Nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp từ ứng dụng khoa học và công nghệ

Xác định khoa học và công nghệ (KH&CN) là khâu then chốt để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã và đang đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng tiến bộ KH&CN trong sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao (CNC).

Gian hàng giới thiệu các sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn của huyện Vĩnh Lộc.

Để khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ, các HTX và doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC trong trồng trọt, ngoài triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp CNC của Trung ương, của tỉnh, huyện Vĩnh Lộc đã xây dựng các chính sách hỗ trợ riêng như: hỗ trợ 300.000 đồng/m2 nhà màng; hỗ trợ công làm hệ thống tưới nhỏ giọt; tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật miễn phí cho bà con nông dân.

Nhờ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, đến nay huyện đã có có gần 59.000m2 nhà lưới và 1.200m2 nhà màng sản xuất rau, quả. Cùng với việc hỗ trợ khuyến khích các đơn vị, cá nhân, ứng dụng KH&CN trong trồng trọt thì ngành nông nghiệp Vĩnh Lộc đã đẩy mạnh tuyên truyền cũng như có nhiều chính sách hỗ trợ trong chăn nuôi như: khuyến khích người dân ứng dụng KH&CN xây dựng chuồng trại khép kín, có hệ thống làm mát; hệ thống máng ăn bán tự động, máng uống bán tự động... giúp giảm thiểu dịch bệnh và nguồn nhân công lao động. Bên cạnh đó, tổ chức chuyển giao công nghệ, tuyên truyền, khuyến khích người dân về sử dụng men vi sinh trong chăn nuôi góp phần cải thiện hệ thống tiêu hóa và nâng cao tốc độ sinh trưởng và phát triển của vật nuôi. Ngoài ra, huyện còn khuyến khích các hộ dân xây dựng hệ thống xử lý chất thải, xử lý biogas nhằm giảm thiểu chất thải, đảm bảo vệ sinh môi trường. Đặc biệt, hàng năm kêu gọi các đơn vị tiêm vắc-xin định kỳ và sát khử trùng với các mầm bệnh bên ngoài. Với việc ứng dụng KH&CN đã mang lại hiệu quả kinh tế cao trong chăn nuôi cho các hộ dân. Phát huy những kết quả đạt được, huyện tiếp tục phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, CNC; đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp, HTX để sản xuất và bao tiêu sản phẩm, đồng thời thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất và chế biến nông sản trên địa bàn.

Tại huyện Thiệu Hóa, để chuyển từ nền sản xuất nhỏ, lẻ lên sản xuất tập trung, quy mô lớn ứng dụng CNC gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, huyện đã xem tích tụ, tập trung đất đai vừa là nhiệm vụ, vừa là giải pháp đột phá quan trọng hàng đầu của sản xuất nông nghiệp. Đến nay huyện đã có 360 ha mô hình tích tụ, tập trung đất đai sản xuất nông nghiệp, trong đó có 169 ha sản xuất theo hướng CNC; đồng thời đã triển khai thực hiện chuyển đổi 680 ha đất canh tác lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn.

Nhờ đẩy mạnh thực hiện các giải pháp, một số mô hình trồng trọt ứng dụng CNC đã được hình thành như: mô hình sản xuất lúa gạo thương phẩm chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP, liên kết theo chuỗi giá trị tại thị trấn Thiệu Hóa, xã Thiệu Phúc với quy mô trên 160 ha; mô hình sản xuất rau, quả an toàn trong nhà lưới, nhà màng tại các xã Thiệu Phúc, Thiệu Hợp, Tân Châu, thị trấn Thiệu Hóa với quy mô trên 81.000m2. Huyện phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hình thành được nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng CNC, xây dựng thương hiệu các sản phẩm có lợi thế.

Theo số liệu thống kê, từ năm 2016 đến nay trong lĩnh vực nông nghiệp đã có trên 100 nhiệm vụ KH&CN (chiếm trên 38% so với tổng số nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh). Hiện toàn tỉnh có trên 1.000 HTX tham gia chuỗi sản phẩm nông nghiệp chủ lực, trong đó phần lớn đã chú trọng việc áp dụng khoa học - kỹ thuật, liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp sản xuất để nâng cao giá trị thành phẩm.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hầu hết các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật đều chứng minh được hiệu quả về kinh tế, chất lượng, giải phóng sức lao động, để hướng đến một nền nông nghiệp hiện đại như: mô hình trồng dưa Taki Nhật Bản trong nhà màng, nhà lưới; mô hình trồng dưa vàng, rau hữu cơ; mô hình trồng cam CNC tại huyện Thạch Thành; các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, mô hình sản xuất theo VietGAP, GlobalGAP như mô hình sản xuất chanh leo theo chuỗi giá trị tại các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa...

Việc chú trọng ứng dụng KH&CN vào sản xuất nông nghiệp đã tạo ra sự chuyển biến lớn cho nền nông nghiệp của tỉnh. Điều này được minh chứng rõ khi mà tỷ lệ giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC ước đạt gần 25% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của toàn tỉnh. Hầu hết các mô hình nông nghiệp ứng dụng KH&CN trong sản xuất nông nghiệp đều đạt hiệu quả kinh tế vượt trội, với lợi nhuận trung bình đạt 200 triệu đồng/ha/năm đối với mô hình trồng trọt, gấp 2,5 đến 3 lần so với sản xuất nông nghiệp thông thường; chăn nuôi lợi nhuận bình quân đạt từ 500 - 700 triệu đồng/ha/năm; 1,5 đến 2 tỷ đồng/trang trại/năm, gấp 2 lần so với chăn nuôi truyền thống; thủy sản đạt từ 2 - 5 tỷ đồng/ha/năm. Điều đáng nói là có tới 80% mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng KH&CN trên địa bàn tỉnh đã có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, 20% mô hình còn lại có thị trường tiêu thụ ổn định. Ứng dụng KH&CN vào sản xuất nông nghiệp tạo ra những sản phẩm nông nghiệp CNC được coi là xu hướng tất yếu giúp sản xuất nông nghiệp phát triển vượt bậc.

Thời gian tới Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, cơ giới hóa, tự động hóa các khâu trong quá trình sản xuất; tập trung ứng dụng các tiến bộ về giống, công nghệ sạch, hữu cơ và các chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ưu tiên hỗ trợ các loại hình kinh tế tập thể tham gia vào hoạt động sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, nhất là HTX và tổ hợp tác nông nghiệp. Đồng thời mở rộng áp dụng các mô hình thành công trên diện rộng; rà soát, lựa chọn, định hướng các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc trưng của tỉnh; quy hoạch hạ tầng kỹ thuật tương xứng, đồng bộ từ sản xuất đến sơ chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó, tỉnh cũng sẽ mở rộng quy mô, diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, an toàn sinh học trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản; tăng cường quản lý nhà nước về sản xuất, cung ứng vật tư kỹ thuật nông nghiệp; kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng các chế phẩm, chất phụ gia, chất cấm trong sản xuất và bảo quản nông sản... Qua đó, tiến tới xây dựng nền sản xuất nông nghiệp sạch, CNC bền vững góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn.

Bài và ảnh: Trần Hằng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/khoa-hoc-cong-nghe/nang-cao-gia-tri-cac-san-pham-nong-nghiep-tu-ung-dung-khoa-hoc-va-cong-nghe/180612.htm