Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên của đất nước

Sáng nay (21/10) trong khuôn khổ chương trình làm việc của kỳ họp thứ 6 , Quốc hội khóa XII, các đại biểu thảo luận ở tổ về dự án Luật thuế tài nguyên. Đây là dự án luật đầu tiên được đưa lên bàn nghị sự trong chương trình hoạt động lần này của kỳ họp.

CôngThương - Tại các tổ, phần lớn các đại biểu Quốc hội đều nhất trí cao cho rằng cần thiết phải nâng Pháp lệnh thuế tài nguyên lên thành Luật thuế tài nguyên. Như đã biết, Pháp lệnh thuế tài nguyên (sửa đổi) được Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành năm 1998 và được sửa đổi điều 6 về khung thuế suất vào năm 2008. Qua hơn 10 năm thực hiện, Pháp lệnh thuế tài nguyên đã góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, nhất là phát triển công nghiệp khai khoáng, tăng cường quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên của đất nước, tạo việc làm cho nhiều người lao động. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tình trạng khai thác tài nguyên diễn ra khá mạnh, có lúc, có nơi kém hiệu quả, khó kiểm soát, tình trạng khai thác quy mô lớn làm suy kiệt nguồn tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường diễn ra ở nhiều địa phương. Mặt khác do được ban hành từ năm 1998 nên một số quy định trong Pháp lệnh không còn phù hợp với thực tiễn; mức thuế suất đối với một số tài nguyên đặc thù mới được điều chỉnh song còn thấp, chưa điều tiết việc khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên ở mức hợp lý. Vì vậy, việc nâng Pháp lênh thuế tài nguyên lên thành Luật sẽ để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao giá trị pháp lý, pháp điển hóa các quy định về quản lý, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên của đất nước. Tuy nhiên, tại các tổ nhiều ý kiến cho rằng, nếu đã nâng lên thành luật thì văn bản luật cần cụ thể hơn, chặt chẽ hơn. Một số ý kiến đề xuất, việc quy định thuế suất đối với tài nguyên nên cân nhắc đến yếu tố vùng, vì cùng một loại tài nguyên nhưng chất lượng ở mỗi nơi lại rất khác nhau, nên đương nhiên giá bán cũng khác nhau. Mặt khác, các vùng khác nhau, xa hay gần so với khu vực khai thác tài nguyên cũng làm ảnh hưởng đến giá kinh doanh tài nguyên đó, vì còn phải cộng thêm phí vận chuyển và nhiều chi phí phát sinh khác. Nhiều đại biểu cũng tỏ ý không tán đồng về dự thảo luật quy định: Quốc hội quyết định về khung thuế suất, còn mức thuế suất cụ thể là bao nhiêu thì lại do Chính phủ quyết định. Lý lẽ của việc giao như vậy là để tạo điều kiện thuận lợi cho Chính phủ trong điều hành nền kinh tế được linh hoạt. Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng việc dự thảo quyết định như vậy là không hợp lý với quy định của Hiến pháp. Quyết định thuế suất là thẩm quyền của Quốc hội, để đảm bảo sự linh hoạt trong điều hành của Chính phủ thì nên quy định: Quốc hội sẽ quyết định khung thuế suất, và Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định mức thuế suất cụ thể. Vì Ủy ban thường vụ Quốc hội họp mỗi tháng ít nhất một lần nên hoàn toàn có thể xem xét, sửa đổi mức thuế suất kịp thời khi có đề xuất của Chính phủ. Hoàng Duân

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/details/tin-tuc-su-kien/nang-cao-hieu-qua-quan-ly-khai-thac-su-dung-nguon-tai-nguyen-cua-dat-nuoc/32/0/23638.star