Nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe

Mới đây, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã quyết định bổ sung và quy hoạch các trung tâm đào tạo lái xe và trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đến hết năm 2018.

Theo đó, cả nước sẽ mở thêm 43 cơ sở đào tạo lái xe, nâng tổng số cơ sở lên 386; mở thêm 36 trung tâm sát hạch lái xe, nâng tổng số lên 155 trung tâm. Ðồng thời, nâng cấp để tăng quy mô, năng lực cũng như chất lượng đào tạo, sát hạch của các trung tâm, cơ sở hiện có. Số lượng cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe nêu trên đã cơ bản đáp ứng nhu cầu của xã hội và người học.

Tuy nhiên, bài toán về chất lượng của các cơ sở, trung tâm đào tạo sát hạch lái xe trên thực tế vẫn còn tồn tại nhiều bất cập từ khâu đào tạo, sát hạch đến việc trang bị kiến thức, trau dồi văn hóa, đạo đức, nghề nghiệp của người lái xe. Quá trình đào tạo lái xe ở các cơ sở đang có hiện tượng cạnh tranh gay gắt, đua nhau giảm giá, gây "loạn" về phí đào tạo, cắt xén chương trình, trong khi chưa được các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Nhiều trung tâm đào tạo lái xe không đủ tiêu chuẩn về hệ thống cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, thiếu hụt số lượng lớn xe tập lái, hoặc sân tập lái không có biển báo, biển báo sai quy định.

Một hiện tượng phổ biến là công tác tuyển sinh tại các cơ sở đào tạo còn thiếu chặt chẽ, thậm chí có phần tùy tiện, học viên thiếu tự giác, nghiêm túc trong việc học, nhiều hồ sơ không có giấy khám sức khỏe, chưa kể có những "đường dây" cấp giấy khám sức khỏe cho cả người khuyết tật, chất lượng giáo viên giảng dạy thấp, cấp bằng không nghiêm túc,…

Theo phản ánh của nhiều giáo viên dạy lái xe tại TP Hồ Chí Minh, trong số gần 70 cơ sở đào tạo trên địa bàn bên cạnh những cơ sở chính quy, khá nghiêm túc trong đào tạo, sát hạch, có không ít cơ sở chỉ hợp thức hồ sơ, hạch toán khống chi phí đào tạo, còn dạy rất qua loa, chỉ luyện tập nhằm thi đỗ chứ không rèn luyện kỹ năng, thao tác lái thực tế. Thậm chí có nghi vấn về tình trạng sát hạch viên khi đi chấm thi đã "đi đêm" với cơ sở đào tạo để "bao" đỗ lý thuyết và "chống trượt" đường trường,...

Trên thực tế, nếu công tác đào tạo, sát hạch bị buông lỏng, chắc chắn chất lượng lái xe đi xuống, ảnh hưởng lớn tới an toàn giao thông. Vì thế, các cơ quan quản lý cần có biện pháp chấn chỉnh, để nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch và cấp bằng lái xe. Theo đó, trong quản lý đào tạo, cần có sự đổi mới theo hướng chặt chẽ hơn, đặc biệt chú ý kiểm tra việc học luật giao thông và đưa thiết bị công nghệ để giám sát thời gian thực hành của lái xe, thông qua áp dụng thiết bị giám sát hành trình, bảo đảm thời gian học thực hành thực tế 84 giờ hoặc hơn 1.000 km theo đúng quy định. Giáo trình giảng dạy cần tăng cường áp dụng công nghệ, liên quan cấu tạo ô-tô cũng như kỹ năng thực hành lái xe. Trong chương trình đào tạo, cần xem xét, bổ sung các tình huống và kỹ năng nhận diện tình huống, kể cả đối với giáo viên; rà soát lại nội dung đào tạo cả lý thuyết lẫn thực hành.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, thời gian sát hạch đường trường hiện nay chỉ có 2 km là quá ít và bài thi còn khá đơn giản. Chưa kể, cần đưa vào giảng dạy lý thuyết và thực hành một số loại hình giao thông mới như: đường cao tốc, hầm đường bộ, cầu vượt khẩu độ lớn, kỹ năng lái xe lên, xuống bến phà. Hàng loạt vụ tai nạn xảy ra vừa qua cũng đặt ra yêu cầu thiết kế mô hình đường sắt cắt ngang đường ô-tô, đường đèo dốc trong sa hình, đi qua những địa hình phức tạp, trong thành phố đông người... để đào tạo kỹ năng cần thiết trên thực tế, từ đó nâng cao bản lĩnh học viên.

XÍCH TÙNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/37316602-nang-cao-chat-luong-dao-tao-sat-hach-lai-xe.html