quốc gia ở khu vực châu Âu, châu Mỹ trên các tàu mẹ, thay vì phải trung chuyển qua một cảng khác như trước đây.

Cần phải nói thêm rằng, Dự án của HICT có thể coi là một trong những điển hình trong thu hút đầu tư vào hạ tầng cảng biển - lĩnh vực được đánh giá là dẫn đầu trong thu hút vốn FDI của ngành giao thông - vận tải (GTVT).

Ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, sự tham gia đầu tư của các tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực vận tải và điều hành khai thác cảng biển hàng đầu thế giới như Hutchison, PSA, DP World, SSA, Maersk A/S, CMA - CGM… vào các liên doanh cảng biển, đặc biệt là tại cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, đã làm thay đổi bộ mặt cảng biển Việt Nam.

“Đây là nền tảng rất thuận lợi để cảng biển Việt Nam trở thành một mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn hàng hải, đồng thời qua đó tăng cường thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài tham gia hoạt động đầu tư tại Việt Nam”, ông Đông cho biết.

Ngoài cảng biển, một lĩnh vực khác cũng là điểm sáng trong thu hút vốn FDI của ngành GTVT trong những năm qua là logistics. Mặc dù lĩnh vực này hiện vẫn bị khống chế về tỷ lệ vốn đầu tư nước ngoài tham gia ở tất cả các chuyên ngành: đường bộ, vận tải biển nội địa, vận tải hàng không dao động từ 49% đến 51%. Song do tính hấp dẫn về yếu tố thương mại và cạnh tranh cao, nên thị trường logistics Việt Nam vẫn thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư.

Sự góp mặt của các nhà đầu tư nước ngoài đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch… trong các liên doanh logistics lớn là một trong những yếu tố then chốt giúp cải thiện Chỉ số hiệu quả dịch vụ logistics (LPI - Logistics Performance Index) của Việt Nam từ vị trí thứ 64/160 năm 2016 lên vị trí thứ 39/160 nước vào năm 2018 (Khảo sát của Ngân hàng Thế giới).

Xóa vùng trắng FDI

Cảng biển và logistics hiện là những lĩnh vực hiếm hoi đạt được thành công trong việc gọi vốn đầu tư FDI vào lĩnh vực GTVT. Các lĩnh vực hiện bị xếp vào “vùng trắng” FDI trong ngành GTVT gồm có: hạ tầng đường bộ, đường sắt, cảng hàng không, đường thủy nội địa, trong số này, đáng tiếc nhất là các dự án đường bộ - lĩnh vực có nhu cầu vốn rất lớn, nhưng đang chủ yếu được đầu tư bởi vốn ngân sách và các nhà đầu tư tư nhân trong nước.

Cảng biển và logistics hiện là những lĩnh vực hiếm hoi đạt được thành công trong việc gọi vốn đầu tư FDI vào lĩnh vực GTVT.

Theo Bộ GTVT, vốn FDI vào đường bộ thể hiện qua một số mô hình cụ thể, gồm: nhà đầu tư nước ngoài bỏ vốn đầu tư và trực tiếp tham gia quản lý, khai thác thương mại sau khi dự án hoàn thành (BOT, PPP); mua lại quyền khai thác các tuyến đường đang được khai thác; hoặc mua lại vốn của doanh nghiệp trong nước để đầu tư, khai thác thương mại.

Với cả 3 hình thức trên, tại các dự án hạ tầng đường bộ Việt Nam đều đã từng được các nhà đầu tư nước ngoài “dạm ngõ”, như Nexco (Nhật Bản) đề xuất làm BOT Dự án cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ; IL&FS (Ấn Độ) muốn mua 70% cổ phần tại Dự án BOT cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; Vinci (Pháp) đề xuất mua quyền thu phí đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình… Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa có dự án nào được trao thầu hoặc ký hợp đồng để triển khai.

Trong lĩnh vực đường sắt, một số nhà đầu tư đến từ Nga, Séc đề nghị hợp tác với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam để thành lập liên doanh sản xuất đầu máy, toa xe, nhưng không thành công do thị trường trong nước còn nhỏ hẹp, khả năng xuất khẩu hạn chế.

“Các dự án hạ tầng giao thông đều đòi hỏi vốn lớn, thời gian hoàn vốn kéo dài, trong khi chúng ta chưa có hệ thống pháp luật đầy đủ, chính sách khuyến khích đầu tư thích đáng, nên khó hút vốn FDI”, lãnh đạo Bộ GTVT giải thích.

Theo Bộ GTVT, đây là những nút thắt cần sớm giải quyết để có thể khơi dòng vốn FDI vào các dự án hạ tầng quy mô lớn, có tính chất đòn bẩy như Dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam với 8 hợp phần PPP có tổng mức đầu tư khoảng 5 tỷ USD; Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn I - 5,45 tỷ USD; Dự án Đường sắt cao tốc Bắc - Nam - 58 tỷ USD…

“Cùng với việc sớm xây dựng luật đầu tư theo hình thức PPP, việc xây dựng cơ chế chia sẻ rủi ro có tính khả thi, hình thành quỹ hỗ trợ của nhà nước và đảm bảo tính công khai, minh bạch… là chìa khóa để mở van cho dòng vốn FDI chảy mạnh hơn vào lĩnh vực giao thông”, lãnh đạo Bộ GTVT chia sẻ.

Anh Minh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/nan-dong-von-fdi-vao-du-an-ha-tang-giao-thong-lon-d88733.html