Nạn trộm vỏ ốc bẫy mực ở biển Tây Cà Mau - Bài 2: Dân tốn tiền tỉ sắm 'cu mồi' chống trộm

Nạn trộm, mất vỏ ốc kéo dài, ngư dân đã nghĩ nhiều cách để chống trộm nhưng chưa hiệu quả.

Lo ngại sẽ có ngày tới lượt mình bị trộm vỏ ốc bẫy mực, anh Lê Văn Lặc (ngụ xã Khánh Hội, huyện U Minh, Cà Mau) tìm cách đối phó.

“Tôi đã bỏ biết bao ngày ngồi cưa từng vỏ ốc để làm dấu, lỡ khi bị trộm tôi còn biết đâu là vỏ ốc của mình mà trình báo công an để lấy lại nhưng không ăn thua” - anh Lặc nói.

Đau đầu nghĩ cách

Anh Lặc kể: Ngày 8-4 vừa qua, gia đình anh bị trộm rút mất gần hết các dây ốc, khoảng 3/4 số vỏ ốc bẫy mực, thiệt hại tầm 200 triệu đồng. “Tôi đã kêu người bán nhà để mua lại vỏ ốc mà làm nghề. Nếu lại bị lấy cắp thì tôi tán gia bại sản, nhà cũng không có mà ở” - anh buồn rầu nói.

Gia đình ngư dân Huỳnh Thị Phượng ở cửa biển Đá Bạc, tỉnh Cà Mau phải đóng chiếc “cu mồi” có giá 600 triệu đồng để giữ vỏ ốc bẫy mực. Ảnh: TRẦN VŨ

Ngư dân dùng vỏ ốc để bẫy mực chui vào.

Tại cửa biển Khánh Hội, chị Lư Thị Kiên có cách quản lý bằng việc mua sơn về vẽ trên vỏ ốc cho bốn chiếc tàu hành nghề này. Nhờ nó mà chị thu hồi được số vỏ ốc bị trộm.

Chị Kiên kể: “Tôi sơn toàn bộ vỏ ốc bẫy mực của gia đình và lưu giữ mẫu sơn. Khi tôi tìm được số vỏ ốc, báo công an thì tôi được nhận lại số vỏ ốc nhưng công an không xử lý vì không tìm được bị can trong vụ án”.

Trước đó, vào đêm 20-10-2020, trộm đã vét gần hết vỏ ốc bẫy mực của gia đình chị Kiên với hơn 6.500 vỏ, trị giá khoảng 250 triệu đồng. Mấy ngày sau, chị phát hiện ông Th (một người dân xã Khánh Hội) kêu bán vỏ ốc. Chị xem và phát hiện đó là số vỏ ốc của mình nên hỏi mua. Sau đó, chị trình báo công an đến lập biên bản tạm giữ toàn bộ số vỏ ốc trên.

Nhờ mẫu sơn chị còn lưu giữ nên qua giám định đã xác định được số vỏ ốc ông Th kêu bán chính là của chị Kiên. Tuy nhiên, công an đã ra quyết định không khởi tố vụ án vì tài sản vỏ ốc là “tài sản không giao dịch phổ biến trên thị trường” nên không định giá được.

Chị Kiên khiếu nại quyết liệt đến nhiều cơ quan. Cuối cùng, Công an huyện U Minh cũng đã khởi tố vụ án trộm cắp tài sản vào ngày 12-4-2021.

Thế nhưng đến ngày 11-12-2021, Công an huyện U Minh ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án này vì lý do chưa xác định được bị can, trong khi thời hạn điều tra đã hết.

“Số vỏ ốc đã được chứng minh là của tôi, họ đã giao trả cho tôi. Người bán vỏ ốc là ông Th nhưng công an bảo không xác định được bị can. Ông Th mua của ai thì ông phải biết, phải khai ra chứ. Tôi sẽ tiếp tục khiếu nại” - chị Kiên nói.

Mất vỏ ốc bẫy mực hơn 1,2 tỉ đồng, gia đình bèn đóng một chiếc “cu mồi” hơn 600 triệu đồng để canh giữ thì kẻ trộm đã đóng những chiếc cả tỉ đồng rồi.

