Nâng cao hiệu quả công tác an toàn lao động tại EVNNPC

Từ năm 2015 trở về trước tình hình tai nạn lao động (TNLĐ) tại Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) diễn biến rất phức tạp, mỗi năm có hàng chục vụ TNLĐ, làm bị thương và tử vong hàng chục người lao động (Năm 2013 là 14 vụ, năm 2014 là 10 vụ, năm 2015 là 13 vụ). Nhìn vào biểu đồ dưới đây có thể thấy mức độ các vụ TNLĐ từ năm 2009 đến 2015 thực sự đáng phải suy nghĩ.

 Biểu đồ tình hình tai nạn lao động từ năm 2009 đến 2015.

Biểu đồ tình hình tai nạn lao động từ năm 2009 đến 2015.

Một doanh nghiệp mà mỗi năm số người bị tai nạn lao động ngày càng tăng thì những người lao động trong EVNNPC liệu có yên tâm công tác? Đối tác sẽ đánh giá thế nào về công tác quản trị nhân sự? Uy tín của doanh nghiệp sẽ giảm sút cũng như năng suất lao động sẽ giảm, tâm lý người lao động không thể ổn định và yên tâm cống hiến, tất nhiên doanh nghiệp cũng sẽ bất ổn trong hoạt động sản xuất – kinh doanh. Có 3 nguyên nhân cơ bản được rút ra như sau: thứ nhất, người lao động biết nhưng cố tình làm bừa, ẩu, tắt, làm sai quy trình, quy định; thứ hai, người lao động không biết dẫn tới làm sai quy trình, quy định; thứ ba, một số nguyên nhân gián tiếp: người sử dụng lao động không thực sự quan tâm đến ATLĐ, trang thiết bị an toàn bảo vệ cá nhân trang bị thiếu, chưa thuận tiện…

Hiện nay EVNNPC đang quản lý 27 tỉnh phía Bắc từ Hà Tĩnh trở ra (không có Hà Nội), số lượng khách hàng khoảng 10,5 triệu, cùng với địa bàn quản lý rộng lớn, địa hình phức tạp, khối lượng quản lý vận hành, khối lượng công việc hàng ngày lớn, số liệu cho thấy, năm sau tăng hơn năm trước khoảng hơn 40% .

Với khối lượng được tăng theo hàng năm, đi cùng với đó là yêu cầu nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, khiến cho áp lực công việc đối với CBCNV tại EVNNPC tăng lên không nhỏ. Áp lực làm việc là một trong những nguyên nhân khiến cho mức độ căng thẳng và chán nản của nhân viên tăng cao.

Biểu đồ khối lượng công việc giai đoạn từ năm 2016 – 2018.

Tạo động lực đối với nhân viên thông qua nhu cầu vật chất và tinh thần

Con người vừa là động lực, vừa là mục tiêu của phát triển, để tồn tại được con người cần phải lao động, phải làm việc. Song sự tồn tại và phát triển của con người đòi hỏi phải có những điều kiện nhất định. Chính những điều kiện đó là nhu cầu thiết yếu để con người tồn tại và phát triển trong cả hiện tại và tương lai. Trong quá trình lao động, để bù đắp sức lao động của mình bị hao phí, con người nảy sinh các nhu cầu, các nhu cầu này chia làm 2 loại, nhu cầu vật chất và tinh thần. Đây chính là mục đích mà con người sống và làm việc theo nó. Chính hệ thống nhu cầu này đã tạo động cơ, động lực, thúc đẩy họ trong lao động. Nhu cầu vật chất hay tinh thần càng cao thì động lực càng lớn.

Chính vì vậy cần động viên kịp thời người lao động khi thực hiện công việc trong môi trường khắc nghiệt để đảm bảo rằng sức khỏe của người lao động luôn được quan tâm và đặt lên hàng đầu; Người lao động được quan tâm chăm sóc sức khỏe, được khám sức khỏe định kỳ, thực hiện điều dưỡng, phục hồi sức khỏe theo quy định; Tổ chức các buổi tọa đàm với các chuyên gia hàng đầu về các lĩnh vực như tâm lý sức khỏe lao động, bệnh nghề nghiệp; Được huấn luyện nâng cao trình độ, nghiệp vụ an toàn, kỹ năng đánh giá rủi ro. Được trang bị đầy đủ trang bị BHLĐ, CCDC làm việc, CCDC an toàn với chất lượng cao, thuận tiện cho người sử dụng. Trang bị quy trình, quy định, văn bản…về ATVSLĐ. Từ đó, người lao động cảm thấy được tin tưởng, tôn trọng, tự tin, bản lĩnh, biết cách giải tỏa các áp lực trong công việc, động lực để làm việc đảm bảo quy định về ATLĐ được nâng cao.

Hàng năm tiến hành phát hiện xây dựng và biểu dương các điển hình trong công tác ATVSLĐ các cấp, khen thưởng hướng tới người lao động trực tiếp, khen thưởng tại hiện trường sản xuất. Động viên kịp thời người lao động khi thực hiện công việc trong môi trường khắc nghiệt.

