Nâng cao chất lượng bản yêu cầu điều tra khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự

Chiều 21/6, VKSND tối cao đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn Ngành tập huấn chuyên đề 'Thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả bản yêu cầu điều tra khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự'. Đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên trung ương đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tối cao dự và chỉ đạo hội nghị.

Đồng chí Bùi Mạnh Cường, Phó Bí thư Ban cán sự đảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an; các đồng chí Kiểm sát viên VKSND tối cao; đại diện lãnh đạo, công chức các đơn vị nghiệp vụ liên quan thuộc VKSND tối cao, VKSND cấp cao, VKS quân sự các cấp, VKSND cấp tỉnh, cấp huyện làm công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử hình sự...

Các đại biểu dự hội nghị

Các đại biểu dự hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND tối cao nêu rõ, trước yêu cầu về cải cách tư pháp và cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, Đảng và Nhà nước ta tiếp tục khẳng định chức năng, nhiệm vụ của VKSND, trong đó yêu cầu tiếp tục tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra.

Một trong các quy định để VKSND thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố, đó là quyền đề ra yêu cầu điều tra và yêu cầu CQĐT, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra tiến hành điều tra để làm rõ tội phạm, người phạm tội.

Đồng chí Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu chỉ đạo

Cùng với đó, các Nghị quyết của Quốc hội như Nghị quyết 37, Nghị quyết 63 cũng yêu cầu Viện kiểm sát phải kiểm sát chặt chẽ các hoạt động điều tra, kịp thời đề ra yêu cầu điều tra để chống bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội, đồng thời chủ động, tích cực đề ra yêu cầu điều tra.

Đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí nêu rõ, thời gian qua, việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đề ra yêu cầu điều tra của VKSND đã có nhiều đổi mới và đạt được những kết quả tích cực hơn. Số vụ án phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng ngày càng giảm, hạn chế số bị can phải đình chỉ điều tra vì không phạm tội hoặc Tòa án tuyên không phạm tội.

Chỉ ra những mặt còn tồn tại, hạn chế liên quan đến công tác này trong thời gian qua, đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí Viện cho rằng, để nâng cao chất lượng, hiệu quả bản yêu cầu điều tra khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự thì Viện kiểm sát các cấp cần chủ động, tích cực đề ra yêu cầu điều tra bảo đảm có căn cứ, sát với nội dung vụ án.

Đồng thời cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, như: Đề cao trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm tra việc xây dựng, ban hành, thực hiện bản yêu cầu điều tra; phân công, bố trí cán bộ giải quyết án phù hợp, có năng lực; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng các nội dung chuyên đề về yêu cầu điều tra; nâng cao năng lực, trình độ, trách nhiệm của Kiểm sát viên đối với việc xây dựng, ban hành, phối hợp thực hiện bản yêu cầu điều tra. Đồng thời, tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa CQĐT và Viện kiểm sát, giữa Điều tra viên và Kiểm sát viên trong việc thực hiện bản yêu cầu điều tra cũng như hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến yêu cầu điều tra.

“Mục đích cuối cùng là làm sao chất lượng, hiệu quả bản yêu cầu điều tra được nâng lên. Kiểm sát viên bảo vệ được mình nhưng đồng thời không xảy ra oan sai, không bỏ lọt tội phạm” - Viện trưởng VKSND tối cao nhấn mạnh.

Đồng chí Lê Đức Xuân, Vụ trưởng Vụ 1 trình bày chuyên đề tại hội nghị

Tại hội nghị, đồng chí Lê Đức Xuân, Vụ trưởng Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án an ninh (Vụ 1) đã tóm tắt nội dung chuyên đề về “Thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả bản yêu cầu điều tra khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự”. Theo đó, nội dung chuyên đề, ngoài phần mở đầu, kết luận, nội dung của chuyên đề được chia làm 3 phần, gồm: Chương 1. Một số vấn đề chung về bản yêu cầu điều tra; Chương 2. Thực trạng xây dựng, ban hành, thực hiện bản yêu cầu điều tra; Chương 3: Những giải pháp nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành, thực hiện bản yêu cầu điều tra.

Đại diện lãnh đạo Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an phát biểu

Tại hội nghị, sau khi nghe ý kiến phát biểu của đơn vị thuộc VKSND tối cao, VKSND một số địa phương và của đại diện lãnh đạo Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an, đồng chí Bùi Mạnh Cường, Phó Bí thư Ban cán sự đảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao đã phát biểu bế mạc hội nghị.

Đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao Bùi Mạnh Cường cho rằng, cùng với những kết quả đạt được thời gian qua, hoạt động của Viện kiểm sát trong giải quyết án hình sự vẫn còn có những tồn tại, hạn chế, trong đó có nguyên nhân từ việc thực hiện không triệt để, đầy đủ quyền hạn và trách nhiệm xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện bản yêu cầu điều tra.

Phó Viện trưởng VKSND tối cao Bùi Mạnh Cường điều hành hội nghị

Nhấn mạnh bản yêu cầu điều tra là một quyền năng, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Kiểm sát viên khi thực hành quyền công tố, đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao cũng cho rằng, cùng với việc bổ sung các ý kiến góp ý, chỉ đạo của đồng chí Viện trưởng tại hội nghị, của các đại biểu, việc tập huấn về chuyên đề chắc chắn sẽ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả bản yêu cầu điều tra trong thời gian tới, từ đó nâng cao chất lượng giải quyết án hình sự trong ngành KSND.

Đắc Thái

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kiem-sat-24h/van-de-su-kien/nang-cao-chat-luong-ban-yeu-cau-dieu-tra-khi-thuc-hanh-quyen-cong-to-trong-giai-doan-dieu-tra-vu-an-hinh-su-71741.html