Nâng cao chất lượng các phiên giải trình

Từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021 đến nay, việc tổ chức các phiên giải trình là một trong những hoạt động nổi bật của HĐND thành phố Hà Nội và các quận, huyện, thị xã trực thuộc. Qua đó tạo sự chuyển biến rõ nét trong công tác quản lý, điều hành của chính quyền các cấp. Để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, cơ quan dân cử các cấp thành phố đều xác định tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng các phiên giải trình...

Đại biểu HĐND thành phố Hà Nội chất vấn tại phiên giải trình về cung cấp nước sạch cho người dân được tổ chức tháng 9-2019.

Nhiều chuyển biến tích cực

Sau 6 phiên giải trình của Thường trực HĐND thành phố Hà Nội từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021 đến nay, nhiều cử tri ghi nhận sự thay đổi tích cực của chính quyền các cấp trên nhiều lĩnh vực.

Cử tri Nguyễn Hồng Cường (phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy) cho biết, qua theo dõi có thể thấy, tại các phiên giải trình, các đại biểu không chỉ chất vấn thành viên UBND thành phố mà còn chất vấn cả chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn, qua đó giúp cử tri giám sát cán bộ lãnh đạo thực thi nhiệm vụ trong từng lĩnh vực phụ trách...

Về nội dung trên, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà cho biết, số lượt đại biểu nêu câu hỏi, ý kiến yêu cầu giải trình tăng qua các phiên giải trình. Cụ thể, phiên giải trình tháng 3-2019 về công tác quản lý trật tự xây dựng có 17 lượt đại biểu chất vấn; phiên giải trình tháng 9-2019 về cung cấp nước sạch cho người dân có 18 lượt đại biểu chất vấn; phiên giải trình tháng 11-2019 về công tác quản lý an toàn thực phẩm có 19 lượt đại biểu chất vấn.

“Sau các phiên giải trình, khảo sát của các ban HĐND thành phố về các lĩnh vực cho thấy có sự chuyển biến tích cực. Các vi phạm về trật tự xây dựng giảm; nhiều dự án cung cấp nước sạch cho nhân dân được chỉ đạo thúc đẩy tiến độ nhanh hơn”, bà Phùng Thị Hồng Hà chia sẻ.

Đáng chú ý, hoạt động giải trình cũng được HĐND các quận, huyện, thị xã; các xã, phường, thị trấn thực hiện và tăng qua các năm. Năm 2018, HĐND cấp huyện tổ chức 36 phiên giải trình, cấp xã tổ chức 340 phiên, thì đến năm 2019, HĐND cấp huyện tổ chức 56 phiên, cấp xã tổ chức 346 phiên.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND huyện Phúc Thọ Khuất Thị Thu Tuấn cho biết, từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021 đến nay, HĐND huyện đã tổ chức 4 phiên giải trình về các lĩnh vực, đáng chú ý là về công tác bảo đảm vệ sinh môi trường trên địa bàn huyện; việc thực hiện đánh số, gắn biển số nhà, biển chỉ dẫn công cộng… Sau các phiên giải trình, UBND huyện Phúc Thọ đã chỉ đạo cơ quan chức năng vào cuộc giải quyết các vấn đề còn tồn tại, đến nay đã có chuyển biến tốt.

Hoạt động phù hợp với tình hình mới

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên hoạt động của HĐND các cấp thành phố Hà Nội từ đầu năm 2020 đến nay cũng thay đổi cho phù hợp với tình hình mới. Phó Chủ tịch HĐND huyện Thanh Trì Nguyễn Thị Hằng chia sẻ, theo kế hoạch, đầu năm 2020, Thường trực HĐND huyện tổ chức phiên giải trình về công tác quản lý đất đai, nhưng do dịch Covid-19 nên chưa thể thực hiện được. Tuy nhiên, Thường trực HĐND huyện đã chỉ đạo Ban Kinh tế - Xã hội thực hiện khảo sát kỹ, xây dựng kịch bản để sớm thực hiện phiên giải trình này.

“Năm nay, ngoài công tác quản lý đất đai, Thường trực HĐND huyện Thanh Trì còn tổ chức phiên giải trình về tiến độ thực hiện các tiêu chí hạ tầng giao thông, cây xanh đô thị trên địa bàn huyện để đạt tiêu chí sớm trở thành quận”, bà Nguyễn Thị Hằng cho biết thêm.

Trao đổi về nhiệm vụ trên ở cấp thành phố trong năm 2020, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, Thường trực HĐND thành phố sẽ tổ chức 2 phiên giải trình dự kiến vào tháng 6 và tháng 8 tới đây. Trong đó, phiên giải trình tháng 6-2020 về thực hiện Nghị quyết số 14/2018/NQ-HĐND ngày 6-12-2018 của HĐND thành phố Hà Nội về kết quả giải quyết kiến nghị cử tri; kết quả thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, thông báo kết luận tố cáo đã được chuẩn bị chu đáo. Ban Pháp chế HĐND thành phố đã tham mưu xây dựng kịch bản, khảo sát ghi hình thực tế theo các chủ đề phiên giải trình, qua đó làm cơ sở để đại biểu chất vấn, đồng thời để cử tri theo dõi, giám sát.

Về vấn đề này, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Pháp chế HĐND thành phố Hà Nội Duy Hoàng Dương cho biết: Số vụ việc Ban Pháp chế rà soát rất lớn, với 2.770 kiến nghị của cử tri từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021 đến nay, trong đó có 397 vụ việc liên quan đến các quyết định giải quyết khiếu nại, thông báo kết luận tố cáo đã có hiệu lực pháp luật trên địa bàn thành phố và các vụ việc phức tạp trong diện theo dõi của Thành ủy.

“Chuẩn bị cho phiên giải trình tổ chức trong tháng 6-2020, Ban Pháp chế HĐND thành phố đã tiến hành thẩm tra, giám sát chuyên đề cẩn trọng, kỹ lưỡng, chú trọng các vụ việc phức tạp, tồn đọng; đồng thời thường xuyên đôn đốc các sở, ngành liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã đẩy nhanh tiến độ giải quyết. Qua đó góp phần để phiên giải trình đạt được mục đích đề ra”, ông Duy Hoàng Dương khẳng định.

Việt Tuấn

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/968958/nang-cao-chat-luong-cac-phien-giai-trinh