Nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức công đoàn trong quân đội

Phong trào công nhân và hoạt động công đoàn (PTCN và HĐCĐ) trong quân đội những năm qua đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp phát triển công nghiệp quốc phòng, xây dựng quân đội... Chào mừng Đại hội Công đoàn Quân đội lần thứ IX, Báo Quân đội nhân dân giới thiệu loạt bài viết nêu bật những kết quả đạt được, đồng thời phân tích, làm rõ những thách thức và cơ hội đặt ra trong tổ chức hoạt động và xây dựng các cấp công đoàn ngày càng vững mạnh.

Bài 1: Đổi mới hoạt động, giải quyết hiệu quả việc mới, việc khó

Thời gian qua, tổ chức công đoàn (TCCĐ) trong toàn quân có nhiều cách làm hay, phương pháp sáng tạo, nâng cao hiệu quả hoạt động sát thực tế cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc, giúp đoàn viên công đoàn (ĐVCĐ), người lao động (NLĐ) gắn bó, vươn lên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và bảo đảm ổn định việc làm, đời sống.

Chủ động tham mưu, đổi mới, thích nghi

Theo Thượng tá Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Công đoàn Quốc phòng (CĐQP), Tổng cục Chính trị (TCCT): Thời gian qua, các TCCĐ trong quân đội chịu tác động lớn khi nước ta tham gia ký kết các hiệp định thương mại mới và sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Cùng với đó, yêu cầu sắp xếp, cơ cấu lại các doanh nghiệp cho phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế, nhiệm vụ của quân đội; sự chống phá của các thế lực thù địch, phản động, nhất là âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, “phi chính trị hóa quân đội”... Yêu cầu đặt ra là các TCCĐ trong quân đội phải thực sự chuyển mình, đổi mới, phát huy vai trò trong tham gia sắp xếp lại mô hình tổ chức, đổi mới hình thức, phương pháp hoạt động, để giải quyết những vấn đề cấp thiết, đồng thời thu hút, động viên ĐVCĐ tích cực lao động sản xuất, ổn định đời sống, đồng hành cùng doanh nghiệp.

 Đoàn viên công đoàn Nhà máy Z176, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng sản xuất hàng xuất khẩu. Ảnh: Thu Hằng

Đoàn viên công đoàn Nhà máy Z176, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng sản xuất hàng xuất khẩu. Ảnh: Thu Hằng

Tìm hiểu HĐCĐ ở Quân khu 3, chúng tôi thấy rõ hơn vấn đề này. Đảng ủy Quân khu có chủ trương lãnh đạo; Cục Chính trị Quân khu có hướng dẫn CTĐ, CTCT trong sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp trong quân khu đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Đại tá Nguyễn Huy Hoàng, Phó chủ nhiệm Chính trị Quân khu 3 khẳng định: “TCCĐ ở các doanh nghiệp thoái vốn, cổ phần hóa trong quân khu chú trọng làm tốt công tác giáo dục cho ĐVCĐ, NLĐ hiểu rõ yêu cầu mới, nhiệm vụ mới, để cùng đồng hành, tháo gỡ khó khăn, gắn bó với doanh nghiệp”. Còn ở Nhà máy Z173, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng (CNQP), vào những tháng cuối năm 2017 đầu năm 2018, nhà máy gặp khó khăn khi thực hiện một số nhiệm vụ mới, sản xuất các sản phẩm mới, đã tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến việc làm, đời sống của cán bộ, ĐVCĐ, NLĐ. Một số công nhân có ý định xin chuyển ra, hoặc chuyển đến đơn vị khác... Ban chấp hành công đoàn cơ sở (CĐCS) nhà máy đã đối thoại thẳng thắn với NLĐ, tham mưu với ban giám đốc đề nghị tăng thêm công việc ở các bộ phận không sản xuất sản phẩm truyền thống của nhà máy, như: Cáp điện, làm giá lắp pin mặt trời, để giữ NLĐ ở lại nhà máy, đồng thời quan tâm, chăm lo đời sống, phúc lợi, để phát huy đội ngũ thợ lành nghề, thợ giỏi.

Đại tá Cao Xuân Minh, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đông Hải (Quân khu 7) cho biết: “Nhờ sự tham mưu kịp thời, thường xuyên của TCCĐ, Ban giám đốc công ty thêm sâu sát, quan tâm đến việc làm, thu nhập của NLĐ; luôn gần gũi, động viên, kịp thời nắm tình hình sản xuất, tâm tư nguyện vọng của anh, chị em để có chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo sản xuất kinh doanh phù hợp. Cấp ủy, chỉ huy các cấp trong công ty luôn lắng nghe, tiếp thu, giải quyết kịp thời ý kiến phản ảnh, nguyện vọng chính đáng của NLĐ và TCCĐ”.

