Nâng cao chất lượng chè xuất khẩu

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đến hết tháng 6-2018, sản lượng chè cả nước đạt hơn 472 nghìn tấn, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, lượng chè xuất khẩu trong bảy tháng qua chỉ ước đạt 67 nghìn tấn, trị giá hơn 109 triệu USD, giảm 12,9% về lượng. Hiện chè Việt chủ yếu xuất khẩu sang Pa-ki-xtan, Nga, Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất, Ðài Loan (Trung Quốc), Phi-li-pin, Trung Quốc, In-đô-nê-xi-a..., trong đó, Pa-ki-xtan là thị trường xuất khẩu chè lớn nhất.

Trên thế giới, Việt Nam là quốc gia sản xuất chè lớn thứ bảy, xuất khẩu chè đứng thứ năm, nhưng chất lượng sản phẩm chỉ ở mức trung bình. Giá bán xuất khẩu của chè Việt so với các nước trong khu vực thuộc dạng thấp nhất, chỉ bằng 60 đến 70% so với sản phẩm cùng loại của các quốc gia khác. Hơn nữa, phần lớn sản lượng chè xuất khẩu của nước ta dưới dạng thô, muốn xuất ngoại vẫn phải "núp" dưới một cái tên khác. Nguyên nhân là do khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ chè còn tồn tại nhiều bất cập. Quá trình canh tác chưa tuân thủ đúng các yêu cầu kỹ thuật vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong khi đó, tình trạng tranh mua, tranh bán nguyên liệu của các nhà máy chế biến, xuất khẩu còn dẫn đến sản xuất và kinh doanh chè thiếu sự ổn định.

Theo dự báo, thị trường chè thế giới đang bão hòa, trong khi sản phẩm chè Việt lại lệ thuộc quá nhiều vào các thị trường xuất khẩu truyền thống. Với những thị trường khó tính như EU, Mỹ, sản lượng xuất khẩu khá khiêm tốn do để thâm nhập vào những thị trường này không phải điều dễ dàng. Vì vậy, muốn tăng sản lượng cũng như giá trị xuất khẩu, ngành chè phải nỗ lực thay đổi tư duy sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó mới có cơ sở tăng giá bán, mở rộng thị trường, từng bước chinh phục các thị trường khó tính.

Để làm được điều đó, theo ý kiến của các chuyên gia, các địa phương cần chia vùng nguyên liệu, gắn sản xuất với chế biến. Trong đó, doanh nghiệp, cụ thể là những nhà máy chế biến chè có trách nhiệm hỗ trợ nông dân về khoa học - kỹ thuật, bảo đảm đầu ra; đồng thời, nỗ lực xây dựng thương hiệu, có sự đầu tư nghiêm túc về mẫu mã, chất lượng và có chiến dịch quảng bá, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm. Về phía người trồng chè, phải tuân thủ những yêu cầu về sản xuất mà nhà máy đưa ra, cam kết cung ứng sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong bối cảnh sản lượng chè xuất khẩu có xu hướng giảm như hiện nay, cung vượt cầu ắt giá sẽ giảm. Do vậy, ngành chè cần có biện pháp khuyến khích tăng tiêu dùng trong nước, đa dạng hóa các sản phẩm vào những phân khúc chè cao cấp như chè hữu cơ, chè đặc sản để nâng cao giá trị gia tăng, bảo đảm thu nhập cho người trồng chè.

MINH HUỆ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/37468302-nang-cao-chat-luong-che-xuat-khau.html