Nâng cao giá trị chè: Trách nhiệm từ nhiều phía

Là vùng đất 'Đệ nhất danh trà' của Việt Nam, từ nhiều năm qua, tỉnh Thái Nguyên xác định chè là cây trồng chủ lực, nhiều sản phẩm chè của địa phương đã khẳng định thương hiệu và chinh phục được thị trường thế giới.

Những năm qua, các sở, ngành chức năng của tỉnh đã tăng cường tổ chức các hội chợ, ngày hội kết nối cung cầu, giúp doanh nghiệp, HTX chè kết nối, tiêu thụ sản phẩm. Trong ảnh: Thành viên HTX chè Hảo Đạt thực hiện quy trình chế biến trà cho du khách tham quan trực tiếp.

Với điều kiện thuận lợi về thổ nhưỡng, khí hậu, cùng kinh nghiệm trong trồng, chế biến của người dân, những năm qua, chè Thái Nguyên ngày càng được ưa chuộng tại thị trường trong nước và quốc tế. Hiện, toàn tỉnh có gần 22,5 nghìn ha, sản lượng chè búp tươi đạt trên 267,5 nghìn tấn, giá trị sản phẩm trà đạt 12,3 nghìn tỷ đồng/năm.

Yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất quyết định đến chất lượng sản phẩm chè là nguyên liệu (chè búp tươi). Sau nhiều năm sản xuất chè theo phương thức truyền thống, từ năm 2022, anh Phạm Văn Nguyên, ở xóm Chính Phú 1, xã Phú Xuyên (Đại Từ) đã quyết tâm chuyển đổi mô hình sang sản xuất chè hữu cơ. Gia đình anh là một trong 50 hộ liên kết với Công ty cổ phần chè Hà Thái trong sản xuất chè hữu cơ.

Anh Phạm Văn Nguyên phấn khởi nói: Gia đình tôi có 3.500m2 trồng chè. Sản xuất chè hữu cơ có nhiều lợi ích về sức khỏe cho chính các thành viên trong gia đình, cộng đồng và người tiêu dùng. Hàng tháng, Công ty cổ phần chè Hà Thái đều cử người lấy mẫu đất, nước, chè đi xét nghiệm để đánh giá. Chè đạt các yêu cầu, Công ty thu mua với giá tương đối cao, trung bình từ 35-40 nghìn đồng/kg chè búp tươi, các hộ liên kết không lo về đầu ra. Xóm hiện có 26ha chè, đã có 6ha chuyển sang sản xuất theo hướng hữu cơ.

Hiện Đại Từ đã hình thành 11 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ chè. Trao đổi cùng chúng tôi, bà Nguyễn Thị Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX chè La Bằng cho biết: HTX đang liên kết sản xuất chè với hơn 200 hộ dân ở 6 xóm trong xã. Việc liên kết này mang lại rất nhiều lợi ích, trong đó, HTX quản lý quy trình chăm sóc, thu hái chè của các hộ để cho ra thị trường những sản phẩm đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Từ việc liên kết này đã giúp HTX chủ động được nguồn nguyên liệu trong sản xuất, tiêu thụ.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, đến nay, toàn tỉnh có 5.148ha chè được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ (trong đó, chứng nhận VietGAP 5.068ha, hữu cơ 80ha), chiếm gần 23% diện tích chè toàn tỉnh. Cùng với mở rộng diện tích chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, tỉnh đã đẩy mạnh việc thiết lập và cấp mã số vùng trồng, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX xây dựng thương hiệu, quảng bá tiêu thụ sản phẩm.

Từ năm 2020 đến nay, Sở Nông nghiệp và PTNT đã triển khai, tuyên truyền, hướng dẫn xây dựng thiết lập mã vùng trồng chè. Hiện, trên địa bàn tỉnh quản lý, giám sát 45 mã vùng trồng chè (25 mã xuất khẩu và 20 mã nội tiêu), được gắn định vị trên hệ thống GPS nhằm truy xuất nguồn gốc sản phẩm và tuân thủ tốt các tiêu chí theo quy định. Cùng với sự hỗ trợ của tỉnh, các doanh nghiệp, HTX, người trồng chè đã đặc biệt quan tâm xây dựng thương hiệu gắn với quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.

Với lợi thế đứng chân ở vùng đất Tân Cương “đệ nhất danh trà”, bằng tâm huyết, tình yêu với cây chè, HTX chè Hảo Đạt đã nghiên cứu, áp dụng nghiêm ngặt quy trình trồng, chăm sóc đến chế biến để tạo ra những thức uống làm say đắm lòng người. Sản phẩm chè móc câu của HTX chè Hảo Đạt vinh dự nằm trong 173 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp Quốc gia năm 2023. Các sản phẩm chè Hảo Đạt đều có mã QR và việc quản lý chất lượng sản phẩm chè cũng được ứng dụng chuyển đổi số.

Bà Đào Thanh Hảo, Giám đốc HTX chè Hảo Đạt chia sẻ: Giá trị cốt lõi của sản phẩm chè là chất lượng, chứ không phải số lượng. Đến nay, HTX đã sản xuất 14 dòng sản phẩm để phục vụ người tiêu dùng có thu nhập khác nhau. Sản phẩm của HTX hiện có 50 đại lý trên toàn quốc.

