Nâng cao chất lượng công tác dân vận trong hoạt động hòa giải

Sáng 13-7, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương đã chủ trì Hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành ủy về 'Công tác dân vận trong hoạt động hòa giải ở cơ sở'. Dự ở điểm cầu Thái Nguyên có đồng chí Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Theo báo cáo trình bày tại hội nghị, qua 6 năm thi hành, Luật Hòa giải ở cơ sở đã đi vào nền nếp, là phương thức giải quyết tranh chấp, xung đột trong đời sống nhân dân một cách nhân văn, ít tốn kém, mang lại hiệu quả bền vững. Trong giai đoạn 2014-2019, các tổ hòa giải cơ sở trên cả nước đã hòa giải 875.312 vụ, việc, tỷ lệ thành công đạt 80,9%. Nhiều vụ, việc không phải đưa ra giải quyết tại cơ quan Nhà nước đã tiết kiệm thời gian, công sức, tiền của cho nhân dân; giảm tải công việc cho cơ quan tư pháp và giảm bớt gánh nặng chi tiêu cho ngân sách.

Hội nghị đã dành nhiều thời gian để tham luận, chia sẻ kinh nghiệm về công tác hòa giải tại cơ sở. Đồng thời, chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như: Chất lượng đội ngũ hòa giải viên chưa đồng đều; nhiều địa phương chưa bố trí đủ nguồn lực đảm bảo hoạt động hòa giải ở cơ sở…

Để khắc khắc phục tồn tại, hạn chế, Hội nghị xác định 5 nhóm giải pháp trọng tâm thời gian tới. Trong đó tập trung vào việc nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp về vai trò, tầm quan trọng của công tác dân vận trong hoạt động hòa giải ở cơ sở; tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách; tăng cường đổi mới cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị và đa dạng hóa nguồn lực xã hội để thực hiện hòa giải ở cơ sở…

Nhị Hà

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/chinh-tri/nang-cao-chat-luong-cong-tac-dan-van-trong-hoat-dong-hoa-giai-272612-97.html