Nâng cao chất lượng chương trình kết nối hàng hóa

Từ nhiều năm nay, TP Hồ Chí Minh là thị trường lớn tiêu thụ hàng hóa của các tỉnh, thành phố phía nam cũng như cả nước. Thông qua Chương trình kết nối hàng hóa hiệu quả mối quan hệ cung cầu giữa các địa phương luôn đạt chất lượng khá tốt, góp phần bình ổn thị trường hàng hóa cho các địa phương.

Mới đây, tại siêu thị Big C An Lạc, quận Bình Tân, Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Tây Ninh và Tập đoàn Central Retail tổ chức tuần lễ quảng bá và diễn đàn kết nối cung cầu trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm mãng cầu và nông sản, thực phẩm an toàn tỉnh Tây Ninh tại thị trường TP Hồ Chí Minh. Ðây là lần đầu sự kiện được tổ chức nhằm giới thiệu, quảng bá các mặt hàng trái cây đặc sản, các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, thế mạnh của tỉnh Tây Ninh, cũng như tăng cường kết nối chuỗi giá trị trong sản xuất, tiêu thụ nông sản và thực phẩm an toàn giữa các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp (DN), hộ sản xuất của tỉnh Tây Ninh với hệ thống bán lẻ hiện đại, giới thiệu tới người tiêu dùng thành phố.

Là địa phương có nhiều tiềm năng trong lĩnh vực nông nghiệp với nhiều loại nông sản nổi tiếng, vị trí địa lý chỉ cách TP Hồ Chí Minh khoảng 100 km, những năm qua, các đặc sản nông nghiệp của Tây Ninh chủ yếu vẫn chỉ loanh quanh ở thị trường trong tỉnh; hoặc chỉ một vài DN, cơ sở kết nối với thị trường thành phố mang tính "tự phát cao" nên hiệu quả không cao. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh, bên cạnh việc tổ chức gian hàng để trực tiếp quảng bá và bán sản phẩm, dịp này, việc các bên tổ chức nhiều hoạt động giao thương, diễn đàn kết nối kinh doanh: Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa hệ thống siêu thị Big C và tỉnh Tây Ninh; Chương trình Diễn đàn kết nối kinh doanh giữa cán bộ thu mua của Big C và khoảng 100 DN, HTX tỉnh Tây Ninh (thuộc các nhóm ngành hàng: sản phẩm tươi sống; sản phẩm chế biến (FMCG); phi thực phẩm (thủ công mỹ nghệ…), để thúc đẩy hơn nữa việc đưa các sản phẩm đặc sản Tây Ninh thâm nhập vào các hệ thống bán lẻ hiện đại của Central Retail và phục vụ thị trường xuất khẩu trong tương lai.

Trước đó, vào đầu tháng 11, hệ thống siêu thị Big C cũng phối hợp UBND tỉnh Ðồng Tháp tổ chức Chương trình kết nối các loại nông sản của tỉnh này đến thị trường của TP Hồ Chí Minh cũng như thị trường cả nước. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ðồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho biết: Chúng tôi kỳ vọng thông qua sự kết nối này sẽ giúp cho các HTX, tổ hợp tác, hội quán, DN, cơ sở, hộ sản xuất,… trên địa bàn tỉnh tiếp cận tốt hơn với thị trường thành phố. Ðây cũng sẽ là mối quan hệ có lợi cho các bên khi các chương trình này diễn ra, người nông dân đã được thông tin tiêu chuẩn, quy cách, phương thức đưa hàng vào hệ thống siêu thị, triển khai chiến lược dài hạn, để từ đó, xây dựng kế hoạch, chiến lược sản xuất, kinh doanh phù hợp.

Có thể khẳng định, bên cạnh vai trò đề ra chính sách, quản lý về mặt Nhà nước, hệ thống các đơn vị bán lẻ lớn tại TP Hồ Chí Minh đóng góp vai trò lớn trong công tác kết nối hàng hóa giữa các địa phương với thị trường thành phố. Theo Sở Công thương thành phố, Chương trình hợp tác thương mại giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố là một trong những nội dung quan trọng của Chương trình hợp tác kinh tế giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố được triển khai từ năm 2012 đến nay. Hiệu quả của hoạt động này ngày càng được mở rộng, hàng hóa dồi dào, phong phú; số lượng địa phương, DN tham gia và hợp đồng mặt hàng cung ứng được các bên ký kết ngày càng nhiều. Sau bảy năm, hơn 2.200 hợp đồng nguyên tắc giữa các đơn vị, DN, địa phương đã được ký kết. Riêng năm 2019, Chương trình kết nối cung-cầu giữa TP Hồ Chí Minh với các địa phương trong cả nước có 45 địa phương tham gia, trong đó có 1.458 DN cung ứng và 883 DN thu mua, gồm 42 đơn vị phân phối hiện đại, 100 DN đầu mối xuất khẩu, 140 nhà hàng đạt chuẩn du lịch, 120 khách sạn chuẩn 3 sao trở lên,… giới thiệu đến các địa phương gần 2.000 mặt hàng của 558 DN. Một đặc điểm dễ nhận thấy trong những năm gần đây, là bên cạnh hàng nông sản, nhiều địa phương còn ra mắt nhiều đặc sản vùng, miền vốn lâu nay vẫn chưa vượt ra khỏi "sân nhà" bởi nhiều lý do khác nhau.

Thời gian qua, tuy hoạt động kết nối đã đạt được những kết quả ban đầu, nhưng theo đánh giá của Sở Công thương TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phố, các hoạt động kết nối vẫn còn nhiều vấn đề cần phải thay đổi và nâng cao chất lượng trong quá trình thực hiện việc kết nối. Trong đó, tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương chưa được khai thác triệt để do thiếu gắn kết đồng bộ trong công tác quy hoạch vùng, phân vùng. Ngoài ra, việc tổ chức hội nghị cung cầu còn cần tính đến mục tiêu tạo điều kiện phát triển sản xuất các mặt hàng nông sản tiềm năng hướng đến xuất khẩu. Thực tế cho thấy, thị trường trong nước đang trở thành nền tảng của nền kinh tế, lượng tiêu thụ hàng hóa ngày càng lớn, doanh thu bán lẻ tăng cao, chứng tỏ sức hút từ thị trường rất lớn. Tuy vậy, giá trị của các loại hàng hóa, trong đó có nông sản sẽ tăng lên nhiều lần nếu các bên có sự kết nối đồng bộ trong quy hoạch, chất lượng sản phẩm, chế biến, logistic,… hướng đến thị trường bên ngoài.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/42713102-nang-cao-chat-luong-chuong-trinh-ket-noi-hang-hoa.html