Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) về 'Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng', trong 10 năm qua, công tác kiểm tra giám sát của Đảng bộ thành phố Hà Nội đã có nhiều kết quả tích cực, đóng góp quan trọng trong công tác phòng chống tham nhũng, tạo nên hiệu ứng tích cực và củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Công khai, khách quan, không có vùng cấm

Theo Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Thành ủy Hà Nội Hoàng Trọng Quyết, trong 10 năm qua, Thành ủy, các cấp ủy Đảng, UBKT các cấp trong Đảng bộ Thành phố đã quan tâm, chủ động tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng.

Một buổi tập huấn về công tác kiểm tra, giám sát năm 2016 của Thành ủy Hà Nội. Ảnh: Bá Hoạt

Nổi bật là Thành ủy Hà Nội đã nghiêm túc phổ biến, quán triệt Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) sâu rộng tới các tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên; luôn chú trọng đổi mới phương pháp lãnh đạo và chỉ đạo chặt chẽ, khoa học, bài bản; kịp thời sửa đổi, bổ sung, xây dựng, ban hành hệ thống các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng.

Thông qua các cuộc kiểm tra, giám sát, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã kịp thời chỉ đạo điều chỉnh một số chủ trương, chính sách, quy định cho phù hợp với chính sách, pháp luật và tình hình thực tiễn của Thành phố; kịp thời chấn chỉnh những thiếu sót, sai phạm trong lãnh đạo, chỉ đạo của tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên.

Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo của Thành ủy Hà Nội cũng chỉ ra một số khuyết điểm, hạn chế trong 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) trên địa bàn Thành phố. Đó là việc phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 ở một số cấp ủy đảng chưa kịp thời, chậm đổi mới hình thức, phương pháp nên hiệu quả chưa cao.

Trình độ, nghiệp vụ và kinh nghiệm thực tiễn của một bộ phận cán bộ làm công tác kiểm tra chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát trong tình hình mới. Việc kiểm tra đối với cấp ủy viên cùng cấp , kiểm tra cơ quan tài chính của cấp ủy cùng cấp còn hạn chế. Ngoài ra, công tác nắm bắt tình hình và giám sát thường xuyên một số nơi còn yếu nên chưa kịp thời phát hiện để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền giải quyết kịp thời các vi phạm nhất là trong lĩnh vực quản lý đất đai, quản lý trật tự xây dựng. Một số nơi quá trình giải quyết tố cáo còn chậm, không dứt điểm…

Báo cáo của Thành ủy Hà Nội cho biết, từ năm 2008 đến 6/2018, Thành ủy, các cấp ủy Đảng đã kiểm tra hơn 134.414 lượt tổ chức Đảng và 106.328 đảng viên; giám sát 66.602 lượt tổ chức Đảng và 141.213 đảng viên. Trong đó, Ban Thường vụ Thành ủy tổ chức 183 đoàn kiểm tra và 38 đoàn giám sát đối với 778 lượt tổ chức Đảng.

UBKT Thành ủy, UBKT các cấp đã kiểm tra tổ chức Đảng cấp dưới và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm đối với 2.703 đảng viên và 843 tổ chức Đảng; kết luận 1.972 đảng viên và 447 tổ chức Đảng có vi phạm và phải thi hành kỷ luật 1.075 đảng viên và 56 tổ chức Đảng… Công tác giám sát chuyên đề cũng được tăng cường, UBKT các cấp trong Đảng bộ đã tổ chức giám sát đối với 8.429 tổ chức đảng, 17.870 đảng viên. Xem xét, thi hành kỷ luật 6.452 đảng viên và 134 tổ chức Đảng…

Phát biểu tại buổi làm việc của Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) về “Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng” với Thành ủy Hà Nội mới đây, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cho biết, việc triển khai Nghị quyết Trung ương 5 được Hà Nội thực hiện bài bản, nghiêm túc, sáng tạo, khoa học và có hiệu quả.

Sau 10 năm, công tác kiểm tra giám sát của Đảng bộ thành phố Hà Nội tăng về cả số lượng và chất lượng, được tiến hành công khai, khách quan, không có vùng cấm, ngoại lệ, đã đóng góp tích cực trong công tác phòng chống tham nhũng, tạo nên hiệu ứng tích cực và củng cố tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Những kết quả này cũng đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng Đảng và góp phần tích cực vào thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô. Từ đó, góp phần tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức hành động của cản bộ, đảng viên trong công tác kiểm tra, giám sát của Đảng.

