Nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh nền kinh tế

Ngày 27-10, tiếp tục chương trình làm việc, QH thảo luận tại hội trường, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Thị Kim Ngân và sự điều hành của Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển.

Phó Thủ tướng Vương Ðình Huệ phát biểu ý kiến làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: DUY LINH

QH thảo luận các nội dung về: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020; kế hoạch phát triển KT-XH năm 2019; đánh giá sơ kết 3 năm thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 5 năm giai đoạn 2016-2020; kết quả 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển KT-XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi; việc thực hiện chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.

Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh

Nhiều vấn đề liên quan lĩnh vực y tế được đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) và các đại biểu nêu ý kiến. Các đại biểu đề nghị quan tâm hơn mạng lưới y tế cơ sở - "tuyến đầu", "người gác cổng" của hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu trực tiếp gần dân nhất, là nơi dễ tiếp cận với chi phí thấp, giúp giảm áp lực khám chữa bệnh (KCB) ở tuyến trên. Tuy vậy, từ thực tế hiện nay các trạm y tế chưa tạo được niềm tin đối với người dân, nhiều nơi chưa làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, chưa quan tâm đến công tác dự phòng...

Một số đại biểu cho rằng, việc nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là đối với chất lượng KCB cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, bởi nếu chỉ trông chờ một mình ngành y tế thì rất khó có giải pháp triệt để. Dẫn các số liệu về tổng chi toàn xã hội cho chăm sóc sức khỏe ở nước ta những năm gần đây, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) cho rằng, Chính phủ cần có cơ chế thông thoáng, ổn định để huy động thêm các nguồn lực xã hội cùng chung tay, góp sức vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, thay vì chỉ dựa vào khoản chi thường xuyên cho ngành y tế từ tổng chi ngân sách. Cụ thể, năm 2016, nước ta đã chi 97,6 nghìn tỷ đồng (chiếm 7,67% tổng chi ngân sách) cho toàn ngành y tế. Ðến năm nay, khoản chi này chỉ ước đạt hơn 92,7 nghìn tỷ đồng (chiếm 5,85% tổng chi ngân sách). Ðại biểu này cũng chỉ ra rằng, tỷ trọng ngân sách nhà nước cũng như bảo hiểm y tế đầu tư và chi cho y tế cơ sở còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu...

Giải trình trước QH về một số vấn đề của ngành y tế trong đó có nội dung chất lượng KCB và y tế cơ sở, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, thời gian qua, ngành y tế đã đạt được những kết quả rõ nét. Chỉ số đánh giá gần đây nhất của Cơ quan Phát triển Liên hợp quốc cho thấy mức độ hài lòng của người bệnh sau khi KCB đạt 76%.

Tiếp thu ý kiến các đại biểu QH về những hạn chế, tồn tại của ngành hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, ngành chú trọng ba nội dung cơ bản: Thứ nhất, sẽ xây dựng y tế cơ sở, chăm sóc con người khi đang còn khỏe mạnh, từ nâng cao sức khỏe, chăm sóc sức khỏe ban đầu, dự phòng, kiểm tra, phát hiện bệnh sớm. Thứ hai, khi người dân phải vào bệnh viện thì cần được chăm sóc chu đáo, toàn diện, chất lượng, giảm thời gian nằm viện, giảm lây chéo, tăng cường cơ sở vật chất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật... Thứ ba, quan tâm vấn đề nhân lực, tài chính và cơ sở hạ tầng. Về nội dung này, Bộ trưởng Y tế đề nghị, sắp tới QH thông qua Luật Giáo dục đại học, cần cơ chế đào tạo riêng cho ngành y tế theo hướng đào tạo các bác sĩ có thể hành nghề theo mô hình của quốc tế...

Tăng năng suất lao động, tái cơ cấu kinh tế

Các đại biểu QH đã phân tích, làm rõ những kết quả đạt được và hạn chế, thách thức cần giải quyết từ nay đến cuối năm để hoàn thành các chỉ tiêu phát triển KT-XH năm 2018. Ðồng thời làm rõ hơn các yếu tố tác động và tính bền vững của tăng trưởng kinh tế; giải pháp kiềm chế lạm phát, đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ hiện đại, tăng năng suất lao động.

