Nâng cao hiệu quả quản lý đê điều

Mặc dù các cấp, các ngành của thành phố Hà Nội liên tục chỉ đạo, đôn đốc nhưng nhiều địa phương vẫn chưa vào cuộc quyết liệt, thiếu kiên quyết xử lý, để xảy ra nhiều vi phạm pháp luật đê điều. Trước tình trạng này, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật đê điều, thành phố Hà Nội đã ban hành quyết định, trong đó quy định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan.

Đại diện Hạt Quản lý đê Ba Vì kiểm tra một trường hợp vi phạm pháp luật đê điều trên địa bàn xã Tản Hồng (huyện Ba Vì).

Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, 13 quận, huyện của thành phố để xảy ra 39 vụ vi phạm pháp luật đê điều. Trong đó, Ứng Hòa 17 vụ; Ba Vì, Phúc Thọ, Thường Tín, mỗi huyện để xảy ra 3 vụ; Gia Lâm, Mê Linh, Thanh Oai, Hoài Đức, mỗi huyện để xảy ra 2 vụ... Để bảo đảm an toàn công trình phòng, chống thiên tai, thực hiện nghiêm quy định của pháp luật, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành 8 văn bản; Sở NN& PTNT Hà Nội ban hành 45 văn bản; Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão Hà Nội đã ban hành 60 văn bản đôn đốc, chỉ đạo các cấp chính quyền xử lý vi phạm. Song, từ đầu năm đến nay, các địa phương mới xử lý triệt để 4 vụ, tồn đọng 35 vụ...

Trao đổi về công tác xử lý vi phạm pháp luật đê điều, các hạt quản lý đê: Ứng Hòa - Mỹ Đức, Thường Tín, Phú Xuyên, Ba Vì, Sóc Sơn... cho biết, phát hiện hành vi vi phạm, đơn vị đều lập biên bản và chuyển hồ sơ đến chính quyền cấp cơ sở xử lý. Tuy nhiên, do các địa phương thiếu quyết liệt nên xử lý chưa triệt để, tồn đọng khá nhiều...

Hạt trưởng Hạt Quản lý đê Ba Vì Nguyễn Thị Minh Thanh dẫn chứng: Phát hiện hộ ông Đặng Văn Ngọc ở xã Tản Hồng (huyện Ba Vì) hàn cầu sắt làm lối lên mái đê hữu Hồng, đơn vị đã lập biên bản, xác định hành vi vi phạm và chuyển hồ sơ đề nghị địa phương xử lý theo thẩm quyền. Đến nay 6 tháng đã trôi qua, vụ việc này vẫn chưa được xã Tản Hồng xử lý dứt điểm... Lý giải về vụ việc này, Chủ tịch UBND xã Tản Hồng Hoàng Minh Sơn viện dẫn, do người vi phạm lén lút xây dựng công trình vào ngày nghỉ, ngoài giờ hành chính nên khi xã tổ chức xử lý, vi phạm đã phát triển vượt thẩm quyền...

Liên quan tới vấn đề trên, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Hứa Bá Trình khẳng định, các xã, thị trấn chịu trách nhiệm chính trong phát hiện và xử lý vi phạm. Khi vượt thẩm quyền, một số địa phương không kịp thời chuyển hồ sơ nên UBND huyện không có căn cứ để xử lý, phải củng cố thiết lập lại hồ sơ...

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác xử lý vi phạm pháp luật đê điều, ngày 13-8 vừa qua, UBND thành phố Hà Nội đã có Quyết định số 15/2020/QĐ-UBND ban hành Quy chế phối hợp trong công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật đê điều trên địa bàn thành phố. Quyết định có hiệu lực từ ngày 1-9-2020, trong đó quy định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan đến công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật đê điều.

Thực hiện quyết định trên, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Tiến (huyện Ứng Hòa) Phạm Văn Hưởng cho biết, Đồng Tiến đã giao bộ phận địa chính, quản lý trật tự xây dựng... phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý đê điều rà soát các trường hợp để xử lý dứt điểm những vụ vi phạm tồn đọng.

Về phía các huyện, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn, Mê Linh sẽ xử lý nghiêm người đứng đầu các xã, thị trấn nếu để xảy ra vi phạm pháp luật đê điều và không xử lý kịp thời, để vi phạm phát triển vượt quá thẩm quyền phải chuyển hồ sơ vụ việc lên cấp trên...

Kim Văn

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/977794/nang-cao-hieu-qua-quan-ly-de-dieu