Đối với Công ty CP chè Hà Thái - một trong những đơn vị tiên phong xây dựng và đưa thương hiệu chè Thái vươn ra thế giới cũng đã chọn hướng đi "hữu cơ" để phát triển bền vững. Cũng chính nhờ đó, tại cuộc thi Chè quốc tế năm 2016 được tổ chức ở Canada, sản phẩm tràTôm nõn của Công ty đã xuất sắc vượt qua hàng chục sản phẩm chè tiêu biểu của nhiều quốc gia giành giải Bạc.

Trò chuyện cùng chúng tôi, bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch HĐQT Hội đồng quản trị Công ty CP chè Hà Thái tâm huyết: Để tạo sản phẩm tốt nhất xuất khẩu ra các thị trường khó tính, chúng tôi không ngừng cải tiến dây chuyền sản xuất, liên kết với người dân để đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe về nguyên liệu, chất lượng. Bước đầu là tiêu chuẩn VietGAP của Việt Nam, sau đó là các tiêu chuẩn của châu Âu, Mỹ... Việc nhãn hiệu tập thể“ChèThái Nguyên” tiếp tục được đăng ký bảo hộ thành công tại Nga, Nhật Bản vàHàn Quốc giúp chúng tôi có thêm "biển lớn" để xuất khẩu sản phẩm chè tiêu chuẩn của mình.

Đội Quản lý thị trường số 2 tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các HTX đăng ký các tiêu chuẩn, mã truy xuất nguồn gốc trên bao bì sản phẩm trà.

Cùng với xây dựng thương hiệu, việc quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm trà cũng được các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành, địa phương đặc biệt quan tâm. Năm 2023, UBND tỉnh và Tổng Công ty hàng không Việt Nam đã ký kết hợp tác toàn diện giai đoạn 2023-2027, mở ra cơ hội hai bên phát triển xúc tiến du lịch, đầu tư thương mại và hàng không. Hiện Công ty TNHH TM và XNK Tân Cương Xanh đã vinh dự được trở thành nhà cung cấp chè Thái Nguyên trên các chuyến bay của Vietnam Airline và đã xuất được những lô hàng sang Anh. Các sản phẩm trà đạt chứng nhận OCOP được kết nối, quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ trên Sàn thương mại điện tử như: Vỏ Sò (voso.vn), PostMart (postmart.vn)... Đặc biệt sản phẩm trà Thái Nguyên còn được tiêu thụ thông qua các Điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”.

Hiện nay, toàn tỉnh có 38 doanh nghiệp, 163 HTX, 251 làng nghề truyền thống, với trên 91.000 hộ chế biến chè xanh. Mặc dù tỉnh đã hình thành nhiều vùng sản xuất chè tập trung, song sản xuất vẫn ở quy mô hộ là chủ yếu, quy mô các HTX còn nhỏ, số lượng hộ tham gia HTX chưa nhiều, chiếm khoảng 7,2% số hộ làm chè trong tỉnh. Mặt khác, diện tích chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ còn thấp.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Hữu Tài, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam: Hạn chế lớn nhất của Thái Nguyên là vùng nguyên liệu manh mún, mô hình sản xuất nhỏ lẻ, dẫn tới việc quản lý chất lượng chè gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm đang ngày một cao và khắt khe hơn. Do đó, việc xây dựng các mô hình HTX, liên kết sản xuất giữa các hộ gia đình là hết sức cần thiết. Để cây chè phát triển bền vững, tỉnh cần rà soát, quy hoạch tổng thể trồng và chế biến chè theo chuỗi giá trị từ hạ tầng kỹ thuật đến các hoạt động phụ trợ, dịch vụ, thương mại, kết hợp du lịch sinh thái vùng chè, đáp ứng yêu cầu sản xuất, chế biến an toàn tiến tới sản xuất theo hướng hữu cơ.

Cùng với đó, cần quan tâm làm tốt việc bảo vệ thương hiệu chè bởi lâu nay, việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm chè Thái Nguyên vẫn xảy ra, nếu không muốn nói là còn phổ biến; nâng cao hơn nữa ý thức của người trồng, chế biến chè trong việc tạo ra các sản phẩm đảm bảo chất lượng; các cấp, ngành chức năng, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh hướng dẫn người trồng chè mở rộng diện tích chè VietGap, hữu cơ. Đồng thời, khai thác các nền tảng số trong quảng bá sản phẩm, mở rộng kênh bán hàng. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, quản lý chất lượng, nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm trà, cũng như khuyến khích liên kết, hợp tác để thống nhất áp dụng quy trình sản xuất, tạo sản phẩm chè đồng đều về chất lượng, với số lượng lớn; xây dựng các mô hình sản xuất, làng nghề chè gắn với du lịch sinh thái, ẩm thực nhằm nâng cao giá trị, thương hiệu trà Thái Nguyên.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202405/nang-cao-gia-tri-che-trach-nhiem-tu-nhieu-phia-873227c/