Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để không mất thị trường lao động

Nhiều thị trường lao động trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức,… mở rộng cửa với lao động Việt Nam với mức thu nhập hấp dẫn. Tuy nhiên, nếu chất lượng nguồn lao động không được cải thiện, người lao động (NLĐ) không chủ động nâng cao trình độ chuyên môn, ý thức kỷ luật, tác phong, NLĐ Việt Nam sẽ đánh mất các thị trường tốt.

Tư thế ngồi, đứng, giao tiếp... của NLĐ Cty TNHH Dịch vụ Quốc tế Sài Gòn được trang bị kỹ - Ảnh: L.T

Thị trường rộng mở nhưng nhân lực vẫn còn hạn chế

Theo thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ LĐTBXH, trong thời gian từ 2006 đến nay, bình quân mỗi năm Việt Nam đưa được khoảng 80.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, chiếm hơn 5% tổng số lao động được giải quyết việc làm hàng năm. Hiện nay có khoảng 500 nghìn lao động VN đang làm việc tại trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, với hơn 30 nhóm ngành nghề khác nhau. Mỗi năm người lao động gửi về cho gia đình khoảng 2 tỉ đôla Mỹ.

Chỉ tính trong 5 tháng đầu năm 2018 có hơn 48.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, tăng gần 9% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, Đài Loan và Nhật Bản là hai thị trường trọng điểm, chiếm khoảng 90% tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài. Riêng thị trường Nhật Bản, 5 tháng đầu năm có khoảng 17.400 lao động Việt Nam được đưa sang làm việc, chiếm hơn 35% tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài. Mức lương của người lao động đi Nhật làm việc khá cao, sau khi trừ chi phí, thu nhập hàng tháng của một người lao động còn khoảng 800- 1.000 đô la Mỹ, nếu tính từ các khoản làm thêm, thu nhập có thể dao động từ 1.500 đến 2.000 đô la Mỹ.

Với mức thu nhập trên, nhiều lao động sau khi về nước đã có cuộc sống tốt hơn. Bên cạnh đó, người lao động còn có cơ hội làm việc với các công ty nước ngoài với ngành nghề phù hợp và mức lương cao nhờ kinh nghiệm và chứng chỉ có được trong thời gian xuất khẩu lao động…

Tuy nhiên, chất lượng nguồn lao động của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Nguồn lao động Việt Nam vẫn chưa đáp ứng tốt yêu cầu ngày càng khắt khe của các thị trường lao động khó tính, nhất là Nhật Bản và châu Âu. Việc cung cấp nguồn lao động chất lượng cao theo đơn đặt hàng của các nước vẫn còn nhiều hạn chế. Vốn ngoại ngữ, đặc biệt là ngoại ngữ mới cũng như kỹ năng mềm đang khiến nhiều lao động trong nước lúng túng khi xuất khẩu sang nước ngoài.

Theo bà Trần Thị Vân Hà - Trưởng phòng truyền thông (Cục quản lý lao động ngoài nước), hạn chế của lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là ý thức chấp hành pháp luật chưa cao, đặc biệt lao động bỏ hợp đồng, trốn ra ngoài làm việc, hết hạn visa cũng không về nước. “Chính điều này đã làm giảm năng lực cạnh tranh của lao động Việt Nam với các nước khác. Bài học nhãn tiền là có thời gian Hàn Quốc không tiếp nhận lao động Việt Nam vì tỷ lệ bỏ trốn quá cao”.

Quan trọng là thái độ của người lao động!

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thời gian qua, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã và đang triển khai các giải pháp như tạo nguồn lao động trình độ cao, mở rộng thị trường tiếp nhận lao động trình độ cao; Kết nối doanh nghiệp xuất khẩu lao động với các trường nghề để tuyển chọn và đào tạo lao động; Giám sát chặt chẽ công tác tuyển chọn, đào tạo lao động của các doanh nghiệp. “Quan trọng là thái độ của NLĐ, bên cạnh chuyên môn, NLĐ cần nâng cao nhận thức của mình về chấp hành quy định của pháp luật của Việt Nam và của nước mình đến làm việc”, bà Vân Hà chia sẻ.

Bà Dương Thị Thu Cúc – Tổng giám đốc Cty TNHH Dịch vụ Quốc tế Sài Gòn (TPHCM), nêu quan điểm: Để nâng cao chất lượng, doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài phải chú trọng chất lượng tuyển chọn đầu vào, cần tư vấn cụ thể, rõ ràng cho NLĐ về công việc, thu nhập, thách thức, áp lực gặp phải khi làm việc… để NLĐ hiểu rõ. Doanh nghiệp phân khúc thị trường lao động để tuyển chọn đối tượng cho phù hợp. Và ở bất kỳ phân khúc nào, NLĐ cũng phải hiểu rõ công việc của mình, có tác phong tích cực, khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ của nước đến làm việc…

“Khi NLĐ trúng tuyển, chúng tôi sẽ đào tạo 6 tháng bao gồm học tiếng Nhật với người bản xứ hoặc những người từng đi làm việc ở Nhật về, chúng tôi dạy các bài hát, dạy pháp luật của Nhật, dạy về cách ứng xử, hoặc đơn giản nhất là phân loại rác thải chúng tôi cũng dạy để NLĐ làm quen. Chúng tôi luôn mở ra những cơ hội cho NLĐ sau khi hết thời gian làm việc ở Nhật như liên kết với các doanh nghiệp Nhật ở Việt Nam để giới thiệu việc làm hoặc làm việc cho chính công ty. Chính điều đó làm cho NLĐ tự tin hơn, cố gắng làm việc và hạn chế được khả năng bỏ trốn”, bà Cúc chia sẻ.

Ths Phạm Thái Sơn (Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP HCM) cho rằng, quan tâm đến lao động về nước cũng là cách nâng cao chất lượng lao động. Ông Sơn viện dẫn số liệu của Viên Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách công bố về chương trình thực tập sinh (TTS) Nhật Bản thì có đến 61% TTS sau khi trở về Việt Nam đã làm những công việc không liên quan đến việc đã làm ở Nhật Bản. Nếu trước khi sang Nhật, tỉ lệ người thất nghiệp trong số thực tập sinh là 5,26% thì sau khi trở về tỉ lệ này tăng lên 11,4%. Trong khi doanh nghiệp Nhật Bản vẫn “khát” nhân lực.

“Tạo việc làm cho NLĐ khi họ trở về nước với thu nhập tốt, công việc phù hợp với kỹ năng họ được học hỏi ở Nhật Bản cũng chính là giải pháp căn cơ để giải quyết vấn đề lao động bỏ trốn”, ông Sơn nói.

Lê An Nhiên

Nguồn Lao Động: https://laodongtre.laodong.vn/giao-duc/nang-cao-chat-luong-nguon-nhan-luc-de-khong-mat-thi-truong-lao-dong-643837.ldo