Đi cùng với đó là cần nâng cao chất lượng xét thưởng an toàn điện, việc xét thưởng phải được thực hiện công bằng, minh bạch, người làm tốt được xét thưởng nhiều hơn, người vi phạm tùy mức độ xét thưởng ít hơn hoặc cắt thưởng; Triển khai cấp phụ cấp nội bộ cho các chức danh trong PCT, LCT:CHTT, GSATĐ, LĐCV. Điều này tạo ra sự công bằng giữa trách nhiệm và quyền lợi, khiến người lao động toàn tâm toàn ý thực hiện công việc, chức danh được giao trong công tác ATVSLĐ.

Phát huy vai trò người đứng đầu

Với nhiều doanh nghiệp nhà nước, không gian làm việc đa phần là giống nhau và không có độ mở, dẫn tới người lao động sống trong không gian như vậy sẽ cảm thấy không thoải mái và không phát huy được tính sáng tạo. Việc sắp xếp văn phòng làm việc đảm bảo không gian chung phải sạch sẽ, thoáng khí và đủ ánh sáng. Cây xanh và hoa cũng được sử dụng để tạo không gian thoải mái, tươi mới, thúc đẩy tinh thần mỗi ngày cho nhân viên.

Treo những khẩu hiệu mang tính chất tuyên truyền mạnh mẽ, chuyên nghiệp trong văn phòng làm việc là một trong những cách để truyền cảm hứng tốt nhất trong công việc đối với nhân viên.

Tạo động lực cho nhân viên bằng cách gắn kết các quan hệ giữa nhân viên với nhau như, tổ chức những buổi sinh nhật hay những bữa ăn trưa vui vẻ. Từ những hoạt động tập thể như vậy sẽ tạo sự gần gũi thân tình, những tâm tư tình cảm hoàn cảnh của mỗi người sẽ được chia sẻ nhiều hơn. Đây cũng là cách nhằm tăng cường tinh thần kết nối, hợp tác giữa các tập thể, cá nhân với nhau, từ đó các mối quan hệ được xây dựng bền vững và lâu dài hơn.

Khuyến khích nhân viên trao đổi và bày tỏ quan điểm của mình, người lãnh đạo phải có sự minh bạch trong công việc. Biết khuyến khích nhân viên để họ trao đổi và đề xuất những sáng kiến việc làm tốt cho bản thân và đơn vị.

Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác đối thoại để được lắng nghe nhưng tâm tư của từng nhân viên, cũng là cách để hiểu rõ mỗi nhân viên của mình. Tạo ra một bầu không khí thân thiện trong tổ chức, sự tôn trọng và thấu hiểu, động viên khích lệ kịp thời sẽ giúp cho nhân viên có thể đề xuất các kiến nghị mà họ nghĩ là cần thiết.

Tạo động lực cho nhân viên bằng cách cần phải cho nhân viên thấy họ được tin tưởng, sự tin tưởng của lãnh đạo là một trong những động lực lớn nhất của nhân viên, giúp họ tự chủ trong công việc. Sự tự chủ trong công việc vừa là áp lực, cũng vừa là cơ hội để nhân viên được thỏa mãn sự sáng tạo, sự đam mê, chứng minh năng lực bản thân dám chịu trách nhiệm với hành động, đó cũng là động lực thúc đẩy nhân viên làm việc có hiệu quả.

Từ những giải pháp trên sẽ giúp nhân viên cùng nhau phấn đấu thực hiện công việc, đoàn kết, sáng tạo đưa ra các chủ trương, chính sách có hiệu quả trong quản lý ATVSLĐ. Từ đó, vị thế công tác ATVSLĐ trong EVNNPC tăng cao, ngược lại, vị thế tăng cao cũng tiếp thêm động lực cho nhân viên trong công việc.

Dưới đây là biểu đồ tình hình TNLĐ và hiệu quả quản lý ATLĐ từ năm 2015 đến 2018:

10 nguyên tắc sau để tạo động lực cho nhân viên

1. Khen ngợi nhân viên về hiệu quả làm việc tốt khi họ hoàn thành nhiệm vụ.

2. Nếu cấp dưới trở nên buồn chán với công việc hiện tại, hãy giúp họ tìm ra các lối đi mới, hướng đến một sự thỏa mãn cao hơn. Nếu có thể, hãy cân nhắc việc thăng chức họ dựa trên những cấp bậc thành tựu đã đạt được.

3. Nói rõ những mong đợi của tôi về các kết quả công việc.

4. Đảm bảo rằng công việc thường nhật của nhân viên gắn liền với nhiều nhiệm vụ khác nhau.

5. Làm cho mọi nhân viên thấy được tác động công việc của từng người đối với toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp hoặc phần việc của những người xung quanh.

6. Cho nhân viên một cảm giác rằng phận sự của họ ý nghĩa ra sao.

7. Luôn luôn đưa ra ý kiến phản hồi và nhận xét cho nhân viên, cả tích cực lẫn tiêu cực.

8. Cho phép một cấp độ tự quản vừa phải đối với nhân viên dựa trên những thành tựu họ đạt được.

9. Gia tăng cả chiều rộng lẫn chiều sâu đối với công việc mà người nhân viên đang làm.

10. Mang đến cho mọi nhân viên các cơ hội thành công ngang nhau.

Bài, ảnh: MAI QUANG HÙNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/nang-cao-hieu-qua-cong-tac-an-toan-lao-dong-tai-evnnpc-583030