Nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân nông thôn

Bắt tay vào xây dựng nông thôn mới với nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với sự vào cuộc sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự đồng thuận của nhân dân. Đến nay, bộ mặt nông thôn huyện Hoài Đức đã có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng đời sống văn hóa của người dân nông thôn được nâng lên…

Để có được một diện mạo nông thôn mới với nhiều khởi sắc, đặc biệt với một địa phương có nhiều làng nghề, bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, Ban chỉ đạo nông thôn mới huyện Hoài Đức đã chú trọng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Qua đó, từ năm 2010 đến nay, huyện đã đào tạo được gần 150 lớp đào tạo nghề với các ngành nghề như: Kỹ thuật trồng nấm, kỹ thuật trồng cây ăn quả, hoa cây cảnh, may công nghiệp, tin học văn phòng và kỹ thuật nấu ăn... qua đó, hàng năm giải quyết việc làm cho khoảng trên 1.000 lao động thường xuyên và 2.000 lao động thời vụ.

Diện mạo nông thôn ở Hoài Đức đã có nhiều chuyển biến tích cực từ khi xây dựng nông thôn mới

Diện mạo nông thôn ở Hoài Đức đã có nhiều chuyển biến tích cực từ khi xây dựng nông thôn mới

Song song với việc đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, công tác xóa đói, giảm nghèo luôn được Huyện ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân huyện quan tâm, hiện tốt công tác thăm hỏi, tặng quà các đối tượng chính sách nhân dịp các ngày lễ, tết; làm tốt công tác bảo trợ xã hội, công tác chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới, phòng chống tệ nạn xã hội, với kết quả cụ thể như sau:

Về nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám chữa bệnh và thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, dân số: Năm 2013 huyện mới có 2/19 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế . Đến năm 2015 có 17/19 xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế, tăng 15 xã so với năm 2010. Năm 2018 có 19/19 xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế theo tiêu chí mới. Hiện nay, đã có 19/19 Trạm y tế xã, được trang bị thiết bị phục vụ đủ nhu cầu khám chữa bệnh ban đầu cho nhân dân.

Số lượng cán bộ y tế đã tăng lên nhiều qua các năm qua, đặc biệt là số bác sỹ, dược sỹ đại học, điều dưỡng và kỹ thuật viên y học. Chất lượng nhân lực y tế đã được cải thiện rõ rệt. Đến nay 100% Trạm y tế có bác sỹ, nữ hộ sinh trung học hoặc y sỹ sản nhi; 100% các thôn có cán bộ y tế thôn; tỷ lệ người dân tham gia các hình thức bảo hiểm y tế năm 2010 đạt 37,4%; đến hết năm 2018 tăng lên 88,2%.

Bên cạnh đó, nhờ thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, đến nay đã có 88% số hộ dân đạt danh hiệu gia đình văn hóa; 87,9% danh hiệu thôn, làng văn hóa; 79% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt danh hiệu văn hóa... Đặc biệt, Ban chỉ đạo nông thôn mới huyện đã chỉ đạo các thôn, làng bổ sung việc thực hiện nếp sống mới trong việc cưới, việc tang và lễ hội vào Quy ước, gắn việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, thực hiện quy ước về việc cưới, việc tang và lễ hội với xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, cơ quan văn hóa trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

100% các xã, thị trấn đều thành lập các câu lạc bộ để thu hút đoàn viên, hội viên tham gia sinh hoạt chuyên đề, phổ biến những kiến thức cần thiết về đối nhân xử thế trong quan hệ gia đình, quan hệ cộng đồng, sinh hoạt tín ngưỡng, chăm sóc giáo dục con cái và các biện pháp phòng, chống tệ nạn xã hội.

Thông qua các hoạt động này, giáo dục các thành viên trong các gia đình của cộng đồng tiếp thu các giá trị chân, thiện, mỹ, ngăn ngừa tác động tiêu cực đến tính bền vững của gia đình trong cơ chế thị trường, phát huy truyền thống tốt đẹp tương thân, tương ái, tình làng, nghĩa xóm, bài trừ các hủ tục, thực hiện nếp sống mới ở nông thôn, hướng tới xây dựng “Người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, hình thành môi trường văn hóa lành mạnh; thực hiện tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; những quy định của chính quyền, địa phương, tôn trọng pháp luật…

T.M

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/nang-cao-chat-luong-doi-song-van-hoa-cua-nguoi-dan-nong-thon-100452.html