'Nắn gân' ban tổ chức!

Sự cố 'bẻ còi' trận Viettel - B. Bình Dương khiến nhiều người liên tưởng đến trận Đà Nẵng - Đồng Tâm Long An mùa 2008 nhưng với tôi thì bản chất của hai sự cố này khác nhau.

Vụ “bẻ còi” 2008, trọng Tài Nguyễn Xuân Hòa sau đó đã tự trọng giã từ nghiệp cầm còi khi được hứa hẹn sẽ đăng ký FIFA. Khi bỏ chiếc áo trọng tài, ông bình tâm kể lại mình bị áp lực của những người ngồi ghế quan chức tác động trực tiếp khiến không còn là chính mình. Sau đó khi bị kỷ luật thì ông ngậm ngùi thấy mình rất cô đơn và quyết định chia tay với nghề bạc.

Vụ “bẻ còi” 2008, trọng Tài Nguyễn Xuân Hòa sau đó đã tự trọng giã từ nghiệp cầm còi khi được hứa hẹn sẽ đăng ký FIFA. Khi bỏ chiếc áo trọng tài, ông bình tâm kể lại mình bị áp lực của những người ngồi ghế quan chức tác động trực tiếp khiến không còn là chính mình. Sau đó khi bị kỷ luật thì ông ngậm ngùi thấy mình rất cô đơn và quyết định chia tay với nghề bạc.

Vụ “bẻ còi” mới đây trên sân Hàng Đẫy thì khác. Trọng tài Vũ chẳng bị áp lực từ quan chức xuống sân can thiệp nhưng được chính các trợ lý tư vấn tình huống sai (sau khi đã thành bàn) và ông Vũ sửa sai trong trạng thái hoảng loạn vì bị cầu thủ, quan chức đội bóng tranh cãi, xỉ vả…

Về luật, dù trọng tài công nhận bàn thắng nhưng bóng chưa vào cuộc (giao bóng) thì trọng tài có quyền thay đổi quyết định.

Rõ ràng là trọng tài Vũ đã không thể kiểm soát được mình và cũng không được sự trợ giúp cần thiết từ các trợ lý của mình. Cho đến khi đã có bàn thắng rồi (lại là bàn thắng cực kỳ quan trọng đối với cả hai đội và nhiều đội đang tranh chấp tránh xuống hạng) thì mọi cái lại trở nên rối rắm.

Trọng tài Xuân Hòa từng “bẻ còi” và tự trọng xin giải nghệ. Ảnh: Tư liệu

Cá nhân tôi tin chắc các thành viên trong ban huấn luyện đội khách B. Bình Dương đều hiểu luật và đặc biệt là hiểu tình huống phạm lỗi của Hồ Sỹ Giáp (B. Bình Dương) với Bùi Tiến Dũng (Viettel) nhưng việc trọng tài chỉ tay cho B. Bình Dương hưởng quả đá phạt thì họ cho đấy là “lợi thế”. Và từ “lợi thế” đó, B. Bình Dương tổ chức tấn công rồi ăn bàn. Đến khi trọng tài được chỉ ra cái sai và thay đổi quyết định thì họ cãi vã đòi quyền lợi dựa trên phần “lợi thế” của mình.

Và tôi cũng chắc chắn rằng nếu trọng tài Vũ công nhận bàn thắng cho B. Bình Dương thì ông sẽ đón nhận sự phản ứng từ các cầu thủ Viettel nhiều hơn cả các cầu thủ và lãnh đạo đội khách đã làm.

Từng được dự thính một buổi khai giảng lớp trọng tài do FIFA tổ chức tại TP.HCM vào những năm 1990, tôi đã nghe giảng viên FIFA Balasumaniam nhắn nhủ với các trọng tài Việt Nam rằng “Khi ra sân, chỉ có các bạn mới cứu được mình chứ đừng trông chờ vào ông nào hay quan chức nào hết!”.

Qua sự kiện “bẻ còi” của trọng tài Vũ, tôi có hỏi rất nhiều cựu trọng tài có kinh nghiệm rằng “Nếu là anh, trong tình huống của trọng tài Vũ thì anh xử lý thế nào?”. Hầu hết đều trả lời buộc phải sửa sai thành đúng như trọng tài Vũ đã làm nhưng không đồng tình với việc để xảy ra sự việc đã rồi (nhận định sai hoặc chỉ sai hướng) trôi qua hàng loạt tình huống mới sửa vì thế là tự giết mình.

Tôi cũng trao đổi với một thành viên từng có vai vế ở đội Bình Dương rằng nếu là ông vẫn làm việc ở đội bóng cũ thì có tranh cãi làm ầm ĩ sau một bàn thắng mà trọng tài sửa sai như vừa qua hay không. Thành viên này trả lời: “Tôi đảm bảo với anh cả 10 người thì cả 10 đều tranh cãi dù biết trọng tài sửa sai là đúng!”.

Sự kiện trên chắc những người làm bóng đá lâu năm không thể quên trận bán kết mùa giải 1990 giữa Đà Nẵng và Hải quan trên sân Chi Lăng. Trận đấu mà đội Hải quan ghi bàn ấn định 3-2 nhưng phía Đà Nẵng kiện vì cho rằng cầu thủ Hải quan vào sân không đúng. Kết quả là ban tổ chức hủy trận đấu đấy, bắt hai đội phải đá lại (!?). Sau này chính HLV đội Đà Nẵng khi ấy là ông Vũ Văn Tư cười khà khà bật mí: “Đà Nẵng thua bàn đấy là đúng rồi nhưng tôi cứ cãi, cứ kiện để “nắn gân” ban tổ chức xem họ xử lý thế nào. Hóa ra họ sợ Đà Nẵng…”.

NGUYỄN NGUYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/the-thao/nan-gan-ban-to-chuc-859724.html