Nâng cao hiệu quả phòng chống lũ các hồ chứa khu vực miền Trung – Tây Nguyên

Sáng 29-11, tại TP Huế, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai (PCTT) phối hợp với Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức hội nghị 'Nâng cao hiệu quả phòng chống lũ các hồ chứa khu vực miền Trung – Tây Nguyên'.

Hội nghị có sự tham gia của đại diện đơn vị thuộc các Bộ, gồm: Công thương, TN&MT, NN&PTNT, TT&TT, lãnh đạo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh thành, đại diện các chủ hồ chứa ở miền Trung – Tây Nguyên.

Theo Tổng cục thủy lợi, Bộ NN&PTNT, hiện khu vực miền Trung gồm 14 tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận có tổng 2.393 hồ chứa thủy lợi các loại, trong đó có 330 hồ chứa lớn, 2.063 hồ chứa vừa và nhỏ. Các địa phương có nhiều hồ chứa là Thanh Hóa với 610 hồ, Nghệ An 602 hồ, Quảng Ngãi 118 hồ, Bình Định 157 hồ.

Hội nghị “Nâng cao hiệu quả phòng chống lũ các hồ chứa khu vực miền Trung – Tây Nguyên” được tổ chức tại TP Huế vào sáng 29-11.

Thời gian qua, mặc dù được Chính phủ hết sức quan tâm, các Bộ ngành và địa phương có nhiều nỗ lực trong công tác bảo đảm an toàn cho hồ chứa, tuy nhiên hiện nhiều hồ chứa đang đối mặt với thực trạng xuống cấp, gặp sự cố khi có mưa lũ.

Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế nhìn nhận rằng, do hiện tượng El Nino đã và đang gây ảnh hưởng đến địa phương trong thời gian cuối năm 2018 và đầu 2019 dẫn đến tình trạng các hồ chứa thủy lợi, thủy điện khô cạn dù đang trong mùa mưa. Vì thế, ông Phương đề nghị Bộ Công Thương, EVN không huy động các nhà máy thủy điện tham gia thị trường điện để ưu tiên nguồn nước sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt, công nghiệp và dòng chảy môi trường.

Nhiều hồ chứa ở địa bàn Thừa Thiên- Huế đang bị khô cạn trong mùa mưa do hiện tượng El Nino.

Ông Nguyễn Văn Hải, Phó cục trưởng cục ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT đánh giá: Do phần lớn ở miền Trung, Tây Nguyên có hồ chứa chủ yếu vừa và nhỏ, không có dung tích phòng lũ, địa hình dốc dẫn đến hạn chế về chất lượng và thời hạn cảnh báo, dự báo. Đặc biệt, hiện lưới trạm đo mưa ở hầu hết các khu vực sông còn khá thưa, nhất là vùng thượng lưu (760km2/trạm) nên chưa đáp ứng yêu cầu tính toán dự báo lũ.

Dự báo chính xác lượng mưa sẽ giúp các hồ chứa chủ động trong công tác vận hành. (Ảnh: Thủy điện Bình Điền, tỉnh Thừa Thiên- Huế điều tiết nước về hạ du vào sáng 29-11)

“Hiện công tác dự báo lũ về hồ chứa chưa chính xác và kịp thời do chưa dự báo chính xác được lượng mưa và thiếu trạm quan trắc khí tượng thủy văn, số liệu dự báo chưa thống nhất, còn sai lệch nhiều. Tình trạng này dẫn đến việc tham mưu ban hành lệnh vận hành điều tiết giảm lũ cho hạ du còn bị động, rất khó khăn cho công tác quyết định vận hành”, ông Hải nói.

Cũng tại hội nghị, đại diện các Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên cũng đề nghị các Bộ ngành Trung ương tiếp tục quan tâm chỉ đạo các chủ hồ đập nhanh chóng thực hiện kiểm định an toàn đập theo quy định hiện hành. Bên cạnh đó cần quan tâm đầu tư các thiết bị quan trắc, bố trí và đào tạo đội ngũ cán bộ đủ năng lực để vận hành các hồ chứa thủy điện theo quy định.

Anh Khoa

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/nang-cao-hieu-qua-phong-chong-lu-cac-ho-chua-khu-vuc-mien-trung-tay-nguyen-522388/