Nâng cao chất lượng dòng vốn FDI vào Việt Nam

Sau hơn 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài, đến nay vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt gần 350 tỷ USD, bình quân tăng trên 20%/năm, đồng thời là khu vực tăng trưởng cao nhất trong nền kinh tế.

Công ty TNHH Nidec Tosok Việt Nam của nhà đầu tư Nhật Bản đang hoạt động sản xuất các chi tiết cơ khi tại khu chế xuất Tân Thuận, Tp. Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN

Công ty TNHH Nidec Tosok Việt Nam của nhà đầu tư Nhật Bản đang hoạt động sản xuất các chi tiết cơ khi tại khu chế xuất Tân Thuận, Tp. Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN

Tuy nhiên, việc thu hút, quản lý và hoạt động đầu tư nước ngoài vẫn còn những tồn tại, hạn chế và phát sinh những vấn đề mới, mà đã đến lúc chúng ta cần điều chỉnh và rà soát lại cho phù hợp. Để có thêm những nhận định quanh vấn đề này, chiều 6/9, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm "Nâng cao chất lượng dòng vốn FDI vào Việt Nam".

Ngày 20/8/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Đây là một nghị quyết có tầm quan trọng đặc biệt đối với tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của nước ta trong thời kỳ mới.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, ngay từ những ngày đầu mở cửa Đảng, Nhà nước cũng đã có chủ trương mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài để tận dụng tiềm năng lợi thế của họ trong vốn đầu tư, công nghệ… thực tế, các chủ trương của Đảng đã được cụ thể hóa bằng 4 bộ luật quan trọng của đầu tư nước ngoài.

Đó là Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987; Luật Đầu tư nước ngoài năm 1996; Luật Đầu tư chung 2014 và 2015. Thông qua 4 bộ luật đầu tư này, Việt Nam đã tạo được cơ sở pháp lý rất quan trọng trong việc thu hút và xử lý vốn đầu tư nước ngoài. Nguồn vốn đầu tư nước ngoài đã trở thành một luồng vốn quan trọng hỗ trợ cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.

Tuy nhiên, theo nhận định của Thứ trưởng Vũ Đại Thắng, bên cạnh những mặt tích cực, nguồn vốn FDI cũng có những hạn chế nhất định và đặc biệt đến thời điểm này, sau 30 năm, vị thế của đất nước có nhiều thay đổi. Việt Nam có nhiều cơ hội để lựa chọn hơn và bây giờ đã đến thời điểm cần ưu tiên lựa chọn những doanh nghiệp, những dự án phù hợp với chiến lược phát triển về mặt khoa học, công nghệ… Còn đối với những dự án rủi ro về môi trường, xã hội thì cần loại bỏ.

Chính vì vậy, Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị lần này đã đưa ra những định hướng, chủ trương rất quan trọng để thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài trong giai đoạn tới nhằm phát huy hết hiệu quả của nguồn vốn quan trọng này và bên cạnh đó hạn chế những rủi ro mà dòng vốn FDI có thể mang lại.

Đặc biệt, trong Nghị quyết đã có những thay đổi rất quan trọng, đó là dùng từ hợp tác chứ không phải là thu hút và sử dụng nguồn vốn FDI. Chữ “hợp tác” ở đây đã thể hiện sự bình đẳng, và sự chủ động của Việt Nam trong làm việc với các đối tác đầu tư nước ngoài; đặc biệt, đề cao hơn nữa trách nhiệm của các nhà đầu tư nước ngoài khi họ hoạt động ở Việt Nam, Thứ trưởng Thắng chỉ ra.

Các khách mời chia sẻ về những giải pháp nâng cao chất lượng dòng vốn FDI vào Việt Nam tại buổi tọa đàm. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Bày tỏ quan điểm về các nhà đầu tư FDI “núp bóng”, “chuyển giá” , Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng, với định hướng mới, Việt Nam sẽ mở ra một làn sóng thu hút đầu tư mới. Thời gian qua, bên cạnh những tác động rất tốt của thu hút FDI, tuy nhiên, có những điểm còn chưa thành công như: hiệu quả của dòng vốn FDI chưa tương xứng với số lượng của các dự án đầu tư.

“ Mục đích của chúng ta là sự chuyển giao công nghệ, sự lan tỏa công nghệ, liên kết với doanh nghiệp trong nước nhưng những điều này Việt Nam làm chưa được nhiều. Có thể nói, nếu đầu tư FDI không có sự lựa chọn thì sẽ không có sự kết nối được với những doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước; không những thế, còn có hiện tượng chèn lấn doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam", ông Lộc cho biết

“Bên cạnh đó, giá trị gia tăng của các dự án FDI tạo ra cho nền kinh tế của Việt Nam còn tương đối thấp; kết nối không cao… Ngoài ra, còn xuất hiện những doanh nghiệp FDI chuyển giá, gian lận thương mại. Hiện tượng đó, chúng ta cần có những biện pháp rất chuyên nghiệp và quyết liệt để khắc phục trong thời gian tới”, ông Lộc nhấn mạnh.

Đại diện địa phương, Phó Chủ tịch UBND Tp. Hải Phòng, ông Lê Văn Thành cho rằng, nếu chỉ nhìn vào con số để nói doanh nghiệp FDI lấn át doanh nghiệp trong nước thì cũng cần cân nhắc. Thay vào đó, chúng ta cần thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước để đảm bảo tính kết nối, liên thông giữa đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước.

Theo đó, chúng ta cần trực tiếp hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước để các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị của nhà đầu tư nước ngoài. Nghĩa là vừa “kéo”, vừa “đẩy” đối với các doanh nghiệp trong nước.

Tại tọa đàm, các ý kiến chia sẻ đều đồng tình với Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị, định hướng cho việc xây dựng thể chế pháp luật để Việt Nam định hướng một “làn sóng” đầu tư mới của Việt Nam./.

Thúy Hiền/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/nang-cao-chat-luong-dong-von-fdi-vao-viet-nam/133139.html