Nâng cao hiệu quả khai thác thủy sản nhờ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật

Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trên tàu khai thác thủy sản xa bờ là rất cần thiết, bởi giúp chủ tàu giảm chi phí cho chuyến biển, nâng cao hiệu quả khai thác.

Ngày 2/7, ông Kim Văn Tiêu, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cùng đại diện Trung tâm Khuyến nông và ngư dân 5 tỉnh Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên, Khánh Hòa đã tham quan mô hình khai thác tại cảng Hòn Rớ, xã Phước Đồng, TP Nha Trang (Khánh Hòa).

 Ông Kim Văn Tiêu dẫn đoàn công tác tham quan mô hình khai thác tại cảng Hòn Rớ, xã Phước Đồng, TP Nha Trang, Khánh Hòa. Ảnh: KS.

Ông Kim Văn Tiêu dẫn đoàn công tác tham quan mô hình khai thác tại cảng Hòn Rớ, xã Phước Đồng, TP Nha Trang, Khánh Hòa. Ảnh: KS.

Đoàn đã đến tham quan tàu KH 97279 TS của ông Lê Văn Thuyền ở phường Vĩnh Trường (TP Nha Trang). Đây là tàu vỏ composite, dài 32 m, rộng 8m, công suất 1.100 CV đóng theo Nghị định 67 của Chính phủ với tổng giá trị khoảng 24 tỷ đồng.

Tàu được trang bị đầy đủ các thiết bị hiện đại như: Ra đa, máy dò cá quét 360 độ, máy dò cá đứng, máy liên lạc đường dài và đường ngắn và máy định vị…để phục vụ cho nghề mành chụp.

Bên cạnh đó, tàu được ứng dụng trang bị đèn LED và hầm bảo quản sản phẩm bằng vật liệu Polyme (P.U), giúp nâng cao hiệu quả trong đánh bắt, bảo quản sản phẩm được tốt hơn.

Ông Tiêu trò chuyện với thuyền trưởng tàu KH 97279 TS. Ảnh: KS.

Anh Ngô Xuân Hoàng, thuyền trưởng tàu này cho biết, từ khi hạ thủy vào năm 2017, đến nay tàu liên tục bám biển trên ngư trường Trường Sa, nhà giàn DK1.

Mỗi chuyến biển tàu có 12-13 thuyền viên bám biển kéo dài 22 ngày, chi phí khoảng 200 triệu đồng. Tuy nhiên nhờ được trang thiết bị phục vụ đánh bắt hiện đại, nên mỗi chuyến tàu đánh bắt ít nhất 30 tấn cá, còn trung bình từ 40-50 tấn và nhiều nhất lên đến trên 100 tấn. Sau khi trừ chi phí, trung bình tàu lãi từ 200-400 triệu đồng/chuyến.

“Việc trang bị đèn LED nên tàu giảm được chi phí tiền dầu đáng kể. Cụ thể, như trước đây tàu đi hao tốn 10 thùng dầu, nay giảm xuống chỉ còn 8-9 thùng dầu thôi. Hơn nữa, còn giúp máy tàu kéo khỏe hơn, giảm bớt công suất quá tải”, anh Hoàng khẳng định.

Thuyền trưởng Ngô Xuân Hoàng cho biết, tàu được trang thiết bị đầy đủ phục vụ đánh bắt thủy sản. Ảnh: KS.

Tượng tự, tàu vỏ thép số hiệu QNA 91612 TS, dài 26m, ngang 7,3m, công suất trên 920 CV cũng đóng theo Nghị định 67 của Chính phủ với tổng giá trị 17 tỷ đồng. Hiện tàu đang neo đậu tại cảng cá Hòn Rớ để bán sản phẩm và chuẩn bị bám biển trong những ngày tới.

Ông Độ Văn Trầm, vừa chủ tàu vừa thuyền trưởng cho biết, tàu của ông hạ thủy vào năm 2014, hành nghề mành chụp, chủ yếu đánh mực. Từ đó đến nay, năm nào tàu đánh bắt cũng có lãi, trung bình khoảng 300 triệu đồng/năm. Sở dĩ, tàu đánh bắt hiệu quả một phần nhờ được trang bị thiết bị hiện đại phục vụ khai thác.

Ông Kim Văn Tiêu cho biết, để nâng cao hiệu quả khai thác, bảo quản sản phẩm trên tàu cá đánh bắt xa bờ, thời gian qua trung tâm đã xây dựng nhiều mô hình, chuyển giao cho ngư dân.

Cụ thể, như xây dựng mô hình máy dò cá để giúp ngư dân đánh bắt được cá nhiều hơn. Hay, xây dựng mô hình bảo quản hầm cá, tức là bắt được cá rồi để bảo quản làm sao để sản phẩm có chất lượng tốt, bán được giá. Và mô hình trang bị đèn LED để giảm chi phí tiêu hao nguyên liệu và giảm phát thải nhà kính...

Kim Sơ

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/nang-cao-hieu-qua-khai-thac-thuy-san-nho-ung-dung-tien-bo-ky-thuat-d267613.html