Nâng cao chất lượng kiểm nghiệm dược phẩm, mỹ phẩm

Cách nào kiểm soát thị trường mỹ phẩm?

(HNM) - Thị trường dược phẩm, mỹ phẩm ngày càng đa dạng về chủng loại, hoạt chất. Thời gian qua, Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Hà Nội đã tăng cường kiểm tra, giám sát và quản lý chất lượng các loại thuốc, mỹ phẩm trên địa bàn thành phố. Qua đó, kịp thời phát hiện các loại sản phẩm giả, kém chất lượng lưu hành trên địa bàn, góp phần bảo đảm sức khỏe cộng đồng.

Kịp thời phát hiện thuốc không đạt chất lượng

Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Hà Nội được thành lập theo Quyết định 4015/QĐ-UBND ngày 6-8-2018 của UBND thành phố Hà Nội trên cơ sở tách bộ phận Kiểm nghiệm Dược phẩm và Mỹ phẩm của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội trước đây thuộc Sở Y tế Hà Nội. Kể từ đó đến nay, song song với việc kiện toàn về công tác tổ chức cán bộ, đơn vị đã duy trì thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chuyên môn theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Riêng về hoạt động lấy mẫu thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe để kiểm tra chất lượng trên thị trường, trung tâm đã thành lập 5 đoàn lấy mẫu kiểm nghiệm, mỗi đoàn 5 người. Việc lấy mẫu kiểm nghiệm đúng quy trình, quy định hiện hành, bảo đảm tính pháp lý, phân loại được cơ sở lấy mẫu theo hướng dẫn của Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) và tình hình thực tế.

Nhân viên Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Hà Nội làm việc bên máy đo phổ hấp thụ hồng ngoại.

Trong 9 tháng của năm 2019, Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Hà Nội đã tiến hành lấy 1.445 mẫu thuốc, mỹ phẩm tại 861 đơn vị, gồm: Bệnh viện trong và ngoài công lập; trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã; trung tâm y tế xã, phường, thị trấn; cơ sở bán buôn, bán lẻ thuốc, dược liệu; doanh nghiệp nhập khẩu; cơ sở sản xuất mỹ phẩm; nhà thuốc; quầy thuốc… để kiểm tra chất lượng. Kết quả đã phát hiện 14 mẫu không đạt tiêu chuẩn chất lượng và 1 mẫu nghi ngờ là thuốc giả và đã báo cáo Sở Y tế Hà Nội theo quy định. Ngoài ra, có 14 mẫu thuốc và các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có số đăng ký, không còn nguyên bao bì đóng gói.

Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ kết quả mẫu thuốc không đạt chất lượng được Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Hà Nội phát hiện, Sở Y tế Hà Nội lập tức có quyết định thu hồi toàn bộ lô thuốc kém chất lượng, đồng thời yêu cầu trong vòng 48 giờ công ty sản xuất, nhập khẩu thuốc gửi thông báo thu hồi tới các cơ sở bán buôn, bán lẻ, sử dụng thuốc trên địa bàn. Mặt khác, công bố công khai thông tin việc thu hồi trên trang thông tin điện tử của ngành và kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc trên địa bàn thực hiện thông báo này.

“Việc sử dụng thuốc kém chất lượng gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người bệnh. Nếu không có các kết quả xét nghiệm, phân tích tại các cơ sở kiểm nghiệm thì thật khó để nhận biết đâu là thuốc giả, thuốc kém chất lượng. Thời gian qua, Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Hà Nội đã góp phần quan trọng trong việc ngăn chặn kịp thời thuốc kém chất lượng, tránh lưu hành rộng rãi trên thị trường”, ông Trần Văn Chung nói.

Tập trung nâng cao năng lực chuyên môn

Hiện, Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Hà Nội đã được tái cấp Giấy chứng nhận ISO/IEC 17025 và Giấy chứng nhận thực hành tốt phòng thí nghiệm (GLP). Bà Nguyễn Thị Thanh Phương, Giám đốc Trung tâm cho biết, đơn vị đã triển khai thực hiện các kỹ thuật cơ bản cũng như các kỹ thuật cao, áp dụng các kỹ thuật tiên tiến vào công tác kiểm nghiệm, việc kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, bảo đảm đúng quy định về tiêu chuẩn chất lượng, tiến hành kiểm nghiệm đầy đủ các tiêu chí của sản phẩm phục vụ đánh giá chất lượng toàn diện theo định hướng của hệ thống kiểm nghiệm.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Thanh Phương, do đơn vị mới được thành lập, cùng với đó là nguồn kinh phí và cơ sở vật chất còn hạn chế nên đã ảnh hưởng ít nhiều đến hoạt động chuyên môn. Thêm vào đó, thời hạn trả lời kết quả kiểm nghiệm một số mẫu thuốc theo quy định còn chậm do trình độ chuyên môn của cán bộ còn chưa được đồng đều, còn thiếu trang thiết bị hoặc thiết bị đã cũ, lạc hậu, các hóa chất, dung môi sử dụng cho kiểm nghiệm chưa được đáp ứng kịp thời…

Từ nay đến cuối năm 2019, trung tâm sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện lấy mẫu kiểm tra chất lượng thuốc, bảo đảm giám sát được chất lượng thuốc trên địa bàn. Qua đó, kịp thời báo cáo các thuốc không đạt chất lượng về các cơ quan quản lý. Đồng thời, trung tâm sẽ tích cực tuyên truyền các chủ trương, các quy định của Nhà nước cũng như các hoạt động của công tác kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm của ngành Y tế, của thành phố Hà Nội nhằm cung cấp thông tin đến các đơn vị sản xuất, phân phối, bán lẻ và người sử dụng.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, bà Nguyễn Thị Thanh Phương cho rằng, cùng với việc thường xuyên bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa kịp thời và kiểm định, hiệu chuẩn các thiết bị phân tích, trung tâm sẽ tập trung nâng cao năng lực cán bộ kiểm nghiệm. Cụ thể, cử cán bộ đi đào tạo, cập nhật kỹ thuật kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học với những đề tài có tính ứng dụng cao, đồng thời mở rộng phổ lấy mẫu phù hợp với điều kiện thực tế của trung tâm. “Chúng tôi mong tiếp tục được đầu tư kinh phí và trang thiết bị, từ đó tạo điều kiện hơn nữa cho trung tâm về mọi mặt để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ trong hoạt động kiểm tra, giám sát và quản lý chất lượng các loại thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm được sản xuất, lưu hành trên địa bàn thành phố”, bà Nguyễn Thị Thanh Phương đề xuất.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doi-song/947674/nang-cao-chat-luong-kiem-nghiem-duoc-pham-my-pham