Nâng cao hiệu quả chính sách bảo hiểm thất nghiệp

Với mục tiêu hỗ trợ người thất nghiệp sớm ổn định cuộc sống và tìm lại việc làm, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đang là 'phao cứu sinh' cho người lao động (NLĐ) khi gặp khó khăn. Tuy nhiên, nhiều NLĐ và người sử dụng lao động chưa hiểu rõ và không thực sự quan tâm đến ý nghĩa cốt lõi của BHTN nên hiệu quả của chính sách này chưa đạt được như kỳ vọng…

BHTN không chỉ có tiền trợ cấp

BHTN là loại hình bảo hiểm ngắn hạn nhằm bù đắp cho NLĐ bị mất việc, giúp họ ổn định cuộc sống và nhanh chóng tìm được việc làm mới. Theo Cục Việc làm (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), số lượng người tham gia và đóng BHTN tăng qua các năm và bảo đảm chỉ tiêu kế hoạch mà Thủ tướng Chính phủ giao. Nếu năm 2009 mới chỉ có 5,9 triệu người tham gia BHTN thì tới năm 2015 (khi Luật Việc làm có hiệu lực thi hành) số người tham gia BHTN là 10,3 triệu người, tăng 173% so với năm 2009. Năm 2017, số người tham gia BHTN là 11,7 triệu người với số thu là 13.517 tỷ đồng.

Chính sách BHTN chứng tỏ tính ưu việt, nhưng quá trình thực hiện vẫn bộc lộ nhiều tồn tại, khó khăn. Hiện một số NLĐ và người sử dụng lao động chưa nhận thức rõ về quyền và trách nhiệm của mình trong thực hiện chính sách BHTN. Đáng lo nhất là tình trạng nhiều NLĐ khi thất nghiệp chỉ quan tâm đến việc nhận được bao nhiêu tiền trợ cấp mà không quan tâm đến các chế độ khác của chính sách này. Tại hội nghị truyền thông về việc làm đối với các cơ quan báo chí mới được tổ chức tại Bình Dương, ông Lê Quang Trung, Phó cục trưởng Cục Việc làm cho biết: "BHTN có nhiều chế độ: Thứ nhất là chế độ tư vấn, giới thiệu việc làm; thứ hai là chế độ hỗ trợ học nghề; thứ ba là chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ; thứ tư là chế độ về trợ cấp thất nghiệp. Ngoài ra, người thất nghiệp còn được hưởng bảo hiểm y tế. Các chế độ của chính sách BHTN giúp NLĐ khi mất việc vượt qua khó khăn trong cuộc sống và sớm trở lại thị trường lao động.

Ngoài ra, tình trạng nợ đọng BHTN của các doanh nghiệp còn khá lớn. Tính đến năm 2017, số nợ đọng BHTN là 242,827 tỷ đồng, gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của NLĐ, ảnh hưởng đến công tác thực hiện chính sách BHTN. Mặt khác, chính sách BHTN hiện nay mới chỉ tập trung vào việc hỗ trợ NLĐ sau khi bị thất nghiệp mà chưa có nhiều biện pháp chủ động để hỗ trợ NLĐ nhằm duy trì việc làm, phòng tránh thất nghiệp. Một số NLĐ chưa thực hiện đúng trách nhiệm của mình khi khai báo tình trạng việc làm trong quá trình thẩm định giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp...

Giúp người thất nghiệp sớm quay lại thị trường lao động

Theo TS Lê Kim Dung, Cục trưởng Cục Việc làm, nhằm hỗ trợ người thất nghiệp sớm quay trở lại thị trường lao động, chính sách BHTN ra đời và có hiệu lực từ ngày 1-1-2009. Cục Việc làm đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm ngành lao động-thương binh và xã hội chuẩn bị đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất, nguồn kinh phí để tiếp nhận và giải quyết các chế độ BHTN cho NLĐ, chú trọng tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề giúp người thất nghiệp sớm quay trở lại thị trường lao động. Sau gần 10 năm thực hiện, chính sách BHTN được NLĐ, người sử dụng lao động đánh giá cao, nhanh chóng đi vào cuộc sống.

Các trung tâm dịch vụ việc làm tại nhiều địa phương đang thực hiện khá hiệu quả chính sách BHTN cho NLĐ. Ngoài việc tổ chức tiếp nhận và giải quyết hưởng BHTN theo phương châm 3 đúng: “Đúng đối tượng, đúng chế độ và đúng thời hạn”, các trung tâm dịch vụ việc làm đã tích cực tư vấn về việc làm, học nghề với nhiều hình thức phong phú và luôn tích cực cải tiến quy trình tư vấn nên chất lượng ngày càng được nâng cao. Ông Nguyễn Trọng Thắng, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh Bình Dương, cho biết: "NLĐ đến trung tâm đa phần để làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp, tìm kiếm cơ hội việc làm và học nghề. Do vậy, ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là phải bảo đảm mọi người đến đây đều được giải quyết nhanh nhất theo hướng vừa giải quyết chế độ để NLĐ có tiền trang trải cuộc sống, vừa tư vấn để làm sao họ có được việc làm phù hợp nhất. Bên cạnh đó, NLĐ cũng được tư vấn hiểu rõ về quyền lợi, trách nhiệm khi tham gia BHTN, phòng khi mất việc, NLĐ nhanh chóng vượt qua khó khăn, tìm được công việc mới".

Theo các chuyên gia, để chính sách BHTN phát huy hiệu quả hơn nữa, rất cần sự chung tay góp sức từ nhiều phía, trong đó cơ quan chức năng cần đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú và phù hợp để nâng cao nhận thức của NLĐ, người sử dụng lao động và các cơ quan, ban ngành trong thực hiện chính sách bảo hiểm với NLĐ. Ngoài ra, phải nâng cao năng lực của cán bộ thực hiện BHTN, đặc biệt là kỹ năng tư vấn, giới thiệu việc làm, kỹ năng đào tạo nghề và các kỹ năng mềm đối với NLĐ. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực BHTN; thực hiện giao dịch điện tử trong tham gia và giải quyết hưởng BHTN; chia sẻ dữ liệu thu-chi và giải quyết các chế độ BHTN… Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện đăng ký, đóng BHTN đúng thời gian, tránh tình trạng nợ BHTN kéo dài; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện chính sách pháp luật về BHTN để có các biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.

MINH NGUYỄN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/nang-cao-hieu-qua-chinh-sach-bao-hiem-that-nghiep-539819