Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng

Thực hiện Quy định 30-QĐ/TW ngày 26-7-2016 của Ban chấp hành Trung ương Đảng quy định thi hành Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát (KTGS) và kỷ luật của Đảng, các cấp ủy Đảng và ủy ban kiểm tra (UBKT) các cấp trong tỉnh đã triển khai thực hiện các nhiệm vụ KTGS theo quy định của Đảng ngày càng toàn diện, đồng bộ, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng Đảng và hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh.

Đồng chí Cao Văn Thống, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương chia sẻ một số nội dung về công tác kiểm tra giám sát khi về làm việc với Tỉnh ủy Đồng Nai mới đây. Ảnh: Phương Hằng

Đồng chí Cao Văn Thống, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương chia sẻ một số nội dung về công tác kiểm tra giám sát khi về làm việc với Tỉnh ủy Đồng Nai mới đây. Ảnh: Phương Hằng

Tuy nhiên, quá trình vận dụng thực hiện các quy định của Đảng, hướng dẫn của Trung ương về công tác KTGS còn những vướng mắc, khó khăn về tổ chức bộ máy, cơ quan UBKT và chế độ đãi ngộ đối với cán bộ kiểm tra, nhất là ở cấp cơ sở nên đã ảnh hưởng nhất định đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo và hoạt động của công tác KTGS.

* Đồng bộ trong công tác KTGS

Đồng chí Huỳnh Thanh Bình, Ủy viên Ban TVTU, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy cho biết, thực hiện Quy định 30-QĐ/TW và các quy định, hướng dẫn khác của Trung ương về công tác KTGS, Tỉnh ủy và Ban TVTU đã cụ thể hóa thành các quy định, hướng dẫn, quy trình KTGS của cấp ủy và UBKT các cấp trên địa bàn tỉnh phù hợp với đặc điểm tình hình đơn vị, địa phương.

Theo đó, bám sát chức năng nhiệm vụ KTGS của cấp ủy theo Điều 30 Điều lệ Đảng và Quy định 30-QĐ/TW của Ban chấp hành Trung ương, trong nhiệm kỳ qua, cấp ủy các cấp trên địa bàn tỉnh đã kiểm tra 7.267 lượt tổ chức Đảng và 69.467 lượt đảng viên (trong đó có hơn 3.500 cấp ủy viên các cấp). Trong đó, Ban TVTU đã kiểm tra chuyên đề 66 tổ chức Đảng và 35 Tỉnh ủy viên, cán bộ thuộc diện Tỉnh ủy quản lý về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các quy định về công tác cán bộ; việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; việc lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng, sai phạm kinh tế, tình trạng “tham nhũng vặt”...

Tỉnh ủy và ban thường vụ cấp ủy các cấp cũng đã giám sát thường xuyên đối với hoạt động của thường trực cấp ủy, UBKT, các ban Đảng, văn phòng cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc, các ủy viên ban chấp hành, ban thường vụ cấp ủy thông qua các hội nghị, giao ban định kỳ, đột xuất. Trong đó, Thường trực Tỉnh ủy đã tổ chức trên 90 buổi làm việc với Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, các ngành, các cấp ủy về công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai, các dự án quan trọng trên địa bàn; công tác an sinh xã hội, đào tạo nghề; xây dựng nông thôn mới; kết quả thực hiện các chỉ tiêu nghị quyết Đảng bộ tỉnh... để kịp thời có giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn.

Song song đó, đã chú trọng giám sát chuyên đề đối với 1.947 tổ chức Đảng (tăng hơn 2 lần so với nhiệm kỳ trước) và 46.400 đảng viên (chiếm hơn 56% tổng số đảng viên toàn tỉnh).

Điểm nổi bật của công tác giám sát thời gian qua ở Đồng Nai là việc giám sát được mở rộng, kể cả giám sát cách cấp. Theo đó, UBKT Tỉnh ủy đã KTGS 74 Đảng ủy cơ sở và UBKT cấp huyện đã KTGS 117 chi bộ trực thuộc. Nội dung giám sát có trọng tâm, trọng điểm trên các lĩnh vực như: kinh tế - xã hội, công tác cán bộ, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao và về trách nhiệm nêu gương...

“Qua giám sát đã góp phần cảnh báo, nhắc nhở, ngăn chặn và phòng ngừa những vi phạm trong hoạt động của tổ chức Đảng, đảng viên; định hướng các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật của Đảng; ngăn chặn những biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa”, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh” - Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy Huỳnh Thanh Bình nhận xét.

Cùng với hoạt động KTGS của cấp ủy, hoạt động của UBKT các cấp khá sôi động, có chuyển biến tích cực. Đội ngũ cán bộ kiểm tra của toàn tỉnh không nhiều nhưng luôn nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ. Từ năm 2016 đến nay, UBKT các cấp kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với 29 tổ chức Đảng và 270 đảng viên (trong đó có những trường hợp là cấp ủy viên, cán bộ chủ chốt cấp tỉnh và huyện). Qua kiểm tra, hầu hết tổ chức Đảng có vi phạm và gần 50% đảng viên vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật.

UBKT các cấp cũng tăng cường giám sát tổ chức Đảng và đảng viên, với gần 1.200 tổ chức Đảng (tăng 21%) và hơn 1.500 đảng viên (tăng hơn 75%); qua giám sát đã chấn chỉnh, nhắc nhở, kiểm điểm đối với tổ chức Đảng và đảng viên có hạn chế, thiếu sót; đồng thời chuyển quy trình xử lý, kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với 1 tổ chức Đảng và 10 đảng viên.