Nêu bật những điểm nhấn về công tác chỉ đạo, điều hành vừa qua của Chính phủ được đổi mới, hiệu quả, hiệu lực, cải thiện môi trường kinh doanh, tuy nhiên, đại biểu QH Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) và một số đại biểu thẳng thắn chỉ rõ: Chất lượng tăng trưởng còn vấn đề, đó là năng suất lao động tăng chưa nhiều, cơ cấu kinh tế chưa chuyển dịch mạnh, thể chế kinh tế cần tiếp tục hoàn thiện, tình trạng giải thể nhiều doanh nghiệp... Ðại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành cần lưu ý trong thời gian cuối năm cần đánh giá, phân tích, dự báo và đưa ra giải pháp, chính sách kịp thời trước những diễn biến trong nước trước tác động kinh tế của khu vực và trên thế giới.

Các đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh), Nguyễn Thiện Nhân (TP Hồ Chí Minh)... quan tâm cho ý kiến về năng suất lao động của Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế hiện nay. Ðể xử lý bài toán này, theo các đại biểu, cần quan tâm các nhóm yếu tố chi phối năng suất lao động. Ðó là: Nâng cao trình độ công nghệ của sản xuất; xác định mô hình sản xuất phù hợp; đồng bộ ba khâu sản xuất - thiết kế sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và xây dựng thương hiệu. Ngoài ra, thị trường tín dụng phải đủ mạnh, phù hợp các loại hình doanh nghiệp để phục vụ nhu cầu tăng vốn. Cần chú trọng nâng cao trình độ người lao động, đầu tư cho lĩnh vực nghiên cứu khoa học, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước... Thời gian tới Chính phủ cần có các giải pháp quyết liệt hơn trong việc cân đối tỷ trọng các yếu tố tăng năng suất lao động, đầu tư và áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và trình độ quản lý để phát huy có hiệu quả hơn mô hình tăng trưởng.

Một trong những giải pháp được đại biểu đưa ra là phải tiếp tục tái cơ cấu kinh tế, thực hiện việc thu gọn khu vực kinh tế nhà nước, mở dư địa khơi thông nguồn lực để khu vực kinh tế tư nhân phát triển, bảo đảm kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường hiệu quả. Hơn nữa, cần triển khai nhanh chức năng quản lý nhà nước về quản lý các hoạt động sự nghiệp, dịch vụ công của khối giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao và một số ngành liên quan khác nhằm tạo sự chủ động và hoạt động hiệu quả hơn, giảm dần sự bao cấp của Nhà nước... Một số ý kiến đại biểu QH cho rằng Chính phủ cần cơ cấu lại các lĩnh vực: đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu; đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tư nhân, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành, vùng kinh tế.

Chủ động nhận diện thách thức về kinh tế

Trong phiên họp buổi chiều cùng ngày, một số thành viên Chính phủ đã phát biểu giải trình, làm rõ những vấn đề mà các đại biểu nêu. Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh phát biểu giải trình làm rõ hơn những vấn đề đại biểu QH nêu. Bộ trưởng cho biết, thời gian qua, doanh nghiệp trong nước đã có bước cải thiện tích cực, giảm khoảng cách tăng trưởng xuất khẩu so với khu vực đầu tư nước ngoài. Với các chính sách phù hợp của Nhà nước đã tạo sự liên kết giữa khu vực đầu tư nước ngoài với khu vực doanh nghiệp trong nước, đặc biệt hình thành các nhóm chuỗi công nghiệp phụ trợ gắn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài...

Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Chính phủ đồng tình với nhận định của các đại biểu về mục tiêu kép của kinh tế Việt Nam trong thời gian tới: vừa duy trì ổn định, vừa bảo đảm tốc độ phát triển kinh tế vĩ mô. Trả lời những lo ngại của một số đại biểu QH về mục tiêu đạt một triệu doanh nghiệp vào năm 2020, Bộ trưởng dẫn số liệu cho biết: Hiện nay, nước ta có khoảng hơn 700 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động. Ðể hoàn thành mục tiêu nêu trên, trong hai năm tới, Chính phủ sẽ triển khai hỗ trợ đầy đủ các chính sách hỗ trợ theo đúng Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn nữa để các doanh nghiệp dễ tiếp cận các yếu tố đầu vào trong sản xuất; tháo gỡ khó khăn, giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp áp dụng thành tựu khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo; khuyến khích phát triển một số doanh nghiệp lớn trong nước để làm "đầu tàu", tạo sức lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp.

