Nan giải 'cuộc chiến' giữ rừng nơi đại ngàn Kbang (Bài cuối: áp lực giữ rừng đè nặng)

Khi rừng vẫn là “miếng ngon” của lâm tặc thì nhiều vấn đề bất cập trong công tác quản lý, bảo vệ rừng cũng dần hiện ra. Dù hàng loạt vụ việc được phát hiện, nhiều đối tượng bị xử lý nhưng “máu rừng” vẫn chảy. Bên cạnh đó, ngoài thủ đoạn khai thác lâm sản trái phép ngày càng tinh vi, lâm tặc giờ đây cũng lắm “chiêu trò” gây áp lực lên những người quản lý, bảo vệ rừng tại đây. Thế nên, bài toán giữ rừng nơi đây vẫn còn lắm nan giải!

Khu vực rừng của Cty LN Đăk Roong bị chính cán bộ bảo vệ rừng của Cty phá để... cản đường lâm tặc.

Khu vực rừng của Cty LN Đăk Roong bị chính cán bộ bảo vệ rừng của Cty phá để... cản đường lâm tặc.

Phá rừng để… cản lâm tặc!

Đó là câu chuyện đáng buồn hy hữu xảy ra tại địa bàn H. Kbang khi 3 cán bộ, nhân viên quản lý bảo vệ rừng đã vướng vào vòng lao lý. Dù sự việc xác định việc làm này đều không hề có vụ lợi và mục đích để ngăn chặn các đối tượng “mượn đường” để vận chuyển lâm sản trái phép.

Theo kết luận của cơ quan CA, tháng 8-2018, 3 cán bộ của Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Roong, gồm: Lâm Quốc Trung, Đồng Anh Tuấn và Đậu Minh Giang nắm được thông tin có một số đối tượng lâm tặc sẽ vận chuyển gỗ từ đường Lũng Lô đi Bãi Cháy (qua lâm phần giáp ranh của Cty và đơn vị khác quản lý). Tuy nhiên, thay vì báo lãnh đạo hoặc cơ quan chức năng, 3 người này đã lo sợ bị liên đới trách nhiệm khi các đối tượng sẽ vận chuyển lâm sản trái phép qua lâm phần được giao quản lý.

Dưới áp lực cộng thêm tâm lý lo sợ trách nhiệm, cả ba đã thuê người vào dùng cưa máy đốn hạ những cây gỗ không có giá trị dọc trên tuyến đường để ngăn chặn lâm tặc vận chuyển gỗ ra khỏi rừng. Tổng cộng đã có 28 cây gỗ giẻ, trâm tía, chua khét, thạch đảm đã bị đốn hạ với tổng khối lượng gỗ tròn thiệt hại là hơn 23m3. Dù đây là những cây gỗ có giá trị thấp nhưng hành vi của 3 cán bộ quản lý bảo vệ rừng đã bị CQĐT CAH Kbang khởi tố về hành vi “Vi phạm quy định về khai thác bảo vệ rừng và lâm sản”.

Không chỉ manh động, dùng mọi thủ đoạn để khai thác rừng trái phép, các đối tượng lâm tặc hoạt động ngày càng tinh vi và gây đủ áp lực lên những người có chức trách ở địa phương này. Ông Trần Văn Trị- Giám đốc Cty LN Lơ Ku, cho hay: “Chỉ riêng trên địa bàn xã đã có đến 4 nhóm đối tượng lâm tặc, chúng hoạt động tinh vi, canh rình đủ đường. Mình chỉ cần ra khỏi lâm trường, đi đâu chúng đều theo dõi. Còn anh em trẻ thì chúng lôi kéo, hăm dọa để anh em buông lỏng quản lý để cho chúng hoạt động. Thế nên, nhiều anh em trẻ không chịu được áp lực, trong số đó có người thì móc nối với lâm tặc, số thì nghỉ việc bởi đồng lương quá thấp lại còn bị đe dọa đến tính mạng”.

Không chỉ thế, một số đối tượng lâm tặc còn chiêu trò hơn đấy chính là phá hoại. Một cán bộ ngành lâm nghiệp trên địa bàn H. Kbang chia sẻ: “Nếu anh làm lơ để lâm tặc hoạt động thì mất rừng, bị xử lý thậm chí là hình sự nhưng nếu anh tìm cách ngăn chặn chúng sẽ đe dọa. Thậm chí, chúng lợi dụng đêm tối vào rừng hạ cây nơi anh được giao quản lý, bảo vệ. Sau đó thản nhiên báo chính quyền thế là anh bị kỷ luật, có khi mất cả việc. Chúng còn ngang nhiên gửi các clip, hình ảnh cưa hạ cây rừng cho lãnh đạo tỉnh để “tố cáo”. Điều đó đã xảy ra ở đây khiến áp lực này chồng áp lực khác”.

