Nạn nhân của thịnh vượng

Công nhân của các nhà máy sản xuất, sau khi góp phần thúc đẩy sự thịnh vượng ở nhiều thành phố Trung Quốc, giờ trở thành người 'tị nạn' và bị đẩy lùi xa khỏi trung tâm vì không theo kịp sự phát triển.

Công nhân sản xuất đang dần bị đẩy xa khỏi thành phố Thâm Quyến vì không đủ tiền thuê nhà.

Gần nhà máy điện tử khổng lồ Foxconn ở thành phố Thâm Quyến (Trung Quốc) có một ngôi chùa, một sân bóng rổ và một phòng đánh bi-a. Tất cả đều được quản lý bởi ông Jin.

Tới thăm cơ sở của ông Jin vào một buổi trưa hè gần đây, phóng viên Washington Post chứng kiến khu vực chơi bi-a, nơi trước đây thường “hái ra tiền”, nay trống trơn. Những quả bóng được xếp trong chiếc hộp thiếc kim loại cũ.

“Không ai đến chơi nữa” - ông Jin chỉ vào căn phòng trống.

Các công nhân của Foxconn giờ đây không đủ khả năng để sống ở trong khu vực này của Thâm Quyến nữa. Lãnh đạo thành phố đang muốn biến đổi nó từ “trung tâm sản xuất” thành “trung tâm công nghệ cao”, một mô hình Thung lũng Silicon của Trung Quốc.

Ngay lập tức, các căn hộ cũ được xây, sửa thành những căn hộ hiện đại, kiểu dáng đẹp để thu hút tầng lớp trung lưu và những nhân viên trẻ đầy khát vọng. Giá thuê trung bình đã tăng từ 100 đô la Mỹ/tháng lên hơn 250 đô la. Mức giá này trở nên quá đắt đỏ cho các công nhân sản xuất, với mức lương khoảng 600 đô la một tháng, trong đó có những người lắp ráp các sản phẩm điện thoại iPhone.

Nhiều công nhân Foxconn đang bị đẩy xa khỏi Thâm Quyến, thậm chí có người buộc phải từ bỏ công việc để trở về quê nhà. Đó là cuộc đấu tranh của cái cũ so với cái mới trong sự thay đổi rộng lớn hơn trên toàn Trung Quốc.

Trớ trêu là, các công nhân nhà máy, bộ phận từng là xương sống trong sự phát triển công nghiệp thần kỳ của Trung Quốc, hiện đang là nạn nhân của sự thịnh vượng. Họ trở thành những người tị nạn, khi các đô thị mà họ từng góp phần làm cho sung túc giờ đã phát triển mạnh khiến họ không theo kịp, từ Thâm Quyến, Bắc Kinh, tới Thượng Hải và nhiều thành phố lớn khác.

40 năm trước, Thâm Quyến chỉ là một làng chài. Vào năm 1979, nó trở thành “vùng kinh tế đặc biệt” đầu tiên của Trung Quốc với các quy định mới khuyến khích làm ăn theo kiểu thị trường tự do. Các nhà máy và công nhân đã nhanh chóng tràn ngập thành phố. Vào giữa những năm 1990, thành phố có khoảng 3 triệu cư dân. Đến hôm nay, con số đó là gần 20 triệu.

7 triệu công nhân của thành phố phần lớn tập trung ở trong những “ngôi làng đô thị” và các khu phố ổ chuột có từ những năm 1990. Những nơi này giờ đã trở thành mục tiêu chính của các nhà phát triển bất động sản, để tạo ra những chỗ ở mới phù hợp với công nhân công nghệ cao được trả lương tốt hơn.

“Thành phố muốn thu hút tài năng cao cấp, chứ không phải công nhân nhập cư”, Christopher Balding, một nhà kinh tế nói.

Năm ngoái, công ty bất động sản Vanke đã công bố một dự án hàng triệu đô la để xây dựng các làng đô thị gần Foxconn. Nhiều công nhân cho biết họ buộc phải di chuyển khỏi nhà trong vòng một tháng. Một số người đã gửi thư nặc danh, yêu cầu công ty tăng lương để trang trải chi phí.

Đáp lại, Foxconn cho biết họ đã “làm việc với các cơ quan liên quan để giảm thiểu tác động của việc tăng giá thuê nhà lên chi phí sinh hoạt của nhân viên”. Song, tiền lương vẫn giữ nguyên.

Yuan Yanhong là một công nhân làm việc cho Foxconn khoảng 10 năm. Cùng với chồng, cô đến Thâm Quyến vì biết có thể kiếm nhiều tiền hơn so với quê nhà ở Hà Nam, cách đó khoảng 1.000 dặm về phía Bắc. Vợ chồng Yuan không thể mua một căn hộ mới cải tạo và phải thuê khu nhà cũ hai tầng với mái nhà lợp tôn. Tuy nhiên, khu ổ chuột nơi cô trú ngụ cũng sẽ sớm phải nhường chỗ cho một tòa chung cư cao tầng mới. Nếu mất chỗ ở, cô sẽ phải gửi con và cha mẹ mình về quê nhà Hà Nam.

“Chúng tôi rất buồn vì bị ly tán. Tôi muốn con cái lớn lên trong gia đình”, cô buồn bã nói.

Trở lại khu giải trí của ông Jin lúc 6 giờ tối, các bàn bi-a vẫn trống rỗng. Ông hy vọng một số công nhân sẽ tới chơi sau giờ làm việc.

“Những ngày này chỉ còn rất ít người đến” - Jin cho biết.

(Theo Washington Post)

Minh Đăng

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/278442/nan-nhan-cua-thinh-vuong-.html