Nâng cao vai trò của Bí thư cấp ủy

Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo của Thành ủy Hà Nội cũng chỉ ra một số khuyết điểm, hạn chế trong 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) trên địa bàn Thành phố. Đó là việc phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 ở một số cấp ủy đảng chưa kịp thời, chậm đổi mới hình thức, phương pháp nên hiệu quả chưa cao.

Trình độ, nghiệp vụ và kinh nghiệm thực tiễn của một bộ phận cán bộ làm công tác kiểm tra chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát trong tình hình mới. Việc kiểm tra đối với cấp ủy viên cùng cấp, kiểm tra cơ quan tài chính của cấp ủy cùng cấp còn hạn chế.

Ngoài ra, công tác nắm bắt tình hình và giám sát thường xuyên một số nơi còn yếu nên chưa kịp thời phát hiện để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền giải quyết kịp thời các vi phạm nhất là trong lĩnh vực quản lý đất đai, quản lý trật tự xây dựng. Một số nơi quá trình giải quyết tố cáo còn chậm, không dứt điểm, chưa coi trọng việc trao đổi, giải thích, thuyết phục rõ nội dung, quy định đối với người tố cáo, do đó hiện tượng tái tố vẫn công xảy ra, gây phức tạp tình hình...

Tại buổi làm việc của Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) về “Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng” với Thành ủy Hà Nội nhằm khảo sát, nắm tình hình kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết này trên địa bàn Thành phố, các thành viên Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết Trung ương 5 đã trao đổi nhiều vấn đề với Thành ủy Hà Nội để cùng tập trung làm rõ.

Cụ thể như: Việc phối hợp kiểm tra giữa Thành ủy với các ban, ngành của Thành phố; việc giám sát cấp ủy viên cùng cấp; vai trò công tác kiểm tra, phát triển đảng viên; việc đổi mới, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát… Đồng chí Tô Quang Thu, Phó Chủ nhiệm UBKT Trung ương đánh giá, công tác kiểm tra của Đảng bộ thành phố Hà Nội được chú trọng, nâng cao; bám sát Nghị quyết, đi sâu vào các vấn đề bức xúc, vấn đề khó khăn phức tạp của Hà Nội.

Thành phố đã đổi mới công tác kiểm tra, giám sát, tiến hành đào tạo đội ngũ cán bộ kiểm tra ngày càng chất lượng hơn; việc phối hợp giữa công tác kiểm tra, giám sát với thanh tra và giám sát của Mặt trận tổ quốc, các ngành, các cấp… đã góp phần giáo dục răn đe trong toàn Đảng bộ.

Phó Chủ nhiệm UBKT Trung ương Tô Quang Thu cho rằng, thời gian tới, Đảng bộ thành phố Hà Nội cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm. Trong đó, cần tiếp tục nâng cao vai trò của đồng chí bí thư cấp ủy trong công tác kiểm tra giám sát. Đồng thời cần chú trọng xây dựng cho được đội ngũ cán bộ kiểm tra tinh thông nghiệp vụ, bản lĩnh vững vàng, đạo đức trong sáng…

Công tác kiểm tra phải lấy phòng là chính

Tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập ngành Kiểm tra Đảng do Ủy Ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội tổ chức mới đây, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã yêu cầu, ngành kiểm tra của Đảng bộ Thành phố phải tăng cường nghiên cứu, học tập, nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn nữa vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác này, coi đây là phương thức bảo đảm chức năng lãnh đạo của Đảng.

Bên cạnh đó, Bí thư Thành ủy cũng yêu cầu, công tác kiểm tra, giám sát phải được tiến hành thường xuyên, công khai, dân chủ, thận trọng, chặt chẽ và lấy phòng ngừa là chính. Cơ quan kiểm tra các cấp cần phải lắng nghe nhịp đập của Thành phố, hoạt động của các cơ quan Thành phố, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và ý kiến của người dân, của cán bộ, đảng viên để trên cơ sở đó đề xuất với cấp ủy đảng các cấp, Ban Thường vụ cấp ủy các cấp tổ chức công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đối với những vấn đề thành điểm nóng ở địa bàn mình và Thành phố.

Nguyễn Công

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/nang-cao-hieu-qua-cong-tac-kiem-tra-82457.html