Nâng cao chất lượng và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực; tạo việc làm đầy đủ; phát triển hệ thống trợ giúp xã hội toàn diện, đa tầng

Tham luận của đồng chí Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao đông, Thương binh và Xã hội tại Hội thảo 'Triển khai thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh' do Hội đồng Dân tộc của Quốc hội phối hợp với Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Ủy ban Dân tộc của Chính phủ và Tỉnh ủy Thanh Hóa tổ chức.

Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân, trong giai đoạn vừa qua, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 76 về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến 2020, Nghị quyết số 100 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020. Chúng ta đã đạt những thành tựu về giảm nghèo, đặc biệt là kết quả giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là hết sức nổi bật: Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu Thiên niên kỷ về xóa đói giảm nghèo trước 10 năm và được cộng đồng quốc tế đánh giá là hình mẫu giảm nghèo hiệu quả. Năm 1993, tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam: 58,1%; năm 2015: 9,88%; năm 2020: ước còn 2.75%. Chỉ tính riêng giai đoạn 2016-2019: giảm 58,12% số hộ nghèo so với tổng số hộ nghèo đầu giai đoạn với hơn 6 triệu người thoát nghèo, hơn 2 triệu người thoát cận nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm bình quân 4%/năm (Đạt mục tiêu đề ra: giảm từ 3-4%/năm). Năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo bình quân là 50,45%. Năm 2019, giảm còn 27,85%, bình quân trong 4 năm giảm 5,65%/năm (Vượt mục tiêu đề ra: giảm bình quân 4%/năm); năm 2020, ước còn 24%....Cả nước chung tay vì người nghèo – Không ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động đã được triển khai sâu rộng, đem lại hiệu quả thiết thực, là 1 trong 4 phong trào thi đua trọng tâm trong Phong trào thi đua yêu nước thời kỳ đổi mới.

Riêng 03 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh công tác giảm nghèo đã có nhiều chuyển biến tích cực, tỉnh Thanh Hóa: tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 13,51% năm 2015 xuống còn khoảng 2,3% năm 2020, bình quân giảm 2,8%/năm; có 02 huyện đã được công nhận thoát nghèo; 05 xã được công nhận hoàn thành mục tiêu Chương trình 135; tỉnh Nghệ An: tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 12,1% năm 2015 xuống còn khoảng 3,2% năm 2020, bình quân giảm 2,2%/năm; 05 xã được công nhận hoàn thành mục tiêu Chương trình 135; tỉnh Hà Tĩnh: tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 11,4% năm 2015 xuống còn 3,5% năm 2020, bình quân giảm 1,97%/năm; có 02 huyện hưởng cơ chế huyện nghèo đã cơ bản thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; 03 xã được công nhận hoàn thành mục tiêu Chương trình 135.

Bên cạnh những thành tích nêu trên, công tác giảm nghèo còn những hạn chế: kết quả giảm nghèo chưa bền vững, tình trạng tái nghèo và phát sinh nghèo còn cao (bình quân trên 4%/năm), nhất là khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc, vùng thường xuyên bị thiên tai, lũ lụt; tỷ trọng hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm trên 58% tổng số hộ nghèo cả nước; chuẩn thu nhập trong chuẩn nghèo đa chiều còn thấp, bằng 45% chuẩn mức sống tối thiểu; một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với địa bàn nghèo, khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa hiệu quả; vẫn còn tâm lý trông chờ, ỷ lại.

Để tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo trong bối cảnh mới, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và Nghị quyết đẩy mạnh mục tiêu giảm nghèo bao trùm đến năm 2030. Chương trình MTQG mới thực hiện mục tiêu giảm nghèo bao trùm; nâng cao chất lượng và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực; tạo việc làm đầy đủ, việc làm tốt; phát triển hệ thống trợ giúp xã hội toàn diện, đa tầng.

Để thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Nghị quyết số 88/2019/QH14 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, theo phân công của Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình, hướng dẫn các địa phương (trong đó có 03 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh) tập trung thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu sau đây:

Đến năm 2025: 50% lao động là người DTTS&MN trong độ tuổi được đào tạo nghề. Đào tạo, đào tạo lại, đặt hàng đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp theo hình thức vừa làm vừa học cho khoảng 03 triệu người; tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho hơn 04 triệu hộ đồng bào DTTS và hộ dân tộc Kinh nghèo, cận nghèo ở xã, thôn đặc biệt khó khăn. Có từ 80% người lao động có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn sau khi học nghề. Đến năm 2030: 80% lao động là người DTTS&MN trong độ tuổi được đào tạo nghề. 10.000 người lao động trong độ tuổi vùng dân tộc thiểu số và miền núi được hỗ trợ đào tạo khoảng 6.500 người đi làm việc ở nước ngoài. Trên 80% người lao động có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn sau khi học nghề. Tiếp tục hỗ trợ lao động là người dân tộc thiểu số tiếp cận thuận lợi với thông tin thị trường lao động, dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm, kết nối việc làm.

Để thực hiện được các mục tiêu trên cần tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, quy hoạch về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, việc làm. Hướng dẫn triển khai các hoạt động đầu tư, thực hiện chính sách hỗ trợ. Tăng cường các điều kiện đảm bảo cho GDNN đáp ứng yêu cầu đào tạo. Hỗ trợ người lao động thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số đi lao động ở nước ngoài. Cung cấp thông tin thị trường lao động, dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm, kết nối việc làm cho lao động là người dân tộc thiểu số. Hỗ trợ tìm kiếm, kết nối việc làm cho người lao động theo cơ chế đặt hàng; hỗ trợ trực tiếp chi phí đi lại, ăn ở cho người lao động tìm việc làm; tuyên truyền tư vấn khởi nghiệp, việc làm.

Phòng XDĐ-NC (Lược ghi)

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thoi-su/nang-cao-chat-luong-va-su-dung-co-hieu-qua-nguon-nhan-luc-tao-viec-lam-day-du-phat-trien-he-thong-tro-giup-xa-hoi-toan-dien-da-tang/128992.htm