Nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn DN ngoài khu vực Nhà nước

Làm thế nào để nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước trong bối cảnh Bộ luật Lao động năm 2019 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021 cho phép thành lập 'tổ chức của người lao động' tại doanh nghiệp ngoài tổ chức Công đoàn Việt Nam là nội dung cuộc Hội thảo do Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP Hà Nội tổ chức.

Nhiều thách thức với hoạt động Công đoàn

Khai mạc Hội thảo với chủ đề “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước”, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Nguyễn Phi Thường khẳng định, xây dựng tổ chức công đoàn cơ sở vững mạnh là vấn đề mà tất cả các cấp Công đoàn đều hết sức quan tâm, coi trọng; công đoàn cơ sở có mạnh, thì tổ chức Công đoàn mới mạnh; từ đó mới có đủ vị thế để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ cốt lõi của mình nhất là khi Việt Nam đã hội nhập quốc tế sâu rộng, với nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP, EV FTA) và những cam kết quốc tế.

Bộ luật Lao động 2019 với những thay đổi cơ bản từ năm 2021 cho phép thành lập tổ chức đại diện của người lao động tại doanh nghiệp. Những tổ chức này sẽ không phải thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm chính trị như tổ chức Công đoàn Việt Nam, mà chỉ tập trung chủ yếu vào nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động trong khi tổ chức Công đoàn Việt Nam ngoài chức năng đại diện, bảo vệ còn phải thực hiện nhiệm vụ của một tổ chức chính trị - xã hội nên nguồn lực phân tán, thiếu cơ chế chủ động trong tổ chức, tuyển dụng và sử dụng cán bộ; dẫn đến hệ lụy Công đoàn dễ xa dời công nhân. Nếu không có sự thay đổi sẽ dễ xảy ra “dòng chảy” đoàn viên từ tổ chức Công đoàn sang “tổ chức của người lao động” mới thành lập, ông Nguyễn Phi Thường đặt vấn đề.

Quang cảnh hội thảo

Quang cảnh hội thảo

Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Lê Đình Hùng bày tỏ, việc pháp luật cho phép thành lập "tổ chức của người lao động" tại doanh nghiệp ngoài tổ chức Công đoàn Việt Nam là vấn đề rất mới, chưa có tiền lệ. Sự xuất hiện "tổ chức của người lao động" tại doanh nghiệp ngoài Công đoàn Việt Nam có nguy cơ làm tăng chậm, thậm chí giảm số lượng đoàn viên cũng như số lượng công đoàn cơ sở.

Trong khi đó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra nhanh chóng, tác động sâu sắc đến đời sống, sản xuất, việc làm và phương thức tập hợp người lao động; thị trường lao động và quan hệ lao động sẽ xuất hiện nhiều vấn đề mới, có mặt phức tạp hơn. Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng trên nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức, từng bước thích ứng với các nguyên tắc và chuẩn mực của thị trường toàn cầu. Việc thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và các công ước quốc tế về lao động cũng đặt ra nhiều thách thức đối với tổ chức Công đoàn.

So với yêu cầu phát triển ở nước ta những năm qua, hoạt động của Công đoàn nói chung và hoạt động công đoàn cơ sở nói riêng còn bộc lộ một số mặt hạn chế, chậm đổi mới. Quy mô đoàn viên còn nhỏ lẻ, dẫn đến phân tán, tiêu tốn nhiều nguồn lực trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ ở cơ sở; hầu hết cán bộ công đoàn cơ sở là kiêm nhiệm, thời gian dành cho hoạt động công đoàn còn ít, đặc biệt đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở thay đổi thường xuyên do biến động về việc làm; nội dung và phương thức hoạt động Công đoàn cơ sở nhiều nơi còn dàn trải, thiếu kỹ năng, chưa tập trung trong thực hiện các nhiệm vụ chính của tổ chức Công đoàn là chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên và người lao động.

Bên cạnh đó, công tác phát triển đoàn viên tập trung phần lớn vào việc phát triển đoàn viên mới, chưa dành nhiều sự quan tâm nâng cao chất lượng đoàn viên và công tác quản lý đoàn viên, nên đoàn viên chưa gắn bó chặt chẽ với tổ chức công đoàn cũng như chưa thuyết phục được người lao động tự nguyện tham gia Công đoàn.

