Nạn nhân và tội đồ

(TNTT&GT) Xem phim Việt Nam, cứ mỗi lần gặp những cảnh nhân vật nói quá nhiều hoặc sáo rỗng, khán giả thường chép miệng: "Đóng dở quá!". Quy kết trách nhiệm như thế liệu có oan cho các diễn viên?

Nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân, giảng viên môn Biên kịch trường ĐH Sân khấu-Điện ảnh TP.HCM, có nói: “Thoại dở mà diễn viên hay, thoại kéo diễn viên xuống. Thoại hay mà diễn viên dở, diễn viên kéo thoại xuống. Còn thoại dở mà diễn viên cũng dở, là thảm họa”. Xét từ góc độ này, ngày nào khán giả truyền hình nước ta cũng phải chứng kiến nhiều “thảm họa”. Đáng chú ý là chẳng thấy ông Nhân nhắc tới trường hợp “thoại hay mà diễn viên cũng hay”. Có lẽ ông quên, hoặc do trường hợp đó quá hiếm? Trách nhiệm của cả ê-kíp Biên kịch là người viết kịch bản phim, bao gồm cả lời thoại, còn diễn viên chỉ là người thể hiện lời thoại. Nhưng khi xem phim gặp phải thoại dở, khán giả sẽ chỉ trích diễn viên đầu tiên như một phản xạ. Công bằng mà nói xem ra cũng tội nghiệp cho diễn viên. Vì căn bệnh lời thoại ngày càng “mất chất” là hậu quả của cả một công nghệ làm phim truyền hình kiểu “mì ăn liền” tại VN hiện nay, với phần lỗi phải quy đều từ nhà biên kịch đến nhà sản xuất. Nhưng nói thế không có nghĩa là diễn viên không phải chịu trách nhiệm. Vì chính sự yếu kém về mặt nghề nghiệp của một số “ngôi sao” đã làm lời thoại trong phim vốn dở về nội dung càng thêm tệ hại về cách thể hiện. Có thể nói trong guồng máy công nghệ làm phim VN hiện nay, các diễn viên vừa là nạn nhân, vừa là tội đồ giết chết thoại phim. Thoại, nghĩa đen là nói trong phim, trong kịch. Nhưng nói chuyện trong phim tất nhiên không thể giống như người ta nói chuyện ngoài đời. Nói đến thoại trong diễn xuất, khái niệm quan trọng nhất mà một diễn viên phải nắm rõ là đài từ. Thuật ngữ “đài từ” trong kỹ thuật biểu diễn có thể hiểu nôm na là cách diễn viên thể hiện lời thoại một cách có cảm xúc trên sân khấu, trên phim. Một diễn viên có đài từ tốt đầu tiên phải nói tròn vành rõ chữ, đúng đặc trưng ngữ âm vùng miền. Ngoài ra còn tùy vào tình huống kịch bản mà kết hợp lời thoại với hành động cơ thể, điệu bộ, nét mặt... để thể hiện cảm xúc. Thầy Nam Anh, giảng viên môn “Tiếng nói sân khấu” của trường ĐH Sân khấu-Điện ảnh TP.HCM, phân tích: “Việc thể hiện thoại trong kịch, trong phim cũng được xem là một hành động diễn xuất, có thể hiểu là diễn xuất bằng lời nói. Vì thế trong lời nói, cách nói phải hàm chứa cảm xúc. Thoại của diễn viên phải gây được ấn tượng cho khán giả bên cạnh việc truyền đạt thông tin”. Cần nhiều hơn sự khổ luyện của diễn viên Một số ít diễn viên có tài thiên bẩm, chỉ cần đứng trước máy quay là có thể thoại tốt, đạo diễn chỉ cần bảo “cứ thoại tự nhiên đi” là xong. Nhưng những diễn viên kiểu này luôn thuộc dạng “hàng rất hiếm”, không phải chỉ ở ta mà ở nước ngoài cũng thế. Còn bình thường, muốn có đài từ tốt, diễn viên cần phải trải qua quá trình khổ luyện rất phức tạp và lâu dài. Đáng buồn thay, hai từ “khổ luyện” lại dường như rất xa lạ trong công nghệ làm phim VN hiện nay. Đặc biệt, với những diễn viên phim truyền hình vốn là “sao” của các lĩnh vực khác như người mẫu, ca sĩ... đá lấn sân sang đóng phim thì thậm chí khái niệm “đài từ” có khi họ cũng không biết nói gì đến việc khổ luyện. Nguyên nhân là họ chưa từng được học hành bài bản. Có người thậm chí chẳng qua một khóa diễn xuất nào nhưng vẫn đều đặn xuất hiện trong