Nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực nữ

Công tác Vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới (VSTBPN&BĐG) trong quân đội những năm qua được cấp ủy, chỉ huy, cơ quan chính trị các cấp quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả, tạo điều kiện cho phụ nữ được học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tuy nhiên, kết quả thực hiện một số chỉ tiêu còn thấp so với mục tiêu kế hoạch hành động VSTBPN&BĐG giai đoạn 2016-2020 đề ra…

Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Phùng Thị Phú, Trưởng ban Phụ nữ Quân đội, cho biết: "Những năm gần đây, công tác VSTBPN&BĐG trong các cơ quan, đơn vị luôn được cấp ủy, chỉ huy, cơ quan chính trị các cấp quan tâm, tạo điều kiện. Công tác bồi dưỡng, xây dựng, phát triển, quy hoạch đội ngũ cán bộ nữ cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu bước đầu đạt hiệu quả thiết thực. Môi trường làm việc của nữ giới được cải thiện; việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ luôn được các cấp quan tâm, thực hiện tốt".

Theo số liệu của cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng, hiện tỷ lệ cán bộ nữ trong toàn quân đạt 2,67% so với tổng số cán bộ đang công tác (tăng 0,29%; vượt 0,17% so với chỉ tiêu cả giai đoạn 2016-2020). Số cán bộ nữ giữ chức vụ lãnh đạo, chỉ huy, quản lý ở một số cơ quan, đơn vị từng bước được nâng lên; có 3/61 đầu mối trực thuộc Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng có cán bộ nữ giữ cương vị lãnh đạo, chỉ huy; trong đó 2/10 đơn vị tổng số nữ cán bộ, công nhân viên chức, người lao động chiếm từ 30% trở lên có lãnh đạo, chỉ huy là nữ. Cùng với đó, việc kiện toàn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ tại cơ quan, đơn vị cũng luôn được quan tâm. Tỷ lệ nữ được đào tạo, bồi dưỡng hằng năm trong toàn quân đạt hơn 7% (so với chỉ tiêu cả giai đoạn là 10%); số cán bộ nữ đào tạo sau đại học trung bình mỗi năm đạt gần 3,1% (so với chỉ tiêu giai đoạn là 5%).

Để góp phần bổ sung nguồn cán bộ nữ có chất lượng trong toàn quân, hai năm gần đây, Bộ Quốc phòng có kế hoạch cho tuyển chọn tổng số 550 công dân nữ nhập ngũ vào phục vụ quân đội, trong đó 100% đều có trình độ từ trung cấp trở lên; trình độ đại học, cao đẳng chiếm hơn 70%. Các nữ chiến sĩ sau khóa huấn luyện, cơ bản được bố trí sử dụng đúng chuyên ngành, phù hợp với chức danh nhiệm vụ. Chế độ, chỉ tiêu tuyển sinh nữ đối với những ngành phù hợp, như: Quân y, kỹ thuật, hậu cần… tiếp tục được thực hiện có hiệu quả, góp phần thu hút nguồn nhân lực nữ chất lượng cao cho quân đội.

Tại Hội nghị sơ kết giữa kỳ Kế hoạch hành động VSTBPN&BĐG trong quân đội giai đoạn 2016-2020 được tổ chức mới đây, các ý kiến thống nhất cho rằng: Công tác VSTB&BĐG đã đạt kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên, còn một số mục tiêu, chỉ tiêu trong kế hoạch hành động chưa đạt. Nguyên nhân là do công tác tuyên truyền, giáo dục về giới và bình đẳng giới trong những năm qua chưa thực sự đạt hiệu quả cao; nội dung tuyên truyền chưa được chuyển tải thường xuyên, sâu rộng, chưa sát đối tượng. Cấp ủy, chỉ huy ở một số đơn vị chưa thực sự quan tâm đúng mức đến công tác VSTBPN&BĐG; chưa chú trọng chỉ đạo công tác quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, nên chưa động viên được cán bộ nữ phấn đấu, rèn luyện và khẳng định mình. Một bộ phận phụ nữ bằng lòng với vị trí và công việc đang đảm nhiệm, chưa nỗ lực phấn đấu vươn lên; một số chị em vẫn còn tâm lý tự ti, an phận, ngại thay đổi môi trường công tác…

Để khắc phục tình trạng trên, theo Thiếu tướng Vũ Bá Trung, Phó chính ủy, Trưởng ban VSTBPN Tổng cục Hậu cần: Trước hết, lãnh đạo, chỉ huy, cơ quan chính trị các cấp cần thường xuyên quan tâm chăm lo cuộc sống gia đình, động viên kịp thời để chị em yên tâm công tác. Quan tâm hơn nữa đến công tác quy hoạch, đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nữ, bảo đảm quyền và lợi ích của phụ nữ... Cùng với quan điểm này, nhiều ý kiến cũng cho rằng, cấp ủy, chỉ huy, cơ quan chính trị các cấp cần tăng cường phối hợp xây dựng quy hoạch và kế hoạch tuyển dụng, đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ cho phụ nữ, gắn với công tác quy hoạch đào tạo, tuyển dụng, bồi dưỡng cán bộ của quân đội nói chung, của từng đơn vị nói riêng. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng nguồn nhân lực cán bộ nữ một cách hợp lý và thỏa đáng; tạo điều kiện tốt hơn để cán bộ nữ tham gia công tác lãnh đạo, quản lý, nghiên cứu khoa học; tham gia học tập nâng cao trình độ tại các trường trong và ngoài quân đội.

Phát biểu tại Hội nghị sơ kết giữa kỳ thực hiện Kế hoạch VSTBPN&BĐG trong quân đội giai đoạn 2016-2020, Thượng tướng Lê Chiêm, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban VSTBPN của Bộ Quốc phòng, khẳng định: Công tác VSTBPN&BĐG là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, do vậy, cấp ủy, chỉ huy, cơ quan chính trị, ban VSTBPN các cơ quan, đơn vị cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, của Quân ủy Trung ương về công tác phụ nữ và bình đẳng giới; có chủ trương, biện pháp cụ thể, chỉ đạo tổ chức thực hiện chặt chẽ; đưa mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch hành động vào kế hoạch công tác hằng năm của đơn vị. Quan tâm hơn nữa xây dựng, quy hoạch, tạo nguồn cán bộ nữ gắn với việc đào tạo, bố trí, sử dụng; nâng cao tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy các cấp trong nhiệm kỳ 2020-2025.

Mục tiêu của Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Quân ủy Trung ương, chỉ rõ: Phấn đấu đến năm 2020, phụ nữ được nâng cao trình độ về mọi mặt, có trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Yêu cầu này càng trở nên cần thiết trong giai đoạn hiện nay, khi toàn cầu hóa và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra nhanh chóng, yêu cầu nhiệm vụ của quân đội ngày càng cao. Cùng với sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chỉ huy, cơ quan chính trị các cấp, bản thân chị em phụ nữ cần phải nỗ lực phấn đấu khẳng định mình, làm chủ kiến thức, công nghệ, ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ.

KIM ANH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/nang-cao-chat-luong-su-dung-hieu-qua-nguon-nhan-luc-nu-556129