Nhiệm vụ cốt lõi là chăm lo, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động

Lấy ví dụ tại quận Long Biên, việc nâng cao năng lực đối thoại, thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả thỏa ước lao động tập thể là một nội dung trọng tâm trong hoạt động Công đoàn từ năm 2016 đến nay. Hiện, 174/215 doanh nghiệp ký thỏa ước lao động tập thể đạt 81%, trong đó có 11 đơn vị chưa có tổ chức Công đoàn. Tại 11 công ty này, LĐLĐ quận đã đại diện người lao động lấy ý kiến của tập thể người lao động, tổng hợp ý kiến và tham gia bằng văn bản về nội quy lao động theo quy định, thành lập tổ thương lượng tập thể thương lượng với người sử dụng lao động tại các công ty về những điều khoản có lợi hơn cũng như đại diện người lao động ký kết thỏa ước lao động tập thể với người sử dụng lao động tại đơn vị, qua đó, giúp nâng cao uy tín của tổ chức công đoàn với người lao động tại doanh nghiệp và tại địa phương.

Ý kiến của cán bộ công đoàn cơ sở tại hội thảo

Từ thực tế trên, bà Phan Thị Thu Hằng, Chủ tịch LĐLĐ quận chỉ rõ, dù hiệu quả đem lại rất lớn nhưng việc đối thoại, thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể vẫn chưa thực sự được cả người sử dụng lao động và người lao động quan tâm, ít nhiều còn hình thức. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến quan hệ lao động tại các doanh nghiệp chưa thực sự ổn định và quyền lợi của người lao động chưa được đảm bảo, nhất là liên quan đến lương, thưởng, chính sách đãi ngộ… Các cấp Công đoàn cần tổ chức nhiều buổi tập huấn, đào tạo chuyên gia thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể... để cả người sử dụng lao động và người lao động thấy rõ vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc chăm lo, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Từ thực tế Công ty TNHH Điện tử Asti Hà Nội - doanh nghiệp nước ngoài 100% vốn đầu tư của Nhật Bản, với tổng số cán bộ công nhân viên là 1.250 người, ông Nguyễn Đức Nhân, Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết, Công đoàn rất chú trọng tới thương lượng tập thể, nhất là thương lượng về lương, thưởng. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, lợi nhuận của doanh nghiệp bị ảnh hưởng, gần như là không có lãi, khiến việc thương lượng về lương, thưởng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, sau rất nhiều cuộc thương lượng, Ban Chấp hành công đoàn cơ sở đã thương lượng thành công, trong đó mức thưởng tăng từ 0,5 lên 1,8. Thành công này thể hiện hiệu quả hoạt động của công đoàn, qua đó, đoàn viên, người lao động Công ty thấy rõ vai trò của Công đoàn trong đại diện, bảo vệ được quyền lợi cho người lao động.

Theo TS Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, cần nghiên cứu lại mô hình tổ chức, bộ máy, biên chế của công đoàn cơ sở, trong đó cần thí điểm thành lập công đoàn cơ sở ghép trong các đơn vị có dưới 25 đoàn viên cũng như nghiên cứu mô hình tổ chức công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp có trên 2.000 lao động; cùng với đào tạo kỹ năng thương lượng, kỹ năng đàm phán, đối thoại, kỹ năng vận động quần chúng cho cán bộ công đoàn cơ sở cần bố trí cán bộ công đoàn chuyên trách tại các doanh nghiệp có từ 2.000 đoàn viên trở lên…

Phó Chủ tịch thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải nhấn mạnh, tổ chức Công đoàn phải thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ cho người lao động, qua đó thu hút, tập hợp được người lao động đến với tổ chức của mình. "Nhiệm vụ của công đoàn cơ sở là phải giữ cho được số đoàn viên, chuẩn bị tâm thế để thu hút, tập hợp và phát triển thêm đoàn viên công đoàn. Do đó, không để công đoàn cơ sở ôm đồm quá nhiều việc, tập trung vào nhiệm vụ chính, trọng yếu là đại diện, bảo vệ quyền lợi cho đoàn viên, người lao động; tập trung triển khai các chương trình như: thương lượng tập thể, phúc lợi đoàn viên…

Mặt khác cũng cần quan tâm đến chế độ, nâng cao kiến thức, kỹ năng đối với cán bộ công đoàn cơ sở... để “giữ chân” họ. Cân nhắc triển khai thêm mô hình hoạt động công đoàn cơ sở. Trong cơ cấu của Ban Chấp hành công đoàn cơ sở, cần có những người có trí tuệ, hiểu biết về hoạt động của đơn vị để tham gia đóng góp với đơn vị, xây dựng chính sách cho đoàn viên, người lao động sẽ hiệu quả hơn", ông Trần Thanh Hải nói./.

Minh Châu

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/xay-dung-dang/nang-cao-chat-luong-hoat-dong-cong-doan-dn-ngoai-khu-vuc-nha-nuoc-579188.html