Theo đánh giá của lãnh đạo Ban CĐQP: Thời gian qua, CĐCS các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong quân đội đã làm tốt chức năng tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính ủy, chính trị viên và cơ quan chính trị các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo, giải quyết kịp thời những băn khăn, vướng mắc; giải quyết quân số dôi dư; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của ĐVCĐ, NLĐ. TCCĐ trong các doanh nghiệp tích cực tham gia sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa doanh nghiệp theo chủ trương của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng; tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách; ký kết hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho NLĐ; thực hiện tốt Chương trình “Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả thỏa ước lao động tập thể”, do Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI đề ra.

TCCĐ các cấp cũng chủ động, tích cực tuyên truyền, vận động ĐVCĐ nỗ lực học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp; giải quyết những khó khăn vướng mắc của NLĐ khi sắp xếp đổi mới doanh nghiệp; quan tâm bảo đảm chế độ chính sách cho ĐVCĐ, NLĐ theo đúng quy định của pháp luật; giữ chân được đội ngũ công nhân, cán bộ kỹ thuật có chuyên môn giỏi, tay nghề cao…

Đoàn viên công đoàn Nhà máy Z176, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng sản xuất hàng xuất khẩu. Ảnh: Thu Hằng

Thi đua thiết thực, làm chủ khoa học công nghệ

Phong trào thi đua trong cán bộ, đoàn viên, NLĐ luôn được các cấp công đoàn toàn quân đẩy mạnh, góp phần thúc đẩy việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị, khắc phục khâu yếu, mặt yếu, với những nội dung cụ thể, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Thiếu tướng, PGS, TS Phạm Nguyên Sơn, Phó giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết: “Những năm qua, ĐVCĐ trong bệnh viện có nhiều đề tài, sáng kiến đóng góp tích cực vào việc chăm sóc, phục vụ người bệnh”. Khẳng định đó được minh chứng cụ thể, khi vào cuối tháng 2-2018, trong quá trình ghép phổi lấy từ người cho chết não (ca đầu tiên ở nước ta) tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, ĐVCĐ đã tham gia rất tích cực vào các khâu, các bước, làm nên thành công xuất sắc của ca ghép phổi...

Các TCCĐ ở Tổng cục CNQP tích cực tham gia nghiên cứu khoa học công nghệ, có hàng trăm đề tài, hàng nghìn sáng kiến nghiên cứu chế tạo các sản phẩm mới phục vụ chiến đấu và huấn luyện chiến đấu, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm. ĐVCĐ, NLĐ ở nhiều cơ quan, đơn vị phát huy trí tuệ, năng lực công tác, nghiên cứu khoa học, có nhiều sáng kiến, sáng chế, cải tiến kỹ thuật được ứng dụng hiệu quả, giải quyết khó khăn trong sản xuất, sửa chữa và nâng cao hiệu quả sử dụng vũ khí, trang bị kỹ thuật, tiết kiệm cho ngân sách, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh...

Để có đội ngũ ĐVCĐ, NLĐ giỏi, TCCĐ các cấp chủ động tham mưu với cấp ủy, chỉ huy tổ chức tốt Phong trào “Luyện tay nghề, thi thợ giỏi”; mở nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng; chú trọng phát huy kỹ năng tự học, tự rèn để NLĐ làm chủ các máy móc, thiết bị công nghệ có độ chính xác cao; sản xuất, chế thử nhiều phương tiện cơ động hiện đại. Các phong trào thi đua của TCCĐ còn tạo môi trường thuận lợi để cán bộ, ĐVCĐ, NLĐ rèn luyện, cống hiến tài năng, trí tuệ, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, ĐVCĐ, NLĐ trưởng thành về mọi mặt; tự lực, tự cường vươn lên làm chủ khoa học; chiếm lĩnh những đỉnh cao công nghệ tiên tiến, hiện đại, đáp ứng yêu cầu cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Từ năm 2013 đến nay, các TCCĐ trong quân đội đã có 3.135 công trình, sáng kiến và 9.282 đề tài, sản phẩm có giá trị, làm lợi 2.897 tỷ đồng; phong trào “Luyện tay nghề thi thợ giỏi” thu hút đông đảo đoàn viên, CNVC, LĐQP tham gia, trong đó hàng nghìn lượt người được nâng bậc thợ.

ĐĂNG HẰNG

(còn nữa)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/nang-cao-chat-luong-hoat-dong-cua-to-chuc-cong-doan-trong-quan-doi-539415