Nan giải tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp

Mặc dù số học sinh (HS) tốt nghiệp lớp 9 tăng hơn 22.000 so với năm học 2017 – 2018, nhưng đến thời điểm này, một số trung tâm giáo dục thường xuyên – nghề nghiệp mới tuyển sinh (TS) đạt 50% chỉ tiêu được giao, thậm chí có nơi chỉ 30%.

Chỉ tuyển được 50% kế hoạch

Ngày 22/8, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2018 – 2019 giáo dục thường xuyên – chuyên nghiệp (GDTX – CN). Phó Trưởng phòng GDTX - CN, Sở GD&ĐT Trần Thị Thu Hương cho biết, việc TS loại hình bổ túc văn hóa ngày một khó khăn, nhất là các quận nội thành và các địa phương có nhiều trường ngoài công lập. Biên chế ít, chất lượng hoạt động ở một vài trung tâm chưa toàn diện; Chất lượng đầu vào của học viên cũng thấp, cơ sở vật chất còn khó khăn, trong khi định mức ngân sách đối với GDTX thấp.

 Hướng dẫn học sinh học nghề tại trường Đào tạo nghề Hà Nội. Ảnh: Hải Linh

Hướng dẫn học sinh học nghề tại trường Đào tạo nghề Hà Nội. Ảnh: Hải Linh

Thông tin về công tác TS của các trung tâm giáo dục nghề nghiệp (GDNN) – GDTX, Trưởng phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT Phạm Quốc Toản thông tin: Hiện nay, khối GDTX tuyển sinh vào lớp 10 được 6.721 học viên, so với chỉ tiêu được giao là 8.500 thì vẫn còn thiếu 1.800. Các địa bàn như huyện Ứng Hòa, một số HS theo gia đình di dân về những nơi đô thị hóa, nên trung tâm GDNN - GDTX tuyển được ít HS. Những khu vực như Mỹ Đức, Ba Đình, Cầu Giấy mới chỉ tuyển được chưa đến 50% chỉ tiêu. Khu vực quận Đống Đa, Thanh Xuân đông HS, nhưng hiện tại cũng chỉ tuyển được 30%.
Phát huy thế mạnh của từng trung tâm
Nhìn nhận về thực trạng này, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Văn Đại cho rằng, các trung tâm cần "xem lại mình" bởi chất lượng đào tạo chưa tương xứng. Theo ông Đại, với tỷ lệ học viên trung tâm GDNN - GDTX đỗ tốt nghiệp THPT đạt tới 96,94% cho thấy, chất lượng đào tạo không kém các trường phổ thông. Các trường ngoài công lập thu học phí cao, nhưng tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT cũng chỉ ngang với GDNN - GDTX có mức học phí chỉ 100.000 đồng/HS/tháng.

Trong năm học 2018 – 2019, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ tiếp tục chỉ đạo tăng cường quản lý nhà nước đối với các trung tâm ngoài nhà trường (ngoại ngữ, tin học, bồi dưỡng kỹ năng, đào tạo, bồi dưỡng chuyên ngành ngắn hạn, tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học). Đồng thời, tăng cường rà soát, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với các tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động giáo dục. Đặc biệt, đẩy mạnh thanh, kiểm tra nhằm ngăn chặn, chấn chỉnh kịp thời những sai phạm trong tổ chức đào tạo, liên kết đào tạo, kiểm tra cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, kinh doanh dịch vụ tư vấn du học, kiên quyết xử nghiêm các trường hợp vi phạm.

Trong năm học 2018 – 2019, các trung tâm GDNN - GDTX cần tổ chức lại hoạt động theo 3 hướng, dạy văn hóa, dạy nghề phổ thông, đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Theo đó, trung tâm nào mạnh mảng nào thì tập trung phát triển mảng đó để thu hút HS. Bên cạnh đó, phối hợp với các trường cao đẳng, trung cấp dạy song song hai bằng (văn hóa, nghề) cho HS.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý và hoạt động của GDNN - GDTX, năm học này sẽ đa dạng hóa các chương trình, nội dung dạy học, chú trọng phát triển các chương trình bồi dưỡng ngắn hạn, giáo dục khởi nghiệp. 100% trung tâm GDNN - GDTX triển khai ổn định phần mềm sổ điểm điện tử. Cùng với đó, Sở GD&ĐT quản lý chặt hoạt động của trung tâm GDNN - GDTX. Đồng thời, chỉ đạo việc kiểm tra, đánh giá, cho điểm học viên đảm bảo nghiêm túc, thực chất, chính xác, khách quan, công bằng, đúng quy chế. “Sở GD&ĐT đang giao các phòng, ban nghiên cứu quy mô, sự phát triển trung tâm GDNN - GDTX trong thời kỳ mới. Qua đó, xây dựng phương án tối ưu và sẽ báo cáo TP hỗ trợ các trung tâm trong những năm tới giúp cho hoạt động đi vào quy củ” – ông Phạm Văn Đại thông tin.

Thủy Trúc

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/nan-giai-tuyen-sinh-giao-duc-nghe-nghiep-323638.html