NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ

Hôm nay (30-10), Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) và ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2019; kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2020.

Có thể nói, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự kiến tới hơn 6,8% trong năm 2019, cao hàng đầu thế giới, đang gây ra sự ngạc nhiên đối với các nhà phân tích, dự báo kinh tế trên thế giới. Thú vị hơn, trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu, Việt Nam tăng tới 10 bậc, xếp hạng 67, vượt trên cả Ấn Độ. Trong lúc nền kinh tế toàn cầu đang bế tắc với các xung đột thương mại, bảo hộ thị trường gay gắt thì kinh tế Việt Nam lại liên tục ghi điểm với việc mở thêm được rất nhiều thị trường lớn, nhiều bạn hàng lớn với các hiệp định, như CPTPP, EVFTA. Việt Nam đang được xem là điểm đến của việc dịch chuyển chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu. Hình ảnh, tiềm năng của đất nước, con người Việt Nam đang tạo ra sức hấp dẫn toàn cầu.

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh trên một nền tảng ổn định vĩ mô, lạm phát thấp (dự kiến chỉ số giá tiêu dùng cả năm 2019 dưới 3%). Trong lúc đồng tiền của nhiều nước giảm giá tới 10% so với cuối năm 2018 thì tỷ giá giữa đồng Việt Nam và USD gần như không biến động. Tăng trưởng cũng thực chất hơn, dựa vào động lực là công nghiệp chế biến, chế tạo. Theo các chuyên gia kinh tế quốc tế, bí quyết chính tạo sự tăng trưởng kinh tế ấn tượng của Việt Nam là bảo đảm môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp, bao gồm doanh nghiệp vừa và nhỏ. Quản trị công, cũng như cả nền kinh tế Việt Nam, cả xã hội Việt Nam đang chuyển nhanh sang số hóa, với Chính phủ điện tử, mạng 5G, với việc đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, bắt kịp với xu hướng phát triển của thế giới. Cùng với việc kinh tế đất nước phát triển thì tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam đã giảm tới hơn 10 lần kể từ năm 1992 (58,1% vào năm 1992 và 5,23% hết năm 2018). Chất lượng cuộc sống của người dân vùng nông thôn, miền núi được nâng lên rõ rệt qua 10 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

Ảnh minh họa / chinhphu.vn

Thành tựu đáng ghi nhận như vậy, nhưng thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam là không nhỏ. Chất lượng tăng trưởng kinh tế đã được cải thiện khá nhiều trong mấy năm qua nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Nhu cầu vốn cho phát triển hạ tầng của nước ta ngày càng lớn. Trong khi đó, nợ công tuy có xu hướng giảm nhưng vẫn còn ở mức cao (56,1% GDP). Với việc nền kinh tế Việt Nam đã phát triển hơn, nguồn vốn vay ưu đãi của quốc tế như trước đây không còn nữa mà thay vào đó là các khoản vay thương mại với lãi suất cao hơn, thời gian trả nợ ngắn hơn. Vì thế, nâng cao khả năng hấp thụ, sử dụng vốn vay một cách hiệu quả là yêu cầu ngày càng cấp thiết đối với nền kinh tế Việt Nam. Thế nhưng, hiện nay tốc độ giải ngân vốn đầu tư công của chúng ta còn rất chậm. Các công trình còn chậm tiến độ, chất lượng nhiều công trình hạ tầng lớn còn ở mức thấp. Cùng với đó, năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam cũng còn hạn chế, tạo ra sự e ngại đối với các doanh nghiệp lớn của nước ngoài, nhất là những tổ hợp công nghệ cao khi muốn đầu tư, lập chuỗi sản xuất tại Việt Nam. Tăng trưởng của khu vực kinh tế trong nước đang thấp hơn so với khu vực đầu tư nước ngoài...

Tất cả những điểm mạnh và hạn chế đó của nền kinh tế Việt Nam hiện nay rất cần được các đại biểu Quốc hội phân tích kỹ, tìm ra các giải pháp, đóng góp ngay vào quá trình xây dựng pháp luật của Kỳ họp thứ 8 với rất nhiều nội dung liên quan trực tiếp tới tổ chức bộ máy quản lý hành chính từ cấp Trung ương đến các địa phương; liên quan tới việc huy động vốn đầu tư; liên quan tới việc cải thiện chất lượng nguồn nhân lực trong khu vực Nhà nước và doanh nghiệp. Để từ đó góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng tăng trưởng kinh tế, hướng tới hiệu quả, bền vững hơn.

HỒ QUANG PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/nang-cao-chat-luong-tang-truong-kinh-te-598600