Nạn khủng bố gia tăng tại Indonesia: Nỗi lo còn đó

Những ngày gần đây, an ninh tại Indonesia liên tục được đặt trong tình trạng báo động cao vì nguy cơ tấn công khủng bố, đặc biệt là sau vụ đánh bom liều chết trên đảo Sulawesi vào cuối tháng 3 vừa qua. Nhiều chiến dịch truy quét đã được tiến hành, song nỗi lo đất nước Hồi giáo này sẽ trở thành 'thánh địa' của các tổ chức cực đoan vẫn còn đó.

Indonesia đã tiến hành nhiều đợt truy quét khủng bố trong thời gian gần đây.

Nhiều báo cáo phân tích an ninh nhận định, sau khi bị đánh bại ở Iraq và Syria, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) có xu hướng đi tìm địa bàn hoạt động mới, trong đó Indonesia - quốc gia có đông người theo đạo Hồi nhất thế giới - được coi là một điểm “nóng” tại Đông Nam Á.

Mới đây, người phát ngôn Cảnh sát quốc gia Indonesia Poengky Indarti cho biết, kể từ năm 2018 đến nay, biệt đội chống khủng bố Densus 88 đã bắt giữ 1.173 nghi can khủng bố trên lãnh thổ nước này. Các vụ bắt giữ với số lượng nghi can lớn được thực hiện trong chiến dịch truy quét trước những sự kiện như: Bầu cử năm 2018, 2019 và 2021, Đại hội thể thao châu Á 2018 ở thủ đô Jakarta, Hội nghị của Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) tại Bali.

Theo bà Sidney Jones, Giám đốc Viện Phân tích chính sách xung đột (IPAC) có trụ sở tại Jakarta, kể từ năm 2000, Indonesia đã trở thành mục tiêu tấn công của các tổ chức khủng bố. Những tổ chức này tích cực tuyên truyền chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, thúc đẩy ngày càng nhiều đối tượng đơn lẻ gây ra các vụ tấn công đẫm máu, khiến giới chức nước này rất vất vả để ngăn chặn. Hơn 1.000 người Indonesia đã rời bỏ đất nước để gia nhập IS. Trong đó, việc các thành viên trong gia đình cùng thực hiện hành vi khủng bố đang là xu hướng mới đáng quan ngại ở Indonesia và khu vực Đông Nam Á. Một phần nguyên nhân là do họ bị ảnh hưởng bởi những lời tuyên truyền của IS về việc lý tưởng hóa khái niệm nuôi dạy con trong một nhà nước Hồi giáo thuần túy.

Bằng chứng mới nhất là câu chuyện về một cặp vợ chồng thực hiện đánh bom tại nhà thờ Công giáo ở Makassar, thuộc tỉnh Nam Sulawesi, miền Trung Indonesia, khiến 20 người bị thương. Đây là vụ tấn công khủng bố thứ 3 do một gia đình Indonesia tiến hành trong những năm gần đây. Trước đó, tháng 5-2018, một gia đình người Indonesia gồm vợ chồng và 4 người con đã thực hiện đánh bom tại một loạt nhà thờ ở thành phố Javanese (Surabya) làm 28 người thiệt mạng. Gần một năm sau, Ulfa Handayani Saleh và chồng là Rullie Rian Zeke, đều là người Indonesia, đã đánh bom một nhà thờ ở Jolo, miền Nam Philippines, làm 23 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương.

Bên cạnh đó, các tổ chức khủng bố và cực đoan liên tục thay đổi mánh khóe để gây quỹ hoạt động. Cuối năm ngoái, Cảnh sát quốc gia Indonesia đã phát hiện hơn 20.000 thùng quyên góp từ thiện tại 12 khu vực trên cả nước được sử dụng để huy động quỹ tài trợ cho các hoạt động của nhóm khủng bố Jaamah Islamiyah (JI) có liên hệ với IS. Những thùng từ thiện này được ngụy trang theo nhiều cách trong các cửa hàng tiện lợi trên khắp cả nước.

Lâu nay, JI vẫn được cho là lực lượng chủ chốt để triển khai kế hoạch thành lập “đế chế vệ tinh” của IS. Nhóm này, ngoài việc tuyên thệ trung thành với IS, cũng học tập cách thu hút tài chính từ nhiều nguồn như: Núp bóng các doanh nghiệp hợp pháp, sử dụng mạng xã hội Facebook, Twitter và Whatsapp để tuyên truyền, tìm kiếm thu nhập trực tuyến. Các quỹ không chỉ được sử dụng cho các cuộc tấn công, mà còn dùng để hỗ trợ kinh tế, y tế, giáo dục,... cho gia đình của các tù nhân khủng bố. Chính điều này, đã duy trì và nhân lên lòng trung thành của các thành viên khủng bố cũng như nuôi dưỡng thế hệ thánh chiến mới.

Với cách thức và thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi của các nhóm khủng bố và cực đoan, quốc gia vạn đảo đang đứng trước nhiều thách thức về an ninh để bảo đảm cuộc sống bình yên cho người dân.

Quỳnh Dương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/the-gioi/995758/nan-khung-bo-gia-tang-tai-indonesia-noi-lo-con-do