Nạn trộm đẻ “cu mồi”

Từ hơn một năm qua, tại vùng biển Tây Cà Mau xuất hiện một phương tiện lạ. Ngư dân gọi là “cu mồi”. Nó là một chiếc tàu nhỏ nhưng có công suất máy rất lớn, có tốc độ chạy trên biển nhanh hơn ca nô 85 mã lực.

Anh Nguyễn Phi Trường, ngư dân nhiều lần bị mất vỏ ốc bẫy mực, nói: “Trước đây chỉ có vài chiếc của những người bí ẩn, sắm ra để đi trộm vỏ ốc của ngư dân. Nay ngư dân tự trang bị những chiếc giống vậy để canh giữ vỏ ốc, rượt đuổi bọn trộm. Mỗi chiếc ít gì cũng 500 triệu đồng. Nó làm ngư dân hao tiền thêm chứ không giúp ích gì cho việc đánh bắt mực”.

Bà Huỳnh Thị Phượng (Ba Phượng), một ngư dân ở cửa biển Đá Bạc, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, nói: “Nhà tôi bị mất vỏ ốc bẫy mực hơn 1,2 tỉ đồng vào cuối năm 2021 nên các con tôi đã đóng một chiếc “cu mồi” hơn 600 triệu đồng. Mà hiện nay tụi trộm đã đóng những chiếc cả tỉ đồng rồi, lại thua họ thôi”.

Lãnh đạo xã Khánh Hội và xã Khánh Bình Tây cho hay địa phương có khoảng 20 chiếc “cu mồi” để chống trộm trên biển.

“Nạn trộm vỏ ốc rất đặc thù, trộm trên biển mênh mông, vào đêm tối. Đối tượng trộm dùng phương tiện chạy nhanh hơn ca nô. Từ đó mà việc bắt trộm rất khó khăn. Ngư dân đã tự trang bị những chiếc “cu mồi” để canh giữ vỏ ốc của mình. Chúng tôi cũng thấy xót cho bà con ngư dân vì tốn thêm quá nhiều tiền. Lực bất tòng tâm, chúng tôi đã báo thường xuyên về tỉnh, kiến nghị mở chuyên án để dẹp nạn trộm vỏ ốc cho ngư dân an tâm làm ăn” - ông Nguyễn Cảnh Hạnh, Phó Chủ tịch xã Khánh Bình Tây, nói.•

Tàu cá của ngư dân Đoàn Văn Vui bị tông chìm ba năm trước do tranh giành ngư trường.

Ngầm phân chia “lãnh địa” trên biển

Trên biển, các nghề ốc bẫy mực, câu kiều xung đột với nghề cào đơn, cào đôi, đẩy te… nên ngư dân ngầm phân chia và giữ các khu vực biển, không cho các tàu khác vào hành nghề.

Ngư dân Lê Văn Tiến ở cửa biển Đá Bạc, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời cho hay: Gia đình có đội tàu sáu, bảy chiếc làm nghề ốc bẫy mực. Gần chục năm qua phải cắt cử tàu canh giữ bãi khai thác của mình 24/24 giờ và chỉ vào bờ khi có bão.

Việc phân định vùng biển dần dà có quy ước rõ ràng, chỉ cần hai tàu cá cắm giữ ở hai đường ranh giới và ngư dân hiểu rõ từng vùng biển là của ai, theo những tọa độ cụ thể.

Anh Tiến khẳng định là cho các loại khai thác không xung khắc với nghề ốc bẫy mực vào vùng biển đánh bắt cá.

Tuy nhiên, việc phân chia vùng biển là tự phát, mạnh được yếu thua nên xảy ra việc tranh giành địa bàn, đánh nhau trên biển đã từng xảy ra.

TRẦN VŨ

Nguồn PLO: https://plo.vn/nan-trom-vo-oc-bay-muc-o-bien-tay-ca-mau-bai-2-dan-ton-tien-ti-sam-cu-moi-chong-trom-post691015.html