“Bọn mày coi chừng tao nha. Tao mà gặp được thì chết chắc”- bút tích của lâm tặc để lại trên tấm gỗ hương khai thác trái phép tại lâm phần của Cty LN Krông Pa.

Loay hoay “bài toán” giữ rừng

Theo báo cáo của Hạt kiểm lâm H. Kbang, 6 tháng đầu năm 2019 số vụ vi phạm lâm luật trên địa bàn giảm 28 vụ so với cùng kỳ năm 2018 (44/72 vụ). Tuy nhiên, số vụ vi phạm khai thác lâm sản trái phép tăng gần 50% với 21 vụ (tăng 10 vụ so với cùng kỳ). Trong đó, có 9 vụ xử lý hình sự (tăng 6 vụ so với cùng kỳ năm trước). Điều đó, có thể thấy sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng trong việc xử lý các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Đặc biệt, là hành vi khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Tuy nhiên, điều đó cũng thể hiện việc các đối tượng lâm tặc vẫn “có đất sống”, bất chấp nhiều đối tượng lâm tặc đã bị khởi tố, bắt giữ.

Cũng trong 6 tháng đầu năm 2019, Hạt kiểm lâm đã phối hợp với các ngành chức năng, UBND các xã, thị trấn và các đơn vị chủ rừng tiến hành kiểm tra địa bàn các xã, các tuyến đường né các trạm cửa rừng... Qua đó, đã phát hiện 21 vụ khai thác rừng trái phép, lâm sản tạm giữ hơn 79,4m3 gỗ tròn, xẻ từ nhóm I đến nhóm VIII. Nhiều nhất xảy ra tại lâm phần của các Cty LN Sơ Pai (5 vụ), Trạm Lập (5 vụ), Cty LN Krông Pa 7 vụ...

Ông Trương Thanh Hà- Hạt trưởng Hạt kiểm lâm H. Kbang, đánh giá: Vẫn còn một số cán bộ bảo vệ rừng chuyên trách của chủ rừng còn thiếu tinh thần trách nhiệm, chưa thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn kịp thời, để xảy ra tình trạng khai thác, mua bán, vận chuyển và phá rừng trái phép. Thậm chí, một số cán bộ bảo vệ rừng báo cáo không đúng sự thật, che giấu vi phạm xảy ra trên lâm phần được phân công bảo vệ. Bên cạnh đó, tình trạng đưa phương tiện, công cụ, cưa xăng, xe máy, xe độ chế vào rừng trái phép vẫn còn xảy ra ở các địa bàn nhưng hầu hết các địa phương, các chủ rừng chưa kịp thời phát hiện, xử lý.

Còn ông Võ Văn Phán- Chủ tịch UBND H. Kbang cũng thừa nhận những khó khăn trong công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn. “Giải pháp sắp tới thì rất nhiều khó khăn, chỉ có việc tăng cường tuần tra thường xuyên liên tục và phải có Đội bảo vệ rừng chuyên nghiệp của Cty đủ mạnh mới có khả năng ngăn chặn”, ông Phán nói. Đồng thời, ông Phán cũng kiến nghị: “Tôi muốn làm sao Trung ương, tỉnh nghiên cứu có chính sách bảo vệ rừng để người dân hưởng lợi, “để rừng nuôi dân, dân nuôi rừng”.

Theo ông Phán, phải làm sao để người dân được hưởng lợi thực sự, người dân có đủ nguồn thu để nuôi sống, chỉ cần được một nửa trong thu nhập người ta. Đồng thời, phải nhanh chóng có cơ chế ở một số nơi có điều kiện phù hợp để người dân được phép trồng dược liệu dưới tán rừng. Với mô hình đó, người dân vừa kiểm tra, bảo vệ rừng vừa có sản phẩm thu để đảm bảo cuộc sống.

M.TÂN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/65_208291_nan-giai-cuoc-chien-giu-rung-noi-dai-ngan-kbang-bai-cuoi-ap-luc-giu-rung-de-nang-.aspx