phim của một hãng nào đó hay một đạo diễn nào đó vì những lý do khác nhau mà chỉ người trong cuộc mới hiểu. Rồi sau đó, được công nghệ PR, báo chí lăng-xê, họ nhanh chóng trở thành những “diễn viên ngôi sao” trong khi trình độ chuyên môn vẫn là con số không tròn trĩnh. Kỹ thuật đài từ phổ biến nhất hiện nay của các “sao” loại này là công thức “4 chữ ngắt một nhịp”, bất kể thoại trong lúc vui hay lúc buồn. Có người gọi đùa kiểu thoại đều đều, không cảm xúc này là “độc thoại”, tức lời thoại có... chất độc, giết chết cảm xúc của khán giả. Sửa thoại cũng... nhiêu khê Ở Hollywood, các diễn viên ngôi sao thường yêu cầu sửa lời thoại cho phù hợp với cá tính trong diễn xuất của họ. Thoại được sửa lại tất nhiên bao giờ cũng hay hơn thoại cũ. Nghề sửa thoại cho các sao ở kinh đô điện ảnh là một nghề thời thượng “hái ra tiền”. Ngôi sao Julia Roberts đã từng yêu cầu sửa lại toàn bộ lời thoại nhân vật Erin Brockovich do cô thủ vai trong bộ phim cùng tên, theo hướng lược bỏ hết những thuật ngữ luật pháp và chính trị khô cứng, thay bằng ngôn ngữ đời thường và thêm những câu bông đùa theo phong cách vùng Georgia quê cô. Hãng Columbia Pictures đã phải tốn thêm 100.000 USD để chiều lòng “người đàn bà đẹp”. Kết quả, Julia Roberts sau đó đoạt Oscar Nữ diễn viên xuất sắc nhất cho vai diễn này, một phần nhờ những lời thoại tuyệt vời của cô trong phim. Điều đó cho thấy, nếu diễn viên có nghề, chính họ sẽ có khả năng biến những câu thoại bình thường thành xuất sắc. Tại VN, diễn viên cũng tham gia sửa thoại. Nhưng nhiều lúc, thoại sửa rồi còn... tệ hơn lúc chưa sửa. Đã từng có trường hợp, nhà sản xuất vì nhất định muốn giữ một “ngôi sao” là người mẫu trong phim nên đã yêu cầu biên kịch phải bỏ hết những câu thoại ấn tượng và có tính triết lý nhất thuộc phần thoại của cô này. Nguyên do nữ diễn viên, mà chỉ riêng trình độ văn hóa đến nay vẫn còn là một bí mật, không đủ khả năng thể hiện thành công những lời thoại ấy. Kết quả là nhân vật nữ chính trong phim chỉ toàn nói những câu cụt ngủn, nội dung tối giản kiểu như “đi đâu đó”, “ăn cơm chưa”... làm khán giả xem phim nhiều lúc cứ nghĩ nhân vật nữ chính chắc bị... thiểu năng trí tuệ. Trông người lại nghĩ đến ta, lại băn khoăn không biết đến khi nào khán giả VN mới được xem một phim truyền hình với diễn viên hay, lời thoại tốt mang thương hiệu Việt? * Diễn viên Trần Bảo Sơn Theo tôi thì lời thoại hay hay dở phụ thuộc chủ yếu vào kịch bản phim, do cách dẫn dắt của người viết kịch bản mà câu chuyện sẽ lôi cuốn, chân thật hay chỉ đi lòng vòng và sáo rỗng. Một phần nữa tất nhiên cũng có phụ thuộc vào diễn xuất và sự linh hoạt của người diễn viên nữa. Chẳng hạn như tôi, biết mình chỉ là “tay ngang”, chưa có nhiều kinh nghiệm nên thường chịu khó xem phim để học hỏi và rút kinh nghiệm từ các đồng nghiệp. Bao giờ trước khi đóng một phân cảnh nào, tôi cũng đọc rất kỹ lời thoại, nếu cảm thấy có phần thoại nào chưa hợp lý, hoặc không phù hợp với nhân vật và cách biểu cảm của bản thân mình, tôi sẽ thẳng thắn góp ý với đạo diễn. Cũng không phải là yêu cầu thay đổi lời thoại gì cả, chỉ là góp ý chỉnh sửa lời thoại dài hơn hoặc ngắn lại sao cho thực tế nhất với cảnh phim đó và giọng của mình. Đôi khi cũng cùng câu thoại đó, ý đó, nhưng qua cách nói của từng diễn viên sẽ tạo nên sự khác biệt. * Diễn viên Trịnh Kim Chi Tôi nghĩ nếu đổ lỗi lời thoại sáo rỗng và dài dòng là do diễn viên là không đúng. Vì diễn viên