Nâng cao chất lượng dân số

PTĐT - Sau hơn nửa thế kỷ theo đuổi chính sách giảm sinh, Phú Thọ đã khống chế thành công tốc độ tăng nhanh dân số, duy trì cơ cấu dân số thay đổi tích cực, trong đó số lượng và tỷ trọng dân số phụ thuộc giảm, dân số trong độ tuổi tăng mạnh.

Tuyên truyền về sức khỏe sinh sản cho phụ nữ trong độ tuổi.

PTĐT - Sau hơn nửa thế kỷ theo đuổi chính sách giảm sinh, Phú Thọ đã khống chế thành công tốc độ tăng nhanh dân số, duy trì cơ cấu dân số thay đổi tích cực, trong đó số lượng và tỷ trọng dân số phụ thuộc giảm, dân số trong độ tuổi tăng mạnh. Dân số trong độ tuổi lao động (15-64 tuổi) duy trì ở mức trên 65%. Với cơ cấu dân số lý tưởng đó, Phú Thọ bước vào thời kỳ “dân số vàng” với những cơ hội để tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội trên toàn tỉnh.

Từ một tỉnh có mức sinh cao đứng đầu miền Bắc (năm 1960) với tỷ suất sinh là 45,6%, số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 6,5 con, đến năm 2019 mức sinh trên địa bàn tỉnh đã giảm xuống còn 17,33% với số con trung bình 2,5 con; tỷ lệ tăng tự nhiên dân số giảm từ 3,41% xuống 1,06%;. Dân số toàn tỉnh năm 2019 là hơn 1,4 triệu người.
Kết quả ổn định quy mô và cơ cấu dân số có sự chuyển biến tích cực đã góp phần nâng cao chất lượng dân số của tỉnh. Chất lượng dân số được cải thiện, chỉ số phát triển con người (HDI) đạt mức trung bình của cả nước. Tỷ lệ suy dinh dưỡng và tỷ suất tử vong trẻ em của Phú Thọ thấp hơn mức bình quân chung của cả nước. Đến nay, 73,2% bà mẹ mang thai và 56,4% trẻ sơ sinh toàn tỉnh được tầm soát, chẩn đoán, can thiệp sớm một số bệnh, tật. Tầm vóc thể lực của người dân trong tỉnh được cải thiện. Tuổi thọ trung bình tăng lên 73,4 tuổi (năm 2018).Những năm qua, ngành Dân số tỉnh cũng đã nỗ lực thực hiện các hoạt động nâng cao chất lượng dân số. Đến nay, Đề án chẩn đoán trước sinh và sàng lọc sơ sinh được thực hiện tại 277 xã, phường, thị trấn trong tỉnh; chiến dịch truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ SKSS/KHHGĐ đến vùng có mức sinh cao và vùng khó khăn được đẩy mạnh; 100% trạm y tế xã đều được trang bị phương tiện kỹ thuật làm dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ; 100% trạm y tế xã có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi đã thực hiện được các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ thông thường…

Tuy nhiên, mức sinh trung bình tuy đã giảm nhưng thiếu ổn định và chưa vững chắc, có sự chênh lệch giữa các vùng, địa phương. Số người sinh con thứ 3 trở lên tăng cao từ 6,11% (2010) lên 13,02% (2018). Tuổi thọ bình quân cao nhưng số năm sống khỏe mạnh thấp; tỷ lệ tử vong bà mẹ, trẻ em và suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi tuy đã giảm nhưng còn ở mức cao, tầm vóc, thể lực của người dân chậm được cải thiện. Trong bối cảnh hiện tại, yêu cầu cấp thiết đặt ra là nỗ lực thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TƯ về công tác dân số trong tình hình mới của Hội nghị Trung ương 6, khóa XII: “Tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ Dân số - KHHGĐ sang Dân số và Phát triển. Công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững”. Việc chuyển trọng tâm từ Dân số - KHHGĐ sang Dân số và Phát triển là bước quan trọng để giải quyết toàn diện, đồng bộ và căn bản hơn các vấn đề dân số trong tiến trình phát triển bền vững của tỉnh. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ đã ban hành Kết luận số 15-KL/TU về tiếp tục đẩy mạnh công tác Dân số và Phát triển với phương hướng: Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 47-NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách DS - KHHGĐ; Kế hoạch số 47-KH/TU về thực hiện Nghị Quyết số 21-NQ/TW với mục tiêu giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục nỗ lực giảm mức sinh, tiến tới đạt và duy trì mức sinh thay thế; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số, góp phần vào công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững của tỉnh.Theo ông Nguyễn Việt Phương - Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ: Để xây dựng và thực hiện được chính sách dân số mới mà trọng tâm là “Dân số và Phát triển”, trước hết phải đổi mới tư duy về chính sách dân số. Một trong những giải pháp then chốt, cần đi trước một bước đó là đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, vận động về dân số và phát triển. Nếu như trước đây, chính sách dân số chủ yếu tập trung vào giảm sinh thì hiện tại chính sách dân số mới giải quyết tới 6 vấn đề dân số đang đặt ra với phạm vi rộng lớn và toàn diện. Để thực hiện tốt công tác dân số thời kỳ mới với tầm quan trọng chiến lược với toàn tỉnh, yêu cầu cấp bách đặt ra hiện nay là khẩn trương xây dựng và ban hành chiến lược, pháp luật và chính sách dân số cho giai đoạn mới; tăng cường đầu tư nguồn lực và xây dựng cơ chế quản lý có hiệu quả việc sử dụng kinh phí đầu tư cho công tác dân số và củng cố tổ chức bộ máy làm công tác dân số đủ năng lực quản lý, điều hành.

Huy Lê

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/xa-hoi/201912/nang-cao-chat-luong-dan-so-168480