Tham gia phát biểu ý kiến, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Ðình Huệ khẳng định, những năm qua, kinh tế của nước ta đã tăng trưởng toàn diện ở cả ba khu vực: nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Năng suất lao động cũng tăng, với tốc độ tăng đứng hàng đầu trong khu vực, với mức tăng bình quân trong ba năm là 5,62%, vượt xa mức 4,3% của 5 năm trước và vượt chỉ tiêu đặt ra trong nhiệm kỳ này là 5%. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng thẳng thắn nhìn nhận một số vấn đề đặt ra đối với nền kinh tế nước ta hiện nay, đặc biệt là chất lượng tăng trưởng còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu, có nguy cơ trở nên thiếu bền vững nếu không được củng cố đúng chỗ, kịp thời. Chất lượng thể chế, kết cấu kinh tế hạ tầng, nguồn nhân lực... còn nhiều hạn chế. Các chỉ số đổi mới khoa học công nghệ, quản trị còn thấp. Năng suất lao động tuy tăng nhanh nhưng nếu so với các nước trong khu vực thì vẫn chưa cao.

Theo Phó Thủ tướng Vương Ðình Huệ, để từng bước tháo gỡ những hạn chế, vướng mắc nêu trên, thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương của Trung ương về đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả cũng như sức cạnh tranh kinh tế. Phó Thủ tướng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng một chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động và tổ chức thực hiện tốt chương trình này, trong đó đặc biệt chú trọng các nhân tố phát triển thị trường.

Chủ trương về sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế rất đúng, nhưng trong tổ chức thực hiện, nhất là khâu thông tin tuyên truyền, có phần chưa chặt chẽ, đầy đủ. Chúng ta nói chi thường xuyên trong ngân sách tới gần 70%, nhưng nội dung này có 13 nội dung chi, chi cho bộ máy chỉ khoảng 10%. Chúng ta tuyên truyền chưa đầy đủ, làm người dân hiểu bộ máy đang là gánh nặng của ngân sách...

Ðại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình)

Xóa bỏ tình trạng đô-la hóa của thị trường là việc cần làm, ai đổi ngoại tệ ở nơi không được cấp phép phải chịu phạt. Nhưng chúng ta đã giúp người dân nhận diện nơi nào được đổi, nơi nào không được đổi hay chưa? Các mức phạt cũng là vấn đề cần rà soát lại. Mức phạt khi đổi 10 hay 100 USD lại ngang mức phạt khi đổi 1.000 USD, 10.000 USD là điều vô lý.

Ðại biểu Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội)

Xóa bỏ tình trạng đô-la hóa của thị trường là việc cần làm, ai đổi ngoại tệ ở nơi không được cấp phép phải chịu phạt. Nhưng chúng ta đã giúp người dân nhận diện nơi nào được đổi, nơi nào không được đổi hay chưa? Các mức phạt cũng là vấn đề cần rà soát lại. Mức phạt khi đổi 10 hay 100 USD lại ngang mức phạt khi đổi 1.000 USD, 10.000 USD là điều vô lý.

Ðại biểu Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội)

Chủ trương về sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế rất đúng, nhưng trong tổ chức thực hiện, nhất là khâu thông tin tuyên truyền, có phần chưa chặt chẽ, đầy đủ. Chúng ta nói chi thường xuyên trong ngân sách tới gần 70%, nhưng nội dung này có 13 nội dung chi, chi cho bộ máy chỉ khoảng 10%. Chúng ta tuyên truyền chưa đầy đủ, làm người dân hiểu bộ máy đang là gánh nặng của ngân sách...

Ðại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình)

Xóa bỏ tình trạng đô-la hóa của thị trường là việc cần làm, ai đổi ngoại tệ ở nơi không được cấp phép phải chịu phạt. Nhưng chúng ta đã giúp người dân nhận diện nơi nào được đổi, nơi nào không được đổi hay chưa? Các mức phạt cũng là vấn đề cần rà soát lại. Mức phạt khi đổi 10 hay 100 USD lại ngang mức phạt khi đổi 1.000 USD, 10.000 USD là điều vô lý.

Ðại biểu Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội)

Xóa bỏ tình trạng đô-la hóa của thị trường là việc cần làm, ai đổi ngoại tệ ở nơi không được cấp phép phải chịu phạt. Nhưng chúng ta đã giúp người dân nhận diện nơi nào được đổi, nơi nào không được đổi hay chưa? Các mức phạt cũng là vấn đề cần rà soát lại. Mức phạt khi đổi 10 hay 100 USD lại ngang mức phạt khi đổi 1.000 USD, 10.000 USD là điều vô lý.

Ðại biểu Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội)

PV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/38059302-nang-cao-chat-luong-hieu-qua-suc-canh-tranh-nen-kinh-te.html