Nạn nhân thảm họa diệt chủng Holocaust tới Việt Nam

Lần đầu tiên một nạn nhân sống sót sau thảm họa diệt chủng Holocaust có mặt ở Việt Nam để trực tiếp kể câu chuyện của mình.

“Không bao giờ được lãng quên và học lấy bài học hòa bình”, đó là thông điệp của lễ tưởng niệm các nạn nhân trong nạn diệt chủng Holocaust diễn ra hôm 29/3 tại Hà Nội, với sự đồng tổ chức của Ủy ban Hòa bình Việt Nam, Liên hợp quốc tại Việt Nam, Đại sứ quán Israel tại Việt Nam và Đại sứ quán Đức tại Việt Nam.

Tâm điểm của lễ tưởng niệm là buổi trò chuyện của đông đảo khán giả Việt Nam với bà Betty Eppel, nạn nhân Do Thái còn sống sót sau thảm họa Holocaust.

Bà Betty Eppel.

Bà Betty Eppel.

Câu chuyện người trong cuộc

Bà Betty Eppel sinh ngày 19/4/1935 ở Pháp. Gia đình bà sống ở một ngôi làng nhỏ phía Bắc nước Pháp có tên là Valenciennes cho đến tháng 9/1942.

Sau đó, mẹ bà - bà Perla và người em trai 2 tuổi tên Michel bị cảnh sát Pháp cùng cảnh sát mật của Đức bắt giữ, đưa đến trại tập trung Auschiwitz rồi bị sát hại. Mọi chuyện xảy ra khi bà Betty Appel mới chỉ 7 tuổi.

Bà Betty cùng cha, ông Shmuel, và em trai Jacques 5 tuổi đã bí mật vượt biên đến miền Nam nước Pháp. Sau đó, bà Betty cùng em trai được một gia đình Cơ đốc giáo che chở và nuôi dưỡng ở làng Dullin cho đến khi kết thúc chiến tranh.

Bà Betty một mình đến Israel năm 1964 và ở lại Jerusalem. Tại đây, bà kết hôn và có 2 người con.

Trong buổi gặp gỡ với công chúng Việt Nam, bà Betty chia sẻ: “Hôm nay, tôi tin rằng rất quan trọng để nói về những gì đã xảy ra với chúng tôi, bởi chúng tôi là những nhân chứng cuối cùng. Sau khi chúng tôi rời khỏi thế giới này, ai sẽ có thể kể về những điều chúng ta từng trải qua?”

Bà Betty cho biết trong một thời gian dài đã không thể nói về câu chuyện một cách đầy đủ vì những cảm xúc đau buồn. Nhưng khi không còn nhiều bằng chứng và nhân chứng sau thảm kịch, bà cảm thấy cần lên tiếng, truyền đạt câu chuyện của mình với những thế hệ sau. Đó là thông điệp để lịch sử không lặp lại.

Bài học lịch sử

Phát biểu tại sự kiện, Đại sứ Israel tại Việt Nam Yaron Mayer nhận định, sự tham gia tích cực của mọi người vào sự kiện quan trọng này là một phần trong cam kết toàn cầu để loài người không bao giờ quên và có thể rút ra bài học từ chương quá khứ khủng khiếp này trong lịch sử. Đồng thời, nó cũng nhắc nhở các thế hệ tương lai về hiểm họa của hận thù và định kiến. "Đó là cam kết của chúng ta để xây dựng một thế giới của tình anh em và hòa bình”, Đại sứ Israel nói.

Còn theo Đại sứ Đức tại Việt Nam Guido Hildner, Holocaust không chỉ là phần quan trọng trong lịch sử Do Thái mà còn của nước Đức – là sự vi phạm nhân quyền cũng như sự hủy diệt hung ác, là vết đen không thể chối bỏ trong lịch sử...

"Không thể để những nỗi đau như Holocaust tái diễn trong tương lai. Để làm được điều đó, chúng ta luôn phải cảnh giác cao độ và không được quên những bài học liên quan đến Holocaust. Chúng ta cần cầu nguyện, trân trọng và không bao giờ quên”, Đại sứ Guido Hildner chia sẻ.

Thắp nến và trình diễn âm nhạc tưởng niệm các nạn nhân của thảm họa diệt chủng Holocaust.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Hòa bình Việt Nam Trần Đắc Lợi phát biểu: “Là một trong những dân tộc đã trải qua nhiều mất mát trong chiến tranh, nhân dân Việt Nam hiểu, chia sẻ và đồng cảm sâu sắc với những nỗi đau mà các nạn nhân Do Thái đã trải qua, đồng thời hết sức trân quý giá trị của hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc. Để khép lại những trang đau thương, chúng ta cần xây dựng xã hội hòa bình, nhân ái, bao dung, trong đó mọi con người, dân tộc, tôn giáo, quốc gia đều được bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, mọi tranh chấp xung đột được giải quyết bằng biện pháp hòa bình”.

Holocaust là thuật ngữ chỉ nạn diệt chủng Do Thái và các nhóm thiểu số khác do Đức Quốc xã thực hiện ở châu Âu trong Thế chiến thứ II. Hơn 6 triệu người Do Thái đã qua đời trong thảm kịch này.

Liên hợp quốc chọn ngày 27/1 hằng năm là ngày quốc tế tưởng niệm nạn nhân Holocaust.

Phương Anh

Nguồn VTC: https://vtc.vn/nan-nhan-tham-hoa-diet-chung-holocaust-toi-viet-nam-ar761678.html