làm gì cũng phải phụ thuộc vào kịch bản và sự chỉ đạo của đạo diễn. Có những đạo diễn khăng khăng bắt diễn viên phải nói chính xác câu thoại đã in trong kịch bản, không được sai một chữ, mà giọng văn trong kịch bản là của người biên kịch, làm sao giống tuyệt đối với giọng điệu của người diễn viên được, dẫn đến tình trạng lời thoại xa rời thực tế là vậy. Những diễn viên có kinh nghiệm và uy tín thì còn linh hoạt chỉnh sửa câu chữ hoặc góp ý với đạo diễn. Nhưng các em trẻ mới vào nghề thường có tâm lý sợ bị cho là ta đây, sợ bị... ghét, nên nhất mực nghe theo lời đạo diễn cho yên ổn. Nhiều khi cũng do căng thẳng diễn xuất quá nên không kịp xử lý linh hoạt lời thoại cho thực tế hơn. Diễn viên của ta không dở đâu, nhưng để học thuộc được những lời thoại văn hoa, sáo rỗng đó thực sự cũng... khó lắm đấy!_Đình Phi (ghi) Ý kiến... (Nhân đọc loạt bài Lời thoại phim Việt: Quanh năm vẫn chán - Xem TN TT> từ 23.3.2010) * Đồng ý là nhìn chung vẫn còn nhiều phim Việt chưa thoát khỏi lời thoại mang tính kịch. Nhưng cũng không nên phủ nhận tất cả. Chẳng hạn, tôi thấy phim “Thứ ba học trò” do Đặng Lưu Việt Bảo làm đạo diễn cũng là một phim đáng xem đấy chứ. Tuy nhân vật thầy Nghiêm Tuấn (Đan Trường đóng) lời thoại đôi khi thấy giống như đọc, hơi đều đều một chút, nhưng với vai trò một người thầy, từng câu nói ra cần cân nhắc, thì cũng có thể tạm chấp nhận được. Còn lại, đây là một phim có dàn diễn viên trẻ, diễn xuất sắc và đều tay, từng câu nói và lối diễn đạt tâm lý rất phù hợp với lứa tuổi học sinh. Phim mang giá trị giáo dục lớn, đặc biệt là trong hoàn cảnh bạo lực học đường đang bùng phát như hiện nay. Với một phim như vậy, theo tôi, cần được quan tâm khuyến khích, động viên nhiều hơn để làm nguồn động lực tinh thần cho tác giả có thể ấp ủ, cho ra đời nhiều phim hay hơn nữa trong tương lai, phục vụ tích cực cho cộng đồng xã hội._Nguyễn Thế Hải (Q.Tân Bình, 0908260...) * Chuyện lời thoại trong phim nhạt và rườm rà ai cũng công nhận. Một số giải pháp để nâng cao chất lượng cho lời thoại phim Việt hiện nay theo tôi là đừng nên khoán hết cho nhà đài hoặc nhà sản xuất một năm bắt buộc phải ra bao nhiêu phim, làm vậy họ sẽ chạy theo số lượng mà quên đi chất lượng. Và hằng năm bên cạnh việc có giải nhất cho phim truyền hình hay nhất (giá trị giải phải cao để khuyến khích nhà sản xuất làm tiếp), thì cũng phải có giải "xứng đáng" cho phim tệ nhất để họ không làm phim cẩu thả và hời hợt như vậy nữa._Nguyễn Minh Nhật (Huỳnh Tấn Phát, Q.7, truyentranh...@yahoo.com ) * Tôi rất đồng tình với bài báo viết về thực trạng lời thoại trong phim Việt hiện nay. Xem phim Việt Nam, nhất là các phim của miền Nam lúc nào cũng thấy lời thoại như sáo rỗng, phi thực tế. Ví dụ phòng làm việc của ông giám đốc thì trên bàn lúc nào cũng có họ tên ông giám đốc, chức danh giám đốc... thực tế đâu có vậy. Đâu có công ty nào mà để bảng tên giám đốc ngay trên bàn giám đốc, cùng lắm là cửa phòng để bảng Phòng giám đốc. Còn xưng hô thì thôi khỏi nói, toàn là thưa ông, thưa bà... như văn viết, trong công ty đâu có ai xưng với giám đốc như vậy, toàn thưa anh, chị, chú, bác... chứ đâu có thưa ông giám đốc. Điều đó chứng tỏ các nhà làm phim thiếu kiến thức và kinh nghiệm thực tế trầm trọng!_Thuận (tipicomputer@yahoo.com) Kiều Phong Thư từ, bài vở xin gửi về: vanhoanghethuat@thanhnien.com.vn

Nguồn Thanh Niên: http://www.thanhnien.com.vn/news/pages/201013/20100326104957.aspx