Nâng cao chất lượng công tác dân vận chính quyền

Những năm qua, tỉnh Thanh Hóa luôn xác định công tác dân vận của chính quyền là một nội dung quan trọng và không thể thiếu trong công tác dân vận của hệ thống chính trị. Do vậy, việc nâng cao chất lượng công tác dân vận chính quyền cơ sở là nhiệm vụ hết sức quan trọng, nhằm nâng cao trách nhiệm phục vụ nhân dân của các cấp chính quyền, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, củng cố mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Cán bộ làm công tác dân vận huyện Quảng Xương xuống cơ sở nắm tình hình đời sống nhân dân. Ảnh: Minh Hiếu

Bám sát chủ đề “Năm dân vận chính quyền”, ngay từ đầu năm cấp ủy, chính quyền các cấp đã xây dựng kế hoạch, triển khai công tác nắm chắc tình hình cơ sở, nhất là việc triển khai công tác dân vận trong giải phóng mặt bằng (GPMB) thực hiện các dự án đầu tư; cải cách thủ tục hành chính; tiếp dân, giải quyết công việc cho tổ chức, công dân và doanh nghiệp; tăng cường kiểm tra, quản lý, nâng cao chất lượng thực hiện chức trách, nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Các cơ quan hành chính Nhà nước và chính quyền các cấp cụ thể hóa kịp thời các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương về công tác dân vận để kịp thời triển khai thực hiện, đặc biệt là Nghị quyết 25 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI); Quyết định 290 của Bộ Chính trị (khóa X); Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong cơ quan hành chính Nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới.

Để thực hiện tốt “Năm dân vận chính quyền” các cơ quan hành chính Nhà nước đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp và phát triển doanh nghiệp, thành lập và vận hành Trung tâm Hành chính công tỉnh và 27 trung tâm hành chính công cấp huyện. Cùng với đó, tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính trong công tác quản lý Nhà nước các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh. Cán bộ, công chức nêu cao trách nhiệm giải quyết công việc, tiếp công dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo. Hệ thống dân vận tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân đẩy mạnh triển khai sản xuất vụ chiêm xuân; GPMB bằng thực hiện các dự án đầu tư ở Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp, các tuyến giao thông trọng điểm; tham gia chế độ bảo hiểm xã hội. Chủ động nắm chắc tình hình cơ sở, tình hình nhân dân, vùng dân tộc, tôn giáo; tình hình công nhân lao động trong các khu kinh tế, cụm công nghiệp tập trung; hoạt động trái pháp luật của tổ chức “Hội thánh đức chúa trời mẹ”, kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, giải quyết, đảm bảo ổn định tình hình cơ sở, không phát sinh điểm nóng, phức tạp. Trong 6 tháng đầu năm 2018, các cơ quan hành chính Nhà nước trong tỉnh đã tiếp 2.197 công dân đến phản ánh, nộp đơn khiếu nại, tố cáo. Nội dung các đơn, thư chủ yếu khiếu nại về các vấn đề liên quan đến đất đai, công tác GPMB, các hành vi vi phạm pháp luật gây ô nhiễm môi trường... Đặc biệt, khi phát sinh điểm nóng, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã tham mưu với Chủ tịch UBND tỉnh và những người đứng đầu chính quyền các địa phương tăng cường tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe ý kiến phản ánh của người dân về những vấn đề bất cập, vướng mắc, bức xúc ở cơ sở, như: Tiếp xúc đối thoại với nhân dân xã Hải Hà, huyện Tĩnh Gia về công tác GPMB thực hiện Dự án Cảng container Long Sơn; đối thoại với các hộ dân xã Hoằng Thanh, huyện Hoằng Hóa về việc di dời bến neo đậu bè, mảng để thực hiện Dự án Du lịch sinh thái biển Hải Tiến...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ở một số địa phương, đơn vị, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng cơ quan, đơn vị nhận thức chưa đầy đủ về vị trí, vai trò công tác dân vận và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở nên chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện. Bên cạnh đó, hoạt động quản lý Nhà nước của chính quyền cơ sở trên một số lĩnh vực còn hạn chế; chỉ đạo, điều hành giải quyết các vấn đề bức xúc, vụ việc nổi cộm phát sinh ở cơ sở chưa kịp thời.

Trong thời gian tới, để tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác dân vận, trọng tâm là công tác dân vận của chính quyền cơ sở, đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, trước hết phải quán triệt các quan điểm của Đảng, Nhà nước về công tác dân vận, các văn bản, nghị quyết, chỉ thị, kết luận hướng dẫn của cấp ủy, chính quyền cơ sở phải cụ thể hóa, sát với tình hình thực tiễn của địa phương. Bên cạnh đó, chính quyền cơ sở, trực tiếp là HĐND, UBND các cấp trong quá trình thực thi nhiệm vụ, chức trách, ban hành các chính sách, cần lấy ý kiến nhân dân theo quy định, được sự đồng tình, hưởng ứng của nhân dân. Mặt khác, phải thường xuyên nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực công tác, ứng xử và đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, công chức. Đồng thời, phải đẩy mạnh cải cách hành chính, loại bỏ những thủ tục hành chính gây phiền hà cho nhân dân. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, giải quyết nhanh, có hiệu quả công việc của tổ chức và công dân. Thực hiện đầy đủ các nội dung công khai, minh bạch theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa chính quyền các cấp với MTTQ và các đoàn thể nhân dân, đẩy mạnh hoạt động giám sát của các tổ chức này đối với cán bộ, công chức Nhà nước. MTTQ và các đoàn thể nhân dân tuyên truyền, động viên hội viên, đoàn viên thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Công tác dân vận phải là một trong những tiêu chí xếp loại thi đua hằng năm của các địa phương, đơn vị. Có chế độ khen thưởng thỏa đáng đối với cán bộ, công chức làm tốt công tác dân vận, được nhân dân yêu mến, tin cậy, đồng thời, có biện pháp xử lý thích đáng đối với những cán bộ, công chức bị nhân dân phản ánh về thái độ cư xử vô cảm với dân hoặc gây khó khăn trong quá trình giải quyết công việc.

Nguyễn Thị Yến (Khoa Dân vận – Trường Chính trị tỉnh)

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/portal/pages/342nzt/new-article.aspx