Qua KTGS và giải quyết đơn thư tố cáo, các cấp ủy trong tỉnh đã thi hành kỷ luật 16 tổ chức Đảng và 1.695 đảng viên. Trong đó, đã thi hành kỷ luật Đảng đoàn Hội LHPN tỉnh, nhiệm kỳ 2012-2017; Ban thường vụ Đảng ủy Công an tỉnh 2 nhiệm kỳ 2010-2015 và 2015-2020...

Nội dung vi phạm của tổ chức Đảng chủ yếu do chưa thực hiện tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ KTGS; buông lỏng vai trò lãnh đạo, thiếu KTGS để đơn vị xảy ra sai phạm; vi phạm quy chế bầu cử trong Đảng... Đối với đảng viên, chủ yếu vi phạm về chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo; chấp hành chưa nghiêm nghị quyết, chỉ thị của Đảng và những điều đảng viên không được làm...

* Những hạn chế cần khắc phục

Số đảng viên bị kỷ luật trong nhiệm kỳ 2015-2020 đã giảm 0,08% so với nhiệm kỳ trước nhưng tỷ lệ đảng viên vi phạm lại có xu hướng tăng theo hằng năm. Cụ thể, năm 2016, số đảng viên vi phạm chiếm 0,42%; năm 2018 chiếm 0,47%; năm 2019 là 0,53%.

Một số cấp ủy và UBKT cho rằng, một số nơi vẫn chưa nhận thức đầy đủ các nhiệm vụ theo quy định Điều lệ Đảng và các quy định về KTGS, thi hành kỷ luật của Đảng. Có cấp ủy, UBKT chưa chủ động phát hiện, chưa kịp thời kiểm tra dấu hiệu vi phạm để phòng ngừa, ngăn chặn sai phạm, dẫn đến một số trường hợp vi phạm kỷ luật nghiêm trọng.

Đại tá Trần Tiến Đạt, Phó bí thư Đảng ủy, Chủ nhiệm UBKT Đảng ủy Công an tỉnh cho rằng, nếu người đứng đầu quyết liệt và cán bộ kiểm tra có dũng khí, chủ động trong công việc thì công tác KTGS mới được thực hiện quyết liệt. Trách nhiệm của UBKT Đảng ủy Công an tỉnh hiện nay rất nặng nề, đang quyết tâm thực hiện tốt chỉ đạo của cấp ủy, chủ động trong công tác KTGS, ngăn ngừa, phát hiện, xử lý nghiêm sai phạm, lấy lại hình ảnh, uy tín của lực lượng công an trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.

Để công tác KTGS được thực hiện có hiệu quả hơn trong thời gian tới, lãnh đạo UBKT một số địa phương kiến nghị Trung ương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số nội dung. Chủ nhiệm UBKT Thành ủy Biên Hòa Trần Thị Mai Thảo khẳng định, muốn thực hiện tốt Quy định 30-QĐ/TW phải có đội ngũ cán bộ kiểm tra. Hiện nay, ở TP. Biên Hòa có 68 tổ chức cơ sở Đảng và hơn 22 ngàn đảng viên (đông nhất tỉnh) nhưng UBKT Thành ủy chỉ có 9 cán bộ kiểm tra, giống như các địa phương khác chỉ có vài ngàn đảng viên, điều này là bất cập cho TP.Biên Hòa, dẫn đến công việc ở UBKT luôn quá tải do thiếu cán bộ kiểm tra. Trung ương nên nghiên cứu, nơi nhiều tổ chức Đảng và đảng viên thì phải bố trí cán bộ hợp lý cho những nơi đó.

Trong khi đó, Chủ nhiệm UBKT Huyện ủy Định Quán Trịnh Văn Trường đề cập đến thực trạng, đội ngũ cán bộ kiểm tra ở cơ sở hiện nay hầu hết là kiêm nhiệm nên có lúc có việc lúng túng trong vận dụng, đối chiếu các quy định hướng dẫn của Đảng, của cấp ủy về công tác KTGS, dẫn đến thiếu kịp thời, làm giảm hiệu lực, hiệu quả công tác KTGS. Phó chủ nhiệm UBKT Đảng ủy cấp xã thì hiện nay chỉ được gọi là bán chuyên trách, chế độ chính sách rất bất cập. Đồng chí đề nghị phó chủ nhiệm UBKT Đảng ủy cấp xã phải là cấp ủy viên và có chế độ chính sách hợp lý cho đội ngũ này để tạo động lực, thu hút được cán bộ làm công tác KTGS. Bởi phó chủ nhiệm UBKT Đảng ủy cấp xã là đội ngũ rất quan trọng, nếu họ làm không tốt thì dẫn đến nhiều tồn tại, hạn chế, yếu kém cho công tác KTGS ở cơ sở.

Đồng chí Cao Văn Thống, Ủy viên UBKT Trung ương nêu rõ, không KTGS coi như không lãnh đạo. Không KTGS kịp thời, những khuyết điểm sẽ thành sai phạm. KTGS quan trọng nhất là phòng ngừa, cảnh báo, nhắc nhở. Khi xảy ra sai phạm mới KTGS, rồi xử lý kỷ luật thì điều này là không vui mừng.

Phương Hằng

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/chinhtri/202012/nang-cao-hieu-qua-cong-tac-kiem-tra-giam-sat-va-ky-luat